Bức thư đặc biệt của nam tiếp viên xoa dịu nỗi đau người mẹ mất con
Bà mẹ người Mỹ đã khóc sau khi đọc những dòng chia sẻ của nam tiếp viên dành cho mình trên chuyến bay về quê.
05:47 30/08/2017
Ngày 18/8, bà Trisha Belstra lên máy bay sau khi nhận được tin con trai mới qua đời. Dù rất đau khổ nhưng bà cố không khóc và cầm chiếc túi nôn trong suốt hành trình bay.
Đến giờ phục vụ đồ ăn, một nam tiếp viên cúi xuống hỏi bà dùng gì. Bà nói muốn một chút nước. Nhận thấy sự bất ổn trên gương mặt hành khách, nam tiếp viên tiếp tục hỏi bà có sao không. Lúc này, bà Trisha nói mình đang tới nơi tổ chức tang lễ cho con trai.
"Cậu ấy nói rất lấy làm tiếc và cẩn thận mang cho tôi đồ uống tôi cần", bà Trisha chia sẻ trên tờ News.
Khi máy bay hạ cánh, nam tiếp viên này đứng đợi bà ở cầu thang và đưa cho bà một chiếc khăn ăn. Anh nói lời xin lỗi và chia sẻ với sự mất mát của bà. Bà Trisha không biết đó là một bức thư cho đến khi mở ra và khóc nức nở khi đọc từng dòng.
Bức thư của nam tiếp viên dành cho bà Trisha. Ảnh: News. |
"Năm 2004, anh trai tôi mất. Nỗi đau đó vẫn còn nguyên với tôi, nhưng có lẽ tôi không thể hiểu hết nỗi đau một người mẹ như bà đang phải chịu đựng. Tôi chỉ cảm nhận được một phần vì tôi đã chứng kiến mẹ tôi đau đớn ra sao (và có lẽ nó sẽ không bao giờ kết thúc).
Mẹ tôi đã cố gắng làm nhiều việc khác để vơi đi nỗi đau, nhưng nó không hề thuyên giảm. Vì vậy, bà không nên tìm cách để quên đi nỗi đau này. Thay vào đó, hãy tìm những cơ hội khác để trải nghiệm, tận hưởng niềm vui trong cuộc sống. Hãy đến thăm những người thân, trò chuyện, kết nối với những người bạn đã mất liên lạc, đi du lịch...
Tôi đã không ngừng nghĩ về bà, về những gì bà đã trải qua. Bà sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi tin bà có thể làm được và luôn ủng hộ bà".
Bà Belstra rất xúc động trước tình cảm của nam tiếp viên xa lạ đã dành cho mình. Bà gọi anh là "thiên thần" dù chưa biết tên anh.
Bà sau đó đã chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook, với hy vọng gặp lại người tiếp viên để nói lời cám ơn.
Tiếp viên soát vé 3 lần vẫn để khách bay nhầm từ Anh sang Mỹ
Thay vì tới Anh, Samuel phải bỏ ra gần 1.000 USD chi phí ăn ở, đi lại cho chuyến bay 14 tiếng từ Đức sang Mỹ rồi quay về.