Biến thể Delta gây ra các triệu chứng khác so với chủng gốc, "đánh lừa" người nhiễm COVID-19
Cùng với mối nguy về tốc độ lây, biến thể Delta cũng có những biểu hiện bệnh khác biệt. Đó là đau đầu, đau họng và sổ mũi.
21:00 19/07/2021
Khi SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch COVID-19) ngày càng phát triển, những triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân có thể cũng đang thay đổi.
Ông Lara Herrero - chuyên gia về vi rút học và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Griffith (Úc) cho hay, những dữ liệu gần đây đã cho thấy người bị nhiễm biến thể Delta (được xác định lần đầu tại Ấn Độ) có thể sẽ gặp phải các triệu chứng phổ biến khác với chủng COVID-19 ban đầu.
Cụ thể, 5 triệu chứng phổ biến nhất của người mắc COVID-19 hiện tại là đau đầu, đau họng, sổ mũi, sốt và ho dai dẳng. Trong khi đó, hiện tượng mất khứu giác từng rất hay gặp nay chỉ xếp thứ 9.
Những triệu chứng của biến thể Delta khiến nhiều người nghĩ họ bị cảm lạnh do thời tiết hoạc theo mùa. Đặc biệt ở những người trẻ, khỏe, biểu hiện bệnh thường nhẹ hơn. Bởi vậy, họ vẫn có thể đi ra ngoài, tới chỗ đông người và vô tình lây bệnh cho người khác.
Các biến thể mới của SARS-CoV-2 có vẻ sẽ tác động ít nhiều đến hiệu quả của vắc xin, tuy nhiên đối với chủng Delta, những loại vắc xin mà người dân Úc đã được tiêm chủng rộng rãi như Pfizer/BioNTech hay Oxford/AstraZeneca vẫn có phản ứng miễn dịch tốt sau 2 mũi chủng ngừa.
5 triệu chứng phổ biến nhất của người mắc COVID-19 hiện tại là đau đầu, đau họng, sổ mũi, sốt và ho dai dẳng.
Tuy nhiên ông Yevgeny Timakov - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vaccine của Nga lưu ý rằng biến thể Delta sẽ khiến tình trạng sức khỏe bệnh nhân xấu đi nhanh, bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng trong vòng 3 đến 4 ngày.
Trong khi đó, báo San Francisco Chronicle (Mỹ) cho biết biến thể Delta có thể lây lan trong vòng 5-10 giây, trong khi chính phủ Úc nói rằng các đoạn camera giám sát về virus SARS-CoV-2 cho thấy biến thể mới này chỉ mất vài giây để lây lan, đồng thời nhấn mạnh nó dễ lây lan hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Hiện có 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm “đáng lo ngại” bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta, trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất- là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.
WHO nhận định, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tiêm chủng, thì giải pháp khả thi nhất hiện nay vẫn là hỗ trợ các nước trong việc phân phối công bằng thiết bị bảo hộ cá nhân, các xét nghiệm, phương pháp điều trị. Ngoài ra, việc tập trung xác định rõ các biến thể cũng được xem là “chìa khóa” giúp đẩy nhanh nỗ lực ứng phó một cách hiệu quả trước dịch bệnh.
Nghiên cứu của Đại học Harvard: 4 thói quen tưởng vô hại, làm giảm tuổi thọ nam giới
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, tuổi thọ đàn ông có thể bị rút ngắn vì những thói quen phổ biến như ăn uống thất thường, ít vận động hay tâm lý căng thẳng.