Bước vào tuổi trung niên, bớt 3 giữ 1, đời an nhiên

Ai sống hết gần nửa đời người rồi đều sẽ hiểu: Tiền bạc là vật ngoài thân, danh lợi không là mãi mãi, hư vinh chỉ như mây khói, và sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất.

07:00 15/05/2020

Khổng Tử từng đứng bên một dòng sông cảm thán rằng: "Thệ giả như ti phu!"

Ý muốn nói, thời gian như nước chảy, một đi không trở lại. Khi ngộ ra được chân lý của câu nói này, đời người đã trôi qua một nửa.

Thời gian không thể giữ lại, cũng đâu thể kiểm soát, chỉ có nội tâm là có thể nắm bắt, có thể tự do làm theo ý mình.

Ai sống hết gần nửa đời người rồi đều sẽ hiểu:

Tiền bạc là vật ngoài thân, danh lợi không là mãi mãi, hư vinh chỉ như mây khói, và sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất.

01

Tiền bạc là vật ngoài thân

Cách đây không lâu, CEO của một công ty giáo dục đột ngột qua đời ở tuổi 35, nguyên nhân là bởi uống rượu quá say.

Những năm gần đây, những chuyện như vậy cũng không phải là hiếm.

Nhưng, chẳng có mấy người xem đây là sự cảnh tỉnh, mà chỉ xem đó là một việc ngoài ý muốn, thở dài một cái rồi thôi.

Nỗ lực công việc, mài mòn tinh thần là giai điệu chủ đạo của thời đại ngày nay, khi cơ thể thực sự phát ra hồi chuông cảnh báo, có phải đã quá muộn?

Sống ở đời, nhà phải có, xe cũng muốn, hưởng thụ cũng muốn, người khác đổi nhà, đổi xe, tôi cũng muốn đổi, ý chí so sánh luôn trực trào trong lòng.

Vì vậy, tiền có bao nhiêu cũng không đủ tiêu. Tăng ca, thức đêm trở thành thường thái, một căn nhà, hai căn nhà, đổi xe rồi lại đổi xe…

Có câu: "Tiền bạc là nô bộc tốt, là chủ nhân xấu", làm nô bộc hay chủ nhân của đồng tiền, cho thấy hai quan điểm về tiền bạc.

Khi bạn xem tiền bạc là chủ tử, xoay quanh tiền bạc, bạn sẽ giống như lão Grandet, người cha giàu có nhưng keo kiệt và hám vàng trong tiểu thuyết Eugénie Grandet của tác giả Honoré de Balzac, cả đời chỉ là một công cụ kiếm tiền, ngay cả tới khi mất đi, trong mắt cũng toàn là tiền, sức khỏe, cơ thể chẳng là gì trong mắt ông.

Khi bạn xem tiền là nô bộc của mình, bạn sẽ phát hiện ra, tiền vì tôi mà tồn tại, tôi nỗ lực kiếm tiền, chỉ là để bản thân được trở nên thoải mái, cuộc sống tiện nghi hơn, một khi cơ thể không cho phép, chúng ta sẽ rời xa người nô bộc này, nghỉ ngơi một chút, điều chỉnh lại sức khỏe.

Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, cơ thể mới là cái vốn cơ bản nhất giúp chúng ta sinh tồn, tiếc rằng, rất nhiều người lại chỉ muốn nghĩ ngược lại!

Bước vào tuổi trung niên, bớt 3 giữ 1, đời an nhiên - Ảnh 1.

02

Danh lợi không phải là mãi mãi

Nguyễn Công Trứ từng viết: "Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông".

Theo đuổi lợi ích là điều hiển nhiên, là điều mà ai cũng muốn, nhưng theo đuổi danh lợi một cách mù quáng lại là một gánh nặng, lại chỉ khiến cuộc sống thêm mệt mỏi hơn.

Cao Bá Quát từng nói: "Xưa nay phường danh lợi - Tất tả trên đường đời - Đầu gió hơi men thơm quán rượu - Người say vô số, tỉnh bao người?"

Chạy đôn chạy đáo, bất chấp tất cả vì danh lợi, quyền lực, ai chẳng biết mù quáng mưu cầu danh lợi là không nên, nhưng mấy người cưỡng lại được.

Danh lợi, nó giống như vò rượu thơm, hấp dẫn, mê say biết bao người quân tử, đủ tỉnh táo để thoát ra khỏi sức hút của địa vị, quyền lực, có được bao người?

Nhưng, danh lợi rồi cũng theo gió bay. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình, mài mặt cả đời theo đuổi danh tiếng, địa vị, cuối cùng, có được bao nhiêu, và cũng đã mất đi những gì?

Nhà triết học người Đức, Arthur Schopenhauer nói: "Giàu có giống như nước biển: uống càng nhiều sẽ càng cảm thấy khát. Danh lợi cũng như vậy."

Người yêu tiền, sẽ không bao giờ có thời khắc thỏa mãn; kẻ theo đuổi danh lợi, sẽ không bao giờ biết đủ.

Danh lợi không bao giờ là mãi mãi, hiểu ra được điểm này, biết dừng lại đúng lúc, đời sẽ nhẹ nhàng, thoải mái hơn rất nhiều.

Bước vào tuổi trung niên, bớt 3 giữ 1, đời an nhiên - Ảnh 2.

03

Hư vinh chỉ như mây khói

Arthur Schopenhauer cũng nói: "Ai cũng có thể theo đuổi hư vinh, nhưng chỉ có số ít người có được danh tiếng."

Theo đuổi hư vinh dễ dàng hơn theo đuổi danh tiếng. Vì dễ, nên dường như ai cũng thích "đâm đầu vào".

Không thể phủ nhận, hư vinh đôi khi khiến con người ta trở nên giàu ý chí, nhiệt huyết, tạo ra những giá trị không tưởng hơn.

Nhưng, cái gì quá cũng không tốt. Hư vinh có thể đem lại cho người ta động lực phấn đấu, nhưng song song cũng tồn tại sự ảo tưởng ở bên trong.

Giả Bảo Ngọc khi hồi tưởng lại mọi việc trong Đại quan viên trong tác phẩm "Hồng lâu mộng", tất cả suy cho cùng đều là mộng tưởng.

Lâm Đại Ngọc ra đi ở độ tuổi đẹp của người con gái, khi tuổi xuân chưa kịp phai màu; chị em tỷ muội, cuối cùng chỉ là một chữ "tan", tình yêu của lão tổ tông rồi cũng phai nhòa, công danh như mây khói, Ngọc là giả, Bảo cũng không thật, cuối cùng đến với Không môn, bầu bạn với sự cô tịch nơi cửa phật.

Sự phồn hoa của Đại quan viên năm đó, tất cả chỉ là một giấc mộng, giấc "mộng" chốn giàu sang.

Vì vậy, phồn hoa, hư vinh đi qua, tất cả những gì vương lại chỉ là những viên gạch vỡ.

Hư vinh, có thể được cổ vũ, nhưng ở mức vừa phải, không được mù quáng theo đuổi, mù quáng đòi hỏi.

Đời người, giống như cây cỏ, xuân tới thu qua, vô cùng ngắn ngủi, luôn giữ cho mình một tâm trạng thoải mái, an nhiên mới là đạo dưỡng sinh.

Bước vào tuổi trung niên, bớt 3 giữ 1, đời an nhiên - Ảnh 3.

04

Sức khỏe là vốn quý nhất

Trên thế gian này, nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp, thực ra chỉ nằm ở hai chữ "sức khỏe".

Tuy nhiên, người trẻ lại thường bỏ qua điều này, người trung niên không quá chú trọng, về già rồi mới bắt đầu để tâm, và lúc này thì đã muộn...

Chồng tôi 43 tuổi, bị ung thư đã được ba năm. Vào mùa xuân năm 2018, anh ấy đã được tiến hành phẫu thuật ung thư đại trực tràng.

Năm 2019, một cuộc phẫu thuật khác lại diễn ra, mùa xuân năm 2020, một lần nữa bệnh nghi ngờ tái phát.

Trong suốt 3 năm trời, tôi và anh đã phải chịu đựng và trải qua rất nhiều, mùa xuân vốn dĩ là mùa của hi vọng, nhưng đó lại là một lần đả kích và tuyệt vọng với chúng tôi.

Đêm khuya, chúng tôi thường tự hỏi lại mình, tại sao lại là chúng tôi mà không phải là người khác?

Là di truyền? Là cách sống? Đáp án sẽ không có.

Khi khỏe mạnh, chúng ta dùng một lối sống không lành mạnh để đáp trả lại sức khỏe: thức đêm, tức giận, cãi nhau, uống rượu, hút thuốc, liều mình làm việc…

Nhưng khi sức khỏe thực sự rời xa chúng ta, chúng ta lại thường ngồi đó hối hận òa khóc muốn níu giữ nó lại, không tiếc bất cứ giá nào để níu kéo, nhưng, nó lại là người bạn đồng hành tuyệt tình nhất.

Arthur Schopenhauer nói: "Lỗi lầm lớn nhất của con người đó chính là mang sức khỏe ra để đổi lấy vật chất ngoài thân."

Ung thư đang ngày càng trẻ hóa, bệnh tật không trừ bất cứ một ai, nhưng có một hiện thực rằng, ngày nay, số người không chú trọng tới sức khỏe của mình lại quá nhiều.

Nếu nói thời đại đang tiến bộ, vậy thì quan niệm về sức khỏe của chúng ta cũng đang tiến bộ. Rất ít người ý thức được rằng sức khỏe là tài nguyên không thể hồi sinh, nó sẽ chỉ ngày một ít đi mà thôi.

Sức khỏe mới là thứ tài sản đầu tiên mà ai cũng nên tích lũy. Không có nó, tất cả chỉ là "niềm tin và hi vọng".

Nhà triết học Hà Lan Baruch Spinoza từng nói: "Giữ gìn sức khỏe là trách nhiệm làm người". Bởi lẽ chúng ta còn có cha mẹ, có con cái, vợ chồng.

Vì họ, chúng ta có trách nhiệm phải khỏe mạnh, có trách nhiệm lựa chọn một cuộc sống lành mạnh.

Bước vào tuổi trung niên, bớt 3 giữ 1, đời an nhiên - Ảnh 4.

Lời kết

Bài "Hảo liễu ca" trong tác phẩm "Hồng lâu mộng" có viết:

"Thế nhân đô hiểu thần tiên hảo, duy hữu công danh vong bất liễu!

Cổ kim tướng tương tại hà phương? Hoang trũng nhất đồi thảo một liễu.

Thế nhân đô hiểu thần tiêu hảo, chỉ hữu kim nhân vong bất liễu!

Chung triêu chỉ hận tụ vô đa, cập đáo đa thì nhãn bế liễu."

Ai cũng biết tiêu diêu tự tại là tốt, nhưng lại chẳng ai từ bỏ được công danh và tiền tài, sống ở đời, suốt ngày oán than mình không kiếm được bao nhiêu, đợi tới khi tiền đầy khắp nhà rồi thì cũng là lúc phải nhắm mắt xuôi tay.

Thực ra, chúng ta, khi tới tuổi trung niên rồi đều sẽ hiểu ra: tiền tài, danh lợi, hư vinh chỉ là "mộng", sức khỏe tốt mới là "thực", mới là quan trọng nhất.

Nhưng, đối diện với thế giới phức tạp, phồn hoa, trái tim đơn thuần, bé nhỏ kia lại không cưỡng lại được lạc lối trong cái thế giới huyên náo đó, giống như cánh diều bị mắc trên cây cao hàng chục mét, mặc dù dây nằm trong tay ta, nhưng diều sớm đã không còn chịu sự chỉ huy của ta nữa.

Nhưng, người khôn ngoan sẽ dứt khoát cắt đứt dây diều, để tất cả bay theo gió, cánh diều kia cũng giống như những vật ngoài thân khiến con người ta mệt mỏi, cắt đứt rồi là hết, nhẹ nhõm và tự tại…

Hóa ra trên thế gian này, không chấp niệm với tiền bạc, dám từ bỏ danh lợi, rời xa hư vinh, mọi thứ chỉ cần vừa đủ, giữ lại sự nhẹ nhõm và vui vẻ, thứ mà bạn nhận được chính là sức khỏe và tuổi thọ, người trung niên khi hiểu ra được điều này, cũng sẽ hiểu ra hạnh phúc thì ra đơn giản tới vậy!

Link nguồn: http://baodansinh.vn/buoc-vao-tuoi-trung-nien-bot-3-giu-1-doi-an-nhien-520201350924528.htm

Tags:
Người đến tuổi trung niên không nên làm 8 việc này

Người đến tuổi trung niên không nên làm 8 việc này

Cổ nhân có nói: “Tứ thập bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhĩ thuận” (Tạm dịch: 40 tuổi thì không bị nhầm lẫn, 50 tuổi hiểu được mệnh Trời, 60 tuổi nghe điều gì cũng thấy thuận tai).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất