Biểu tình đòi tái mở cửa lan rộng ở Mỹ
Hàng trăm người biểu tình tại các thành phố khắp nước Mỹ, phản đối thống đốc bang kéo dài lệnh phong toả, bất chấp ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng.
01:30 20/04/2020
Ước tính 400 người đã tập trung biểu tình ở thành phố Concord, bang New Hampshire, hôm 18/4, dưới trời mưa lạnh, trong đó nhiều người đi bộ, số khác ngồi trong ôtô. Một nhóm đàn ông mặc đồng phục kiểu quân đội, bịt mặt và cầm súng. Họ truyền đi thông điệp rằng kéo dài phong toả là không cần thiết vì bang này ghi nhận tương đối ít ca Covid-19.
Tại bang Texas, hơn 250 người biểu tình bên ngoài cơ quan lập pháp ở thành phố Austin, trong đó có nhà lý luận âm mưu cực hữu Alex Jones, người sáng lập trang web Infowars, xuất hiện trên một chiếc xe tải được cải trang như xe tăng.
"Đã đến lúc tái mở cửa Texas, để mọi người làm việc, đã đến lúc để họ chủ động tương tác với nhau", Justin Greiss, một nhà hoạt động của tổ chức "Thanh niên Mỹ vì Tự do", nói.
"Tôi không phải bác sĩ nhưng tôi là một người thông minh, biết tính toán và có vẻ như vào cuối ngày, những con số không đáng lo ngại", Amira Abuzeid, một phụ nữ ở nhà nội trợ, nói.
Nhóm người tụ tập trước toà nhà chính quyền bang Maryland ở thành phố Annapolis vẫn ngồi trong xe nhưng vẫy các biểu ngữ như "Đói nghèo cũng gây chết người".
"Tôi cần cứu cửa hiệu của mình. Tôi cần làm việc để sống, nếu không tôi sẽ chết", Dolores, một thợ cắt tóc, cho hay.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với số ca nhiễm đến nay đã tăng lên hơn 700.000, trong đó gần 39.000 ca tử vong. Phần lớn người Mỹ đang ở dưới lệnh phong toả, bị hạn chế ra đường và hầu hết các cơ sở kinh doanh, ngoại trừ những nơi cung cấp nhu yếu phẩm, phải đóng cửa.
Người biểu tình ở những bang do phe Dân chủ lãnh đạo nhận được sự cổ vũ từ các tweet ủng hộ cuộc sống quay lại bình thường của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, biểu tình cũng diễn ra ở những bang do phe Cộng hoà lãnh đạo như New Hampshire và Texas. Cuộc biểu tình lớn nhất phản đối lệnh phong toả diễn ra ở thủ phủ Lansing, bang Michigan hồi giữa tuần, thu hút khoảng 3.000 người.
Tại Concord, họ cầm những biểu ngữ như "Những con số dối trá" và "Tái mở cửa New Hampshire". Yêu cầu chung của họ là lệnh hạn chế ra ngoài với 1,3 triệu dân của bang này phải được dỡ bỏ trước khi hết hạn vào ngày 4/5 như dự kiến.
Những người khác vẫy cờ Mỹ, hô vang khẩu hiệu thời chiến tranh giành độc lập "Sống tự do hay là chết".
"Mọi người rất vui vẻ làm những gì cần thiết trên cơ sở tự nguyện", Murphy, một người biểu tình 63 tuổi, nói. Tuy nhiên, ông thêm rằng "số liệu không phù hợp với việc phong toả nghiêm ngặt đang diễn ra ở New Hampshire". Bang này hiện báo cáo hơn 1.300 ca nhiễm nCoV, với 38 ca tử vong.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hầu hết người Mỹ thực sự lo lắng rằng chính quyền dỡ bỏ lệnh cấm quá sớm, chứ không phải quá muộn. Tuy nhiên, Tổng thống Trump hôm 18/4 bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình khi kêu gọi trên Twitter "giải phóng Michigan, Minnesota và Virginia", tất cả đều là những bang có thống đốc Dân chủ đứng đầu.
Hôm 17/4, ông chủ Nhà Trắng đã công bố hướng dẫn tái khởi động nền kinh tế sau Covid-19, vạch ra quá trình mở cửa lại nước Mỹ gồm ba giai đoạn, tuy nhiên để thống đốc các bang tự quyết định thời điểm dựa trên tình hình thực tế từng nơi. Ông hoan nghênh việc một số doanh nghiệp ở Texas và Vermont mở cửa lại vào ngày 20/4, "trong khi vẫn yêu cầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp".
Murphy cho biết ông đã bỏ phiếu cho Trump nhưng việc tham gia biểu tình không liên quan đến đảng phái, bởi thống đốc New Hampshire thuộc phe Cộng hoà.
"Việc này không liên quan tới Trump hay các thống đốc Dân chủ và Cộng hoà", ông nói. "Đây là trường hợp một kích cỡ không thể vừa vặn với tất cả mọi người, lệnh phong toả nên chấm dứt ở những nơi nó không có ý nghĩa gì".
Link nguồn: https://vnexpress.net/bieu-tinh-doi-tai-mo-cua-lan-rong-o-my-4086873.html
Mỹ tiến hành điều tra toàn diện về nguồn gốc của Covid-19
Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về việc liệu Covid-19 có phải là sản phẩm từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc hay không.