Biển Đông: Tương quan sức mạnh Mỹ - Trung Quốc
Trước những động thái leo thang quân sự gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, vai trò của Mỹ và hệ thống đồng minh, đối tác cần phải phát huy sức mạnh hơn nữa.
05:30 09/07/2019
Chỉ trong một thời gian rất ngắn (hôm 26-6 và 5-7), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hai lần thách thức Mỹ công khai chống lại hành vi quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông.
Phát biểu của ông Duterte đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ bởi lẽ nó phản ánh được phần nào tình thế nước lớn-nước nhỏ tại biển Đông.
Mặt khác, ông Duterte cũng cho thấy phản ứng thiếu hiệu quả của Mỹ trong vai trò siêu cường đứng đầu trật tự thế giới tự do và thượng tôn pháp luật, thách thức các yêu sách và hành động phi pháp của TQ ở biển Đông.
Philippines đứng trước sức mạnh của Trung Quốc
Trong bài phát biểu hôm 5-7, ông Duterte tái khẳng định Philippines không thể giành chiến thắng nếu có chiến tranh với TQ. Vì vậy, nếu muốn đối đầu với Bắc Kinh ở biển Đông thì Mỹ phải “nổ phát súng đầu tiên”, theo tờ Philippines Daily Inquirer.
Lời phát biểu thẳng thắn của ông Duterte cho thấy một vấn đề hết sức thực tế rằng sức mạnh quân sự của TQ hiện nay vượt xa khả năng đối kháng của Philippines nói riêng và một số quốc gia Đông Nam Á khác nếu đứng trên lập trường và sức mạnh đơn lẻ.
TQ đang là nền kinh tế thứ hai thế giới và đồng thời là quốc gia duy nhất trong khu vực biển Đông được sở hữu vũ khí hạt nhân. Không dừng lại ở đó, bảy thực thể mà Bắc Kinh đã quân sự hóa phi pháp ở Trường Sa còn là những “chiến hạm chưa ai có thể bắn chìm”, nằm ở vị trí rất gần với Philippines. Do đó, Manila khó có thể lựa chọn con đường đối đầu trực diện.
Một thực thể nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
“Đến các nước phương Tây như Mỹ còn không thể buộc TQ từ bỏ yêu sách phi lý ở biển Đông. Thậm chí Mỹ còn sợ (TQ)” - báo Phil Star của Philippines dẫn lời ông Duterte hôm 26-6. “Đừng bảo tôi phải đặt tính mạng của 110 triệu người Philippines vào rắc rối.
Đây không phải là lúc lao vào cuộc chiến. Đây là địa chính trị và căng thẳng sẽ leo thang nếu Philippines phản ứng căng thẳng” - Tổng thống Philippines cho biết thêm.
Lời thách thức dành cho Mỹ
Mỹ đáng lẽ đã phải hành động sớm hơn. Ông Duterte nhắc lại việc Mỹ đã không làm gì ngay cả khi họ biết kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của TQ ở biển Đông.
Với tình thế hiện nay, ông Duterte thách thức Mỹ và các nước châu Âu tham gia cùng Philippines trong việc phản đối các hoạt động của TQ ở biển Đông.
Cho đến nay, ngoài những lời hứa và những lần “đấu khẩu” với TQ thì Mỹ, Anh, Pháp, Nhật và Úc chủ yếu xuất hiện ở biển Đông trên hai danh nghĩa: thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs) và tham gia tập trận chung. Hai hoạt động này được cho là chưa đủ sức răn đe Bắc Kinh.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Sự kiện phóng tên lửa diễn ra trước khi ông Duterte nói rằng Mỹ hãy “nổ phát súng đầu tiên”. Nói cách khác, Manila yêu cầu đồng minh Mỹ phải thể hiện nhiều hơn “trách nhiệm với đồng minh quân sự”, đồng thời cũng cho thấy vai trò của Mỹ trong khu vực cần phải được củng cố.
Các quốc gia Đông Nam Á vẫn luôn thừa nhận địa vị cường quốc số một thế giới của Washington nhưng riêng trong khu vực biển Đông, vai trò của Mỹ vẫn còn mờ nhạt.Trong khoảng thời gian cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, TQ còn ngang nhiên thử tên lửa chống hạm ở biển Đông.
Thông tin này được phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn ngày 3-7 xác nhận. “TQ bắn thử tên lửa từ một thực thể nhân tạo ở biển Đông, gần quần đảo Trường Sa” - đài CNN cho hay.
Một quan chức quân sự Mỹ hôm 4-7 còn nói TQ đã phóng tổng cộng sáu tên lửa, có thể là tên lửa đạn đạo DF-21D chuyên đối phó tàu sân bay, với tầm bắn ước tính hơn 1.500 km. Các thông tin này sau đó bị Bắc Kinh phủ nhận.
Theo nhận định của James Holmes, một chuyên gia quân sự Mỹ, được đăng tải trên trang Naitonal Interest, thì cách khả dĩ nhất hiện nay để đối phó TQ là thành lập một khối liên minh giữa Mỹ, Nhật, Úc và Liên minh châu Âu với những điều khoản ràng buộc về quyền và nghĩa vụ rõ ràng để phá vỡ thế độc quyền của TQ ở biển Đông .
Theo ông Holmes, nếu như vị trí địa lý gần gũi khiến các quốc gia Đông Nam Á khó có thể trực tiếp đối đầu TQ vì lo ngại sự trả đũa về kinh tế lẫn quân sự thì chỉ có điều khoản pháp lý minh bạch nhằm thành lập một khối liên minh với những quốc gia đủ năng lực đối trọng khác, dù cách xa hàng ngàn kilomet, vẫn là một con đường sáng cho các nước ở thế yếu.
Cùng với đó, Úc cũng nhận thức được họ phải làm nhiều hơn là chỉ “vẫy cờ” báo hiệu sự hiện diện ở biển Đông. Viện Chính sách chiến lược Úc mới đây đã kêu gọi việc thay đổi thế trận phòng thủ ở vùng biển này.
Tổ chức này còn cho rằng các nhà hoạch định quốc phòng nên chủ động triển khai hoạt động đến các căn cứ ở Nhật Bản, đảo Guam và Papua New Guinea.
Ngoài ra, việc xây dựng một liên minh phòng thủ ba bên chính thức giữa Washington, Tokyo và Canberra sẽ giúp Nhật Bản trở thành “con mắt thứ sáu” trong nhóm tình báo Five Eyes - vốn bao gồm các thành viên Úc, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.
Mỹ - Trung Quốc chuẩn bị đàm phán thương mại
Sau hơn một tháng đình trệ, các cuộc nói chuyện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp được khôi phục.