Bức thư của vị giáo sư đại học dành cho con gái đã động đến trái tim của các bậc làm cha mẹ

Trong bức thư gửi con gái vừa bước vào đại học của một giáo sư đại học, ông đã dành cho con 9 lời khuyên bao gồm đạo đức, nghề nghiệp, kiến thức, tình yêu và rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống.

07:00 05/09/2021

Người cha là Ngô Huy, phó giáo sư tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Nhân văn, Đại học Tài chính và Kinh tế Giang Tây. Cô con gái Ngô Dương của ông đã được nhận vào Đại học Lâm nghiệp Tây Nam năm ngoái và hiện là sinh viên năm 2 chuyên ngành tiếng Anh. Bản thân giáo sư Ngô Huy cũng có một câu chuyện rất hay: ông từng là giáo viên tiểu học và trung học trong 10 năm, năm 30 tuổi ông mới thi nghiên cứu sinh cho đến sau này trở thành giáo sư Đại học.

Ông bắt đầu viết bức thư này vào tháng 2, tháng 3 năm ngoái. Lúc đó, con gái vẫn còn đang học lớp 12. Ông cứ thong thả như vậy, chăm chút từng ít một, cứ thế vài tháng ông mới hoàn thành xong bức thư, cho đến khi con gái vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học, ông mới trao bức thư cho cô. Và… bức thư này đã thay đổi cuộc đời con gái ông.

Ảnh: meyermovers.com

Giờ đây, cô đang là sinh viên đại học, đồng thời chủ động tham gia vào hội tình nguyện và hội ký giả. Cô cũng đến hỗ trợ vùng bị động đất Lỗ Điện (Vân Nam, Trung Quốc). Do đó, cô trở thành sinh viên năng động nổi tiếng trong trường.

Vậy trong thư giáo sư Ngô Huy đã viết cho con gái những gì? Rất nhiều phụ huynh sau khi đọc xong đều nói rằng: Bức thư đã nói ra hết tất cả từ đáy lòng tôi muốn nói mà chưa thể nói.

***

Một bức thư tạo nên ảnh hưởng đến bộ giáo dục

Con gái, thời gian như thoi đưa, thoáng cái đã qua nhanh như tên bắn.

Mới ngày nào con còn bi bô học nói, tập tễnh học bước đi, bất giác con đã trưởng thành, đảo mắt giờ đã thành cô sinh viên đại học. Theo lý mà nói thì 18 tuổi đã là người lớn rồi, ba đáng lẽ không phải bận tâm nữa.

Chỉ là vì từ lúc sinh ra đến giờ, con chưa từng rời xa nhà, ba thấy có chút lo lắng con có thể tự chăm sóc bản thân không được tốt. Con nói rằng con không muốn học đại học ở địa phương, ba hiểu và cũng ủng hộ con. Ngoài kia biển rộng trời cao, con có thể tự do bay lượn.

Ảnh: entrepreneur.com

Ba biết con vốn không thích nghe thuyết giáo, nhưng con vẫn đang ra ngoài cầu học mà, vậy nên ba vẫn là phải nói đôi lời. Với con chưa chắc sẽ giúp được gì, nhưng với ba cũng là niềm an ủi.

1. Về đạo đức: Đạo đức trước hết là một điều thực tế, thiện lương không thể chỉ dừng lại ở trong lòng

Để trở thành một người có đạo đức, kiến giải này cũng không phải là mới, ba chủ yếu muốn nói với con làm thế nào để làm được điều đó.

Đạo đức trước hết là một điều thực tế, thiện lương không thể chỉ dừng lại ở trong lòng. Còn nhớ một lần đi xe buýt, ba chủ động nhường chỗ cho một cụ già. Con và chị Jun đều nói rằng không ngờ rằng ba lại nhường ghế cho ai đó.

Ba hỏi các con, không phải là thầy giáo ở trường dạy các con như vậy sao? Các con trả lời rằng cảm thấy khi làm như vậy cũng có chút xấu hổ. Ba có thể hiểu được dạng tâm lý này của người trẻ tuổi, lần đầu tiên ba giúp đỡ người khác cũng để ý xem ánh mắt của mọi người.

Ảnh: theglobeandmail.com

Bây giờ nghĩ lại, căn bản là không cần phải để ý đến ánh mắt của người ta như vậy. Làm một điều tốt, không có tư lợi, có gì mà phải lo lắng, sợ bị người ta dị nghị? Trong cuộc sống cũng có nhiều điều nhỏ bé, chỉ cần đưa tay ra là có thể nhặt lấy, chính là làm những việc tốt đơn giản.

Khi con có thể giúp đỡ người khác, cũng không nên quá e dè. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn vì những giúp đỡ dù nhỏ thôi của con đó! Chúng ta đã nhận được ân huệ từ người khác, chúng ta cũng phải biết đạo lý đền đáp này chứ.

2. Về chuyên môn: Chọn nghề nên dựa vào đam mê, chớ nên dùng lợi ích để đo lường

Nói một nghề tốt hay xấu đều là tương đối và biện chứng.

Nghề này hôm nay tốt, không có nghĩa là vĩnh viễn tốt. Đừng dùng tiêu chuẩn lợi ích để đánh giá một nghề là tốt hay xấu. Chọn nghề chính là dựa vào đam mê, nghề này hôm nay còn hot, ngành học này hôm nay còn thịnh, con cũng đừng vì thế mà cảm thấy thích thú, nó không có ý nghĩa gì cả đâu. Tiêu chuẩn đam mê mới là ổn định, tiêu chuẩn lợi ích sẽ không lâu dài.

Ảnh: my.lumitylife.com

Làm một việc mà mình thích, đọc một cuốn sách mà mình hứng thú, chính là biết cách hưởng thụ cuộc sống.

Chọn những điều mà con thích, học những gì mà con đam mê, công việc càng phải có sự hứng thú, cuộc sống sẽ càng thêm ý nghĩa.

Nghề nào cũng vậy, chỉ cần học đủ tốt, đừng cảm thấy buồn khi bản thân không có được những gì mà người khác có.

Giống như đi du lịch, chỉ cần bước đi đủ xa, là có thể nhìn thấy được cảnh vật mà người khác chưa từng nhìn thấy. Xã hội nhân loại không ngừng phát triển, mức độ phân công công việc càng trở nên tinh tế hơn, nhưng phân công công việc cũng không thể nào rạch ròi như ‘nước sông không phạm nước giếng’ được. Các loại ngành nghề đều là các phương thức giải thích thế giới, sẽ đều có liên hệ ở một vài phương diện nào đó.

3. Về kiến thức: Kiến thức mở ra nhiều cánh cửa cho cuộc sống

Có những người không cần đọc sách cũng có thể phát tài. Nhưng một số ít trường hợp đặc biệt không nói lên được điều gì cả, nói về hiện tượng chung thì mới là có sức thuyết phục.

Những người có chút hiểu biết trong xã hội đều biết rằng, cho dù dùng tiền để đo lường thì tác dụng của tri thức cũng không thể bỏ qua được. Ở các công ty đa quốc gia cũng rất chú trọng đến yếu tố kiến thức và trí tuệ.

Chỉ cần làm một thống kê đơn giản, con sẽ tìm thấy mối tương quan tỷ lệ thuận giữa kiến thức và thu nhập. Đọc sách rốt cuộc là có tác dụng hay không, quan trọng là sử dụng kiến thức như thế nào để có tác dụng hữu ích, không thể chỉ dùng tiêu chuẩn kim tiền.

Ảnh: unsplash.com

Kiến thức quyết định tính cách, sở thích, tầm nhìn, khả năng đánh giá nghệ thuật, giá trị quan… Tất cả những điều này đều là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây đều là kết quả từ hun đúc kiến thức, không phải là sản phẩm của việc dùng tiền để trao đổi mà có được. Nếu sau khi tốt nghiệp đại học, con có thể nhận ra còn có rất nhiều lối sống có ý nghĩa hơn, thì đại học này cũng chưa phải là lối dẫn đến hạnh phúc duy nhất.

4. Về vấn đề đọc: Đọc kinh điển, kinh điển là sản phẩm của sự tuyển chọn của thời gian

Sự khác biệt lớn nhất giữa học đại học và trung học chính là rất tự do, cũng rất nhiều sinh viên lãng phí sự tự do này. Ba hy vọng rằng con có thể tận dụng sự tự do hiếm có này, đọc sách nhiều thêm một chút.

Người trẻ hiện đại ít ai thích đọc sách. Họ có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian đi dạo phố, mua hàng trên mạng, chơi game, chat chit… chính là không muốn dành thời gian để trầm tĩnh đọc sách. Ba có lần đã đề tặng sách cho một sinh viên: “Này bạn trẻ, hãy nghiêm túc yêu mến cuốn sách hay này và đọc nó bằng lòng nhiệt huyết”.

Ảnh: ces.mk

Ba nhấn mạnh với con rằng giờ con còn trẻ, nhưng đến khi con bước chân vào đời, con sẽ biết dành thời gian để đọc một cuốn sách thật sự rất khó khăn.

Ba cũng nhấn mạnh thêm đọc một cuốn sách hay là như thế nào. Có những cuốn sách thực sự có hại, ý tưởng nghèo nàn, nội dung tầm thường. Đọc sách cũng như giao hữu, cần cẩn thận lựa chọn, sách nội dung không thiện thì chớ nên lại gần.

Một cách đơn giản để lựa chọn đó là đọc các tác phẩm kinh điển. Các tác phẩm kinh điển là sản phẩm của sự tuyển chọn của thời gian và kết quả kén chọn của độc giả. Một quyển sách tại sao lại được gọi là tác phẩm kinh điển, chắc chắn là có lý do của nó. Chỉ cần là một tác phẩm kinh điển, chỉ cần con muốn đọc, con đều có thể đọc.

5. Về cạnh tranh: Vươn lên không phải bằng quan hệ, vậy sẽ phải dựa vào bản lĩnh cạnh tranh của bản thân mình

Trong thời đại cạnh tranh này, cần dùng thực lực để nói chuyện.

Luật chơi sẽ ngày càng công bằng hơn, và cạnh tranh chắc chắn sẽ càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Ba là một người bướng bỉnh, không thích nhờ người khác giúp đỡ và thực tế là rất ít khi ba nhờ người khác giúp đỡ. Khi ba được chuyển từ trường tiểu học lên trường trung học, đó là vì hiệu trưởng cảm thấy ba có trình độ giảng dạy ở bậc trung học.

Ảnh: getty.com

Sau đó trường quận tuyển 6 giáo viên, ba thi xếp ở vị trí thứ 3 nhưng lại không được chọn vào. Ba đi thi không bằng quan hệ, cũng chẳng nguyện ý đi nhờ vả người khác. Đến năm thứ hai, ba thi đậu nghiên cứu sinh và rời khỏi nơi này.

Vươn lên mà không nhờ vào quan hệ thì phải dựa vào bản lĩnh cạnh tranh của chính mình. Quả thực rất vất vả nhưng đổi lại ba nhận được sự tôn trọng và công nhận từ mọi người, bản thân ba cũng cảm thấy an tâm với năng lực của chính mình. Thật tốt biết bao!

Con cần biết rằng, một người nếu không muốn sống một cuộc sống thấp kém, vậy thì bản thân phải có “vốn liếng” để có thể luôn đường đường chính chính ngẩng cao đầu. Con hãy nắm bắt lấy các cơ hội để trau dồi cho bản thân mình, dũng cảm đối mặt với giông bão cuộc đời và thử thách của thời đại.

6. Quan niệm về cái đẹp: Những người có giá trị quan sâu sắc về cuộc sống thường hay nhắc đến khái niệm “nội ngoại kiêm tu”

Nếu chỉ nói riêng đến khía cạnh quan niệm về cái đẹp thì hẳn là khái niệm này là cực kỳ quan trọng.

Trái tim yêu mến cái đẹp, quả là người ta ai cũng có, là một cô gái thì lại càng như thế chứ. Con gái có thể mua sắm cho mình một số bộ quần áo thật dịu dàng, nền nã, đeo thêm trang sức và trang điểm nhẹ nhàng.

Ảnh: welt.de

Nhưng con gái đừng nên theo đuổi trào lưu hời hợt, chỉ chú trọng ngoại hình, trở thành một bình hoa di động.

Đó chính là cần phải hiểu được tầm quan trọng ở việc “nội tu” – tự tu sửa mình. Cách giao tiếp và cư xử của một người tiết lộ nội hàm của người đó. Vốn nhà chúng ta cũng không ai sẵn là bình hoa cả. Nên ba hy vọng con không theo đuổi cái đẹp hời hợt bên ngoài này. Ví như một bình hoa có hương thơm cũng sẽ quyến rũ hơn một bình hoa đẹp bình thường.

Kiến thức chính là trang sức quý giá nhất, dày công tu dưỡng chính là sức thu hút bền vững nhất mà sức tàn phá của thời gian không thể nào tước đoạt đi được.

7. Về tình yêu: Tình yêu đích thực phải là sâu sắc chứ không phải nông cạn, thực sự vị tha và không tham lam ích kỷ

Trong luân lý của đất trời, tình yêu là điều tốt đẹp, ba cũng hy vọng con có thể tìm được đúng người.

Con gái, miễn là con hạnh phúc thì người làm cha này cuộc đời coi như đã mãn nguyện.

Tình yêu là điều nghiêm túc, là tình cảm chân thật trong trái tim và có trách nhiệm trong hành động. Cảm tình không phải để tung hứng như trò chơi và tình yêu không phải dành để thể hiện.

Người yêu của con đó, không phải là vật sở hữu của riêng con. Có những lúc có thể con sẽ rất nhớ cậu ta, nhưng đừng luôn làm phiền cậu ấy. Con có thể rất yêu cậu ta nhưng đừng giới hạn cậu ấy. Tình yêu có lúc cũng làm cho con người ta trở nên ngu ngốc, mù quáng. Con là con gái phải biết giữ cho mình sự độc lập, cao quý, trên con đường hẹn hò, phải biết cân nhắc những việc nên làm và những việc không thể làm.

Ảnh: getty.com

Quyết định cuối cùng của tình yêu nên dựa trên cuộc khảo sát tỉ mỉ, không phải dựa trên sự rung động nhất thời. Ba hy vọng bạn trai tương lai của con là một chàng trai chính trực và có hàm dưỡng. Nếu như các con thật sự nghiêm túc, ba sẽ chúc phúc cho các con.

8. Về giao tiếp: Gặp chuyện có thể nhún nhường thì hãy nhún nhường, gặp người khó khăn nếu có thể giúp đỡ thì hãy tận sức giúp đỡ

Trường đại học là nơi có thể kết bạn. Cuộc đời mỗi người nhất định phải có ít nhất vài người bạn tử tế lâu dài. Hạnh phúc của đời người không phải do sự giàu có tiền bạc quyết định, mà nó phụ thuộc vào chất lượng của các mối quan hệ xã hội.

Kết giao bạn bè cũng là một loại quan hệ xã hội. Khi hạnh phúc có người chia sẻ, niềm vui sẽ được nhân lên. Khi đau buồn có người chia sẻ, nỗi buồn sẽ được san bớt lại. Con cho dù đi đến nơi đâu vẫn luôn có người quan tâm con và đáng được con quan tâm, thì con sẽ thấy rằng thế giới này tràn ngập ánh sáng, tốt đẹp biết bao, tâm hồn tươi mới như một khu vườn xuân.

Ảnh: getty.com

Trên thế giới này, không có sự yêu thương nào mà không có lý do, cũng không có sự ghét bỏ nào là vô duyên vô cớ. Mong muốn được người khác đối với mình tốt hơn một chút, thì trước tiên tự mình hãy đối tốt với người khác.

Ký túc xá bốn người một phòng, đều là từ nơi xa tới, là có duyên phận định ra từ trước như thế. Nếu gặp chuyện có thể nhún nhường, con đừng ngại nhún nhường, nếu gặp người khó khăn có thể giúp đỡ, con hãy tận sức giúp đỡ.

9. Về thời gian: Con gái đừng chủ quan rằng mình còn trẻ, cảm thấy hãy còn sớm để làm một việc gì

Thời gian được chia đều cho mọi người một cách rất công bằng, mỗi người có 24 giờ một ngày, tất cả đều như vậy. Nhưng cái tài sản vô hình này lại cũng thường bị bỏ quên nhất, dễ bị lãng phí nhất. Thời gian đã qua đi là qua luôn, đây là loại tổn thất không thể bù đắp lại được.

Đừng luôn cảm thấy mình còn trẻ và hãy còn quá sớm để thực hiện một điều gì. Có câu nói “Ký đắc thiểu niên kỵ mộc mã, chuyển nhãn dĩ thị bạch đầu nhân”, còn nhớ lúc thiếu niên cưỡi ngựa gỗ, nháy mắt đã thấy tóc bạc đầu. Thời gian của sinh viên thường được sử dụng theo hai cách, một là hoạt động cộng đồng, hai là các hoạt động trên Internet.

Ảnh: lifewire.com

Tham gia các câu lạc bộ để kết bạn và giao lưu hiểu biết, thật là việc đáng nên làm. Nhưng nếu quá nhiều hoạt động như vậy sẽ dẫn tới sự lãng phí thời gian dưới danh nghĩa làm các việc đường đường chính chính.

Internet rất thuận tiện và cũng rất rắc rối. Máy tính và điện thoại di động giúp con giữ liên lạc với thế giới bên ngoài và đồng thời cũng luôn bị làm phiền bởi thế giới bên ngoài. Do đó, con nên tắt mạng đúng lúc và dành thời gian cho những việc ý nghĩa hơn.

Con gái thương mến, nói ngàn câu đạo lý cũng không bằng con tự mình đi thực hành. Ba không thể dạy con mọi thứ và cũng không thể cùng con đi suốt cuộc đời. Thời gian trôi đi, sinh mệnh vô thường, một ngày nào đó biệt ly sẽ trở thành vĩnh viễn. Hy vọng những lời chân thành này của ba hôm nay có thể giúp ích cho con.

Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, nếu con hạnh phúc, ba cũng sẽ rất hạnh phúc!

Theo aboluowang

Mộc Lan biên dịch

Tags:
Biến chủng Mu có nguy cơ kháng vắc xin đã lan tới 43 nước

Biến chủng Mu có nguy cơ kháng vắc xin đã lan tới 43 nước

Biến chủng Mu đang được WHO theo dõi sát sao đã lan tới 43 quốc gia trên thế giới, giữa lúc các chuyên gia quan ngại chủng này nguy cơ kháng vắc xin Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất