Bước ngoặt sóng gió của Tổng thống Biden
“Cuộc chiến dài nhất” của Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc, nhưng đây chỉ là bước ngoặt mở ra chương mới không kém phần sóng gió đối với Tổng thống Joe Biden.
04:00 02/09/2021
Việc Mỹ rút những binh sĩ cuối cùng ra khỏi Afghanistan vào ngày 30/8 đã đánh dấu chấm hết cho sứ mệnh 20 năm của quân đội Mỹ tại đây.
Nhưng với Tổng thống Biden, dấu chấm hết của “cuộc chiến dài nhất” không phải cái kết đúng nghĩa mà chỉ là bước ngoặt mở ra giai đoạn mới cũng nguy hiểm và thách thức không kém so với thời điểm 20 năm trước.
Lúc này đây, ông Biden cùng đội ngũ của mình sẽ phải đối diện với nhiều câu hỏi và thách thức trong tương lai không chỉ liên quan tới vấn đề Afghanistan.
Lầu Năm Góc đăng bức ảnh chụp người lính Mỹ cuối cùng lên máy bay rời khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến dài nhất của Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nhiều vấn đề chưa được giải quyết
Taliban từng cam kết không trả thù người Afghanistan từng giúp Mỹ và tôn trọng quyền phụ nữ, ít nhất là trong khuôn khổ luật Hồi giáo Sharia. Nhưng nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại và cả đồng minh của ông Biden đều nghi ngờ lời hứa hẹn này.
Mối đe dọa an ninh đối với Mỹ vẫn tồn tại, như vấn đề liệu đất nước Afghanistan do Taliban kiểm soát có trở thành nơi trú ngụ của phần tử khủng bố muốn tấn công Mỹ hay không.
Ông Biden cùng đội ngũ cố vấn cũng phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo với hàng chục nghìn người tị nạn Afghanistan.
Tính đến ngày 28/8, hơn 117.000 người đã được sơ tán từ sân bay Kabul, trong đó đa số là công dân Afghanistan. Phía trước những người này sẽ là một tương lai vô định, và sự xuất hiện của họ ở mảnh đất mới cũng chưa chắc sẽ được hoan nghênh.
Người dân Afghanistan trèo lên máy bay tại sân bay Kabul vào ngày 16/8, một ngày sau khi Taliban tiến vào thủ đô. Ảnh: AFP.
Chính quyền ông Biden sẽ phải vật lộn với câu hỏi liệu trong những ngày cuối cùng, Mỹ đã làm hết sức để sơ tán công dân và người địa phương đủ điều kiện ra khỏi Afghanistan hay chưa?
Trong buổi họp báo ngày 30/8, Frank McKenzie, tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, nói rằng vẫn còn khoảng hơn một trăm công dân còn lại ở Afghanistan.
“Chúng tôi không thể đưa tất cả người mình muốn ra khỏi đó”, ông McKenzie thừa nhận. “Nhưng dù ở thêm 10 ngày nữa, chúng tôi cũng sẽ không thể đưa hết họ đi và vẫn sẽ có người thất vọng vì điều ấy”.
Cùng ngày, ông Biden ra tuyên bố cảm ơn các binh sĩ và sĩ quan tổ chức giai đoạn sơ tán cuối cùng một cách an toàn, “không có thêm thương vong cho nước Mỹ”.
“Taliban đã cam kết cho phép (người Afghanistan) rời đi an toàn và thế giới sẽ chứng kiến họ thực hiện cam kết ấy”, ông Biden nói trong tuyên bố.
Tổng thống Mỹ cũng chỉ ra rằng Liên Hợp Quốc chiều 30/8 vừa ra nghị quyết kêu gọi Taliban giữ lời hứa cho phép người Afghanistan rời khỏi đất nước.
Frank McKenzie, tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, nói rằng vẫn còn khoảng hơn một trăm công dân còn lại ở Afghanistan. Ảnh: AFP.
Mất quyền chủ động
Quá trình rút lui hỗn loạn và cái chết của 13 binh sĩ Mỹ trong vụ đánh bom liều chết ngày 26/8 đã đe dọa lời hứa đem yếu tố năng lực và sự bình ổn trở lại việc quản trị đất nước của ông Biden.
Thành viên đảng Dân chủ, đảng của ông Biden, đang ngày càng lo sợ về viễn cảnh mất ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Một số người đã âm thầm bàn tính tới việc bãi nhiệm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan vì vấn đề Afghanistan.
Ben Rhodes, nguyên Phó cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định chính quyền ông Biden gặp phải hai vấn đề cấp bách: Khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng tại Afghanistan và công tác chống khủng bố ở khu vực từ lâu đã là nơi trú ngụ cho phần tử khủng bố, nhất là khi năng lực thu thập tình báo tại hiện trường của Mỹ suy giảm nghiêm trọng.
“Về vấn đề Afghanistan, chính quyền cần cho thấy được quyết định chấm dứt cuộc chiến là đúng đắn. Họ cũng đồng thời phải thể hiện mình có khả năng kiểm soát hậu quả trên phương diện chống khủng bố và giải quyết thách thức nhân đạo”, ông Rhodes nói.
Thành viên Taliban chụp ảnh cùng trực thăng mà binh sĩ Mỹ bỏ lại. Ảnh: AFP.
Danielle Pletka, viện sĩ cấp cao thuộc Viện American Enterprise, cho rằng quyết định rút quân của chính quyền Biden đã để lại “vô số câu hỏi chưa có lời đáp”.
“Những người còn lại thì sao? Sự hiện diện của các nhóm khủng bố ở Afghanistan thì như thế nào? Chúng ta cần ứng xử thế nào với lực lượng phản kháng Taliban?”, bà Pletka đặt câu hỏi.
“Taliban sẽ là phía nắm quyền quyết định diễn biến tiếp theo. Và lịch sử của nhóm này cho chúng ta biết một điều: Phần tử khủng bố sẽ tìm thấy căn nhà nơi chúng từng chiến thắng một lần trước Mỹ”, bà Pletka nói.
Chính quyền ông Biden thường nhấn mạnh số người đã được sơ tán khỏi Afghanistan. Ngày 30/8, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki một lần nữa chỉ ra rằng hơn 120.000 người đã được di chuyển từ giữa tháng 8, trong đó có 6.000 người Mỹ và gia đình.
Bà Psaki cũng nói rằng dù có một số trở ngại, Nhà Trắng lạc quan về khả năng tác động tới hành vi của Taliban.
“Chúng ta có đòn bẩy rất lớn, bao gồm quyền tiếp cận thị trường toàn cầu. Đây là lợi ích không hề nhỏ đối với Taliban”, bà Psaki nói.
Hy vọng rời khỏi đất nước của nhiều người Afghanistan đã bị dập tắt, sau khi những chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời sân bay Kabul. Ảnh: New York Times.
“Nếu không may, ông Biden có thể đối mặt nguy cơ của một vụ 11/9 khác”
Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Eurasia Group, cho rằng dịp kỷ niệm 20 năm ngày xảy ra vụ tấn công 11/9 vào tuần sau có thể là cơ hội tuyên truyền của Taliban.
Tổ chức này nhiều khả năng sẽ “đem trang thiết bị của Mỹ diễu hành qua đường phố thủ đô và treo cờ Taliban bên trên tòa nhà Đại sứ quán Mỹ”, ông Bremmer nhận định.
Trung tướng nghỉ hưu Douglas Lute, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, đặt ra câu hỏi khác: Liệu Taliban có thể trở thành một chính phủ hiệu quả hay không.
“Chúng ta không có một chính phủ Taliban thật sự mà chỉ có tàn tích của lực lượng nổi dậy Taliban”, ông Lute nói. “Lật đổ chính quyền là một chuyện, quản trị đất nước lại là một chuyện khác”.
Nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng điều hành quốc gia của Taliban. Ảnh: Reuters.
Ông Bremmer cho biết việc rút quân khỏi Afghanistan xét cho cùng giúp Tổng thống Biden có thể bỏ lại sau lưng một khu vực chứa đựng đầy rẫy khó khăn. Người dân Mỹ, ít nhất là trên lý thuyết, phần lớn đồng ý với quyết định đưa binh sĩ Mỹ trở về quê nhà.
Dù vậy, đảng viên Cộng hòa vẫn sẽ háo hức muốn gán ghép ông Biden với công tác rút lui bị cho là “thảm họa”.
Theo suy đoán của ông Rhodes, đối thủ chính trị của ông Biden sẽ lấy các cuộc khủng hoảng mà Nhà Trắng đang phải đối mặt - từ đại dịch tới Afghanistan - để “tô vẽ một thực tế đáng sợ nhằm đổ lỗi cho ông Biden, dù phần lớn những điều ấy nằm ngoài khả năng kiểm soát của tổng thống”.
Bà Pletka đưa ra đánh giá u ám hơn.
“Nếu mọi người nói đúng, và tôi nghĩ là mọi người nói đúng, đây là một bước chuyển ngoặt với chính quyền Biden”, bà Pletka nhận xét. “Nếu không may, ông Biden sẽ đối mặt nguy cơ của một vụ 11/9 khác”.
Bão 'qᴜái ʋậł' Iɗɑ ᵭổ ɓộ ɢiữɑ ℓúc Mỹ ƙỷ пiệɱ 16 пăɱ łɦảɱ ƙịcɦ Kɑłɾiпɑ
Bão Iɗɑ ᵭổ ɓộ ʋào ᵭấł ℓiềп łại ɓɑпɢ Loᴜisiɑпɑ, Mỹ ʋới sức ɱạпɦ củɑ ɓão cấρ 4, cấρ cɑo пɦấł łɾoпɢ łɦɑпɢ cảпɦ ɓáo củɑ Mỹ. Cơп ɓão có łɦể ɱạпɦ ɦơп ɓão Kɑłɾiпɑ пăɱ 2005.