Bốn mấu chốt trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng Trung Nguyên

Sau 10 lần hòa giải bất thành, vụ kiện ly hôn kéo dài hơn 3 năm, tranh chấp khối tài sản ở Trung Nguyên chưa có hồi kết.

21:00 25/02/2019

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều thừa nhận đến với nhau bằng tình yêu đẹp, có 4 người con. Từ năm 2013, cuộc sống của họ bắt đầu xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm sống, nuôi dạy con, cũng như trong chiến lược phát triển Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ lên núi thiền định.

Nỗ lực hàn gắn bất thành  

Năm 2015 bà Thảo gửi đơn ly hôn, cho rằng ông Vũ thay đổi rất nhiều khiến vợ chồng không còn hòa hợp. Bà đã cố gắng hàn gắn để các con có một gia đình trọn vẹn nhưng không thể.

Ông Vũ không đồng ý ly hôn, muốn vợ lui về chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái còn ông tiếp tục phát triển sự nghiệp kinh doanh của gia đình, phụng sự cộng đồng và xã hội.

Quá trình tòa thụ lý giải quyết vụ án, nhiều vấn đề phát sinh trong việc tranh chấp tài sản, quyền điều hành công ty... khiến mâu thuẫn của họ ngày càng trầm trọng. Cả hai trở thành đương sự, người liên quan trong 18 vụ kiện. Trong đó có việc tranh chấp tài sản thuộc Công ty Trung Nguyen International (tại Singapore), nhiều vụ kiện đã và đang được TAND TP HCM giải quyết.

Ông Vũ nói về cuộc hôn nhân của mình rằng đã ra đến tòa là kết thúc. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Ông Vũ sau phiên xử sáng 21/2. Ảnh: Thành Nguyễn

Hố sâu ngăn cách tình cảm của họ ngày càng rộng, cuối cùng ông Vũ đồng ý ly hôn. Trong hơn 3 năm thụ lý vụ án, toà đã tổ chức 10 buổi làm việc với nỗ lực hòa giải nhưng bất thành. Hai bên đều có những luật sư "gạo cội" bảo vệ quyền lợi.

Trong hai ngày diễn ra phiên xử (20-21/2), hai bên đối đáp căng thẳng, người này cho người kia sai - là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ. Bà Thảo nói 6 năm qua ông Vũ bỏ bê vợ con và cũng không trực tiếp điều hành công ty. Ông chủ Trung Nguyên nhiều lần mất bình tĩnh, khẳng định "chưa bao giờ sai với vợ", cho là bà dùng nhiều "thủ đoạn" để kiểm soát tiền bạc... Thỉnh thoảng ông dùng những lời lẽ đầy ẩn ý đối với bà Thảo.

HĐXX dành thời gian động viên hai bên nhìn nhận lại, cho nhau cơ hội hàn gắn. Bà Thảo đồng ý rút đơn nhưng ông Vũ không chấp nhận.

Giành quyền nuôi con và yêu cầu cấp dưỡng

Bà Thảo yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng các con, ông Vũ phải chu cấp cho mỗi con 5% cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ cũng muốn được nuôi các con mà không cần bà Thảo cấp dưỡng. Nhưng ông tôn trọng nguyện vọng của các con, nếu tòa giao cho bà Thảo chăm sóc ông cấp dưỡng mỗi con 5% cổ tức từ tập đoàn.

Tuy nhiên, đến trước khi diễn ra phiên tòa, ông Vũ cùng tổ luật sư bảo vệ đã thống nhất đưa ra số tiền cấp dưỡng cụ thể cho 4 con mỗi năm là 10 tỷ đồng cho đến khi trưởng thành. Tại tòa bà Thảo cũng đổi ý, chấp nhận mức cấp dưỡng ông Vũ đưa ra.

Tranh chấp tài sản hơn 7.700 tỷ đồng

Trong phạm vi đơn khởi kiện ban đầu, bà Thảo chỉ yêu cầu tòa giải quyết chia tài sản là số cổ phần sở hữu và quyền tài sản tại Công ty Cổ Phần Tập đoàn Trung Nguyên.

Số vốn điều lệ của Tập đoàn Trung Nguyên lúc này là 2.500 tỷ đồng. Tài sản chung của vợ chồng chiếm khoảng 30% - tương đương 750 tỷ đồng. Bà đề nghị được chia đôi, mỗi người 375 tỷ đồng. Theo bà Thảo, đây là số tài sản yêu cầu phân chia làm cơ sở tính án phí trong vụ án.

Bổ sung đơn khởi kiện ở giai đoạn sau, bà Thảo yêu cầu phân chia tài sản chung khác với giá trị khoảng 52,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị tài sản chung bà Thảo yêu cầu phân chia là 802,5 tỷ.

Tiếp đó, bà Thảo đưa ra phương án chia khối tài sản chung của vợ chồng thành 2 nhóm: Trung Nguyên và G7. Quyền lựa chọn đầu tiên thuộc về ông Vũ. Nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên, bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 hoặc ngược lại. Ông Vũ có thêm một tháng để suy nghĩ và thay đổi quyết định về lựa chọn này. Tuy nhiên, ông Vũ không chấp nhận.

Bà Thảo không muốn nhận giá trị cổ phần sở hữu bằng tiền. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Bà Thảo không muốn nhận giá trị cổ phần sở hữu bằng tiền. Ảnh: Thành Nguyễn

Tại tòa, bà Thảo đề nghị chia cổ phần trong 7 công ty thuộc tập đoàn. Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, bà được hưởng 51% cổ phần (tương đương 2.114 tỷ đồng), ông Vũ 39%, còn lại là của mẹ và chị gái ông Vũ. Ở một số công ty khác, bà Thảo yêu cầu chia đôi. Khi đó, ông Vũ sẽ nắm 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (khoảng 814 tỷ đồng/người) và 7,5% cổ phần tại Công ty Cổ phần Hòa tan Trung Nguyên - G7 (43 tỷ đồng/người)...

Về bất động sản, bà thống nhất phương án chia đôi nhưng đề nghị HĐXX tuyên bà cùng các con được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3) bởi đây là nơi gắn liền cuộc sống của mẹ con bà.

Đối với tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng trị giá khoảng 2.102 tỷ đồng bà không đồng ý đưa vào giải quyết trong vụ án này nên không nêu quan điểm.

Về phía ông Vũ, ban đầu ông yêu cầu tách toàn bộ tài sản ra giải quyết thành một vụ án khác. Sau nhiều lần thay đổi, ông đề nghị tòa phân chia khối tài sản trong ngân hàng; 13 bất động sản; giá trị cổ phần tại 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

Cụ thể, ông đồng ý cho bà Thảo và các con sở hữu căn nhà ở đường Tú Xương, chia đôi 13 bất động sản khoảng 725 tỷ đồng (mỗi người 362,5 tỷ đồng). Riêng khoản 2.102 tỷ đồng và giá trị cổ phần tại 7 công ty (5.654 tỷ đồng) ông Vũ đề nghị được hưởng 70%, bà Thảo 30%. Tổng cộng ông Vũ được hưởng khối tài sản trị giá 5.792 tỷ đồng.

Ông Vũ muốn thanh toán giá trị cổ phần bà Thảo sở hữu bằng tiền để được toàn quyền điều hành Trung Nguyên theo định hướng của mình. Đề nghị này của ông Vũ bị bà Thảo phản đối bởi cũng muốn tham gia quản lý phát triển Trung Nguyên.

Riêng đối với những tài sản khác chưa xác minh và 7,4 triệu đô Singapore là vốn điều lệ của Công ty Trung Nguyên International sẽ tách ra thành một vụ án khác. 

Ai là 'linh hồn' của Trung Nguyên?

Phiên toà trở nên căng thẳng hơn khi luật sư các bên tranh cãi về đóng góp của thân chủ đối với sự phát triển của Trung Nguyên - một trong những căn cứ xác định tỷ lệ phân chia tài sản.

Phía bà Thảo nói về những ngày bà cùng chồng phát triển công ty, phải làm việc từ sáng đến đêm ngay cả khi mới sinh con.

Ông Vũ trải lòng về những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn, phải vay mượn từng gói cà phê của các đại lý. Giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 15/8/1996 mang tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ. 4 năm sau thay đổi giấy phép kinh doanh, thành viên ban quản trị công ty còn có ông Đặng Mơ (cha ông Vũ). Lúc này vốn điều lệ tăng lên 3 tỷ. Năm 2002, khi thay đổi đăng ký kinh doanh lần 5, ngoài việc tăng vốn điều lệ lên 14,4 tỷ đồng còn thành lập thêm chi nhánh và công ty vẫn chỉ có hai thành viên là cha con ông Vũ.

Hai năm sau khi thành lập Trung Nguyên ông Vũ mới kết hôn với và Thảo (1998).  Đến tháng 4/2006, bà Thảo mới tham gia là cổ đông. Ông không phủ nhận công lao của vợ, song ông nhiều lần lớn tiếng khẳng định mình mới là "linh hồn" của Trung Nguyên khi nghe luật sư của bà Thảo nói "công sức của vợ còn cao hơn cả chồng".

Bà Thảo nhiều lần đứng dậy phản đối, cho rằng những điều ông Vũ nói là xúc phạm, sỉ nhục mình. Bà đề nghị ông kiềm chế bởi "cái gì cũng có giới hạn".

Tòa sẽ đưa ra phán quyết vào chiều 25/2.

Hải Duyên

Tags:
Ăn cắp xe, bị cảnh sát đuổi theo qua nhiều quận hạt ở Nam California

Ăn cắp xe, bị cảnh sát đuổi theo qua nhiều quận hạt ở Nam California

Hai nghi can ăn cắp xe ở Santa Ana bị cảnh sát đuổi theo qua nhiều quận hạt ở Nam California, cuối cùng bị b.ắ.t ở Newport Beach hôm Thứ Năm, 21 Tháng Hai.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất