Các chợ ở Little Saigon rộn ràng và tràn ngập hàng Tết

Còn đúng một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, tuy nhiên các khu chợ trong vùng Little Saigon đã rộn ràng không khí Tết. Màu vàng hoa mai, màu hồng hoa đào làm cả khu chợ ấm hẳn lên. Có chợ dành hẳn một khu để bày kẹo, bánh, mứt với những màu sắc mùa Xuân làm lòng người xa xứ thêm nôn nao.

07:13 20/01/2018

Bà Lê Thị Tín, cư dân Fountain Valley, cười tươi: “Năm nay, trời se lạnh làm tôi nhớ Tháng Chạp Hà Nội thuở chưa di cư. Mà phải có trang trí Tết lác đác đó đây, mỗi chỗ một ít mới giống Hà Nội xưa. Mấy hôm nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng đi chợ, chỉ để ngắm kẹo bánh thôi. Tôi kiêng đường, ăn có là bao nhiêu. Nhưng tôi thích nhìn cho vui mắt.”

Với bà, năm nay, Tết ở Little Saigon giống Tết Hà Nội hơn cả Sài gòn. “Sài Gòn nóng và bụi quá,” bà nói.

Doanh nhân Bùi Thọ Khang, chủ nhân một số ngôi chợ trong vùng Little Saigon, cho biết: “Anh Huỳnh Thanh Thọ và tôi cùng là giám đốc một hệ thống gồm bảy siêu thị là Á Đông, Saigon, Đà Lạt, Green Farm (ở Garden Grove), Mom và Green Farm (ở Gardena) và Green Farm (ở El Monte). Tất cả các chợ này đã có bán hàng Tết rồi. Chúng tôi biết đồng hương thường chuẩn bị đón Tết sớm và cũng biết họ cần gì nên sẵn sàng có những món phải có cho họ.”

Bánh mứt, vừa để ăn, vừa để tặng. (Hình: Đằng-Giao/)

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cố tình lựa chọn những loại bánh mứt, phong bì lì xì và các loại trang trí có chữ Việt Nam. Mình là Người Việt, tại sao phải trưng bày những thứ có chữ ngoại quốc ngoằn ngoèo khó hiểu?”

Cùng xu hướng trên, ông Dũng Nguyễn, chủ chợ Saigon City, cho biết ông cũng muốn lựa những sản phẩm có ghi chữ Việt. “Chúng tôi muốn thể hiện lòng tự hào về dân tộc mình qua những món hàng mình bán, như bánh mứt Việt Nam, câu chúc nhau phải là ‘Chúc mừng năm mới’ chứ không là ‘Happy new year’ hay gì gì khác.”

Ông thêm: “Tại Saigon City, chúng tôi có một khu vực riêng bày bán hàng Tết, có cây mai vàng rất to để tăng không khí Tết. Rất nhiều người thích mua những gói quà Tết do chúng tôi tự gói.”

Ông Bùi Thọ Khang: “Ngoại quốc phải làm trang trí Tết kiểu cũng là một tự hào cho mình.” (Hình: Đằng-Giao/)

Nhìn chung, siêu thị nào tại Little Saigon cũng có đầy đủ bánh mứt, rượu bia, phong bì lì xì, là những món hàng bán chạy nhất dịp Tết.

“Trước Tết chừng hai tuần, chúng tôi mới bán bánh chưng, bánh tét vì những thứ này phải mới nấu xong mới ngon và hợp vệ sinh.”

Chợ Đà Lạt, Garden Grove, không hiểu năm ngoái đã bán được bao nhiêu chai rượu Martel mà năm nay hãng rượu đã trang trí một loạt lồng đèn đỏ kiểu Hội An trên trần rồi.

Tại đây, ông Tạ Vĩnh Nguyên, ngụ tại Tustin, nói: “Vợ tôi và tôi cùng đến đây mua đồ về chưng Tết. Năm nào cũng vậy, chúng tôi chuẩn bị Tết rất chu đáo.”

Vợ chồng ông quan niệm là nếu còn nhận mình là Việt Nam thì không thể bỏ qua cái Tết cổ truyền dân tộc. “Tôi không cần biết Tết Âm Lịch bắt nguồn từ đâu, nhưng cái Tết đã là của người mình mấy ngàn năm rồi,” ông khẳng định. “Và Tết thì trong nhà phải có trang trí Tết.”

Vợ ông, bà Diệu Nguyễn, góp lời: “Ông nhà tôi rất coi trọng cái Tết Việt Nam. Cuối tuần rồi, thấy ổng nhổ lá cây ‘plum’ trước nhà để cho ra hoa kịp Tết, bà hàng xóm, đang nhổ cỏ, hỏi, ‘có phải sắp tới Tết Trung Hoa rồi không’, ông nhà tôi sửa ngay, ‘Tết Việt Nam. Vâng, sắp Tết Việt Nam rồi.’”

Ông Nguyên để cái xe chợ đựng đầy cành mai đào rực rỡ, phong bì lì xì, các món trang trí cành hoa… qua một bên rồi kể: “Tôi thấy rất lạ, nhiều người cho con học tiếng Việt hàng tuần mà Noel thì trang trí rất trang trọng còn đến Tết mình thì lại lơ là, coi như không có. Nếu họ tự coi rằng mình là người Mỹ thì cho con học tiếng Việt làm gì?”

Bà Diệu can: “Thôi ông ơi, mua đồ cho kịp, trưa rồi.”

Ông Nguyên cười: “Bữa nay, coi như tụi tôi có đủ đồ trang trí trong nhà rồi. Đợi gần Tết quay lại đây mua bánh chưng, bánh tét, hoa quả, trái cây và mấy cây giò thủ là ăn Tết được rồi.”

Ông Trương Hữu Vĩnh, ở Westminster, nói: “Tôi có mấy người bà con ở Denver, Colorado về đây, thấy chợ mình bày đồ Tết, ai cũng trầm trồ, chụp hình đưa lên Facebook lia lịa. Bữa Thứ Hai, tôi mất nửa ngày đi gởi quà Tết về Denver cho họ.”

Ông cười: “Mình ở đây quen nên coi thường. Người ở xa về, thấy cái gì cũng quí. Nội cái không khí Xuân ở phố xá, họ cũng mê rồi.”

Ông kể, bà con của ông mua “hàng tấn bánh kẹo” và trên 100 cái áo dài đủ cỡ ở gần đền Đức Thánh Trần trên phố Bolsa gởi về Denver làm quà.

Bà Trần Thị Quí, ngụ tại Santa Ana, nói: “Tôi đi chợ mua bao lì xì có câu ‘Chúc mừng năm mới’ để mừng tuổi bạn đồng nghiệp ngoại quốc.”

Bà làm ở Sở Xã Hội và năm nào cũng bị bạn cùng sở vòi tiền lì xì. “Kệ, mất gần ngàn bạc nhưng vui. Mà hồi Giáng Sinh tôi cũng nhận vô khối quà rồi.”

Khi hỏi năm nay “hệ thống bảy chợ” của ông, năm nay có gì đặc biệt, ông Khang cho biết: “Chúng tôi vừa ký hợp đồng độc quyền bán một loại rong biển cao cấp của Nam Hàn tên ‘Mano’s Chip 43’. Món ăn này rất độc đáo, mời khách vào dịp Tết là bảo đảm không ai có. Gần Tết tôi mới cho bày bán. Có cả thảy tám mùi vị, ăn ‘snack’ rất ngon và lạ miệng, mà lai rai ly rượu trắng lại càng thú vị hơn.”

Ngoài kia. Đất trời đang trở mình vào Xuân.

Tags:
Chiều lòng cha mẹ, học sinh gốc Việt ở Little Saigon ‘buộc’ phải học giỏi

Chiều lòng cha mẹ, học sinh gốc Việt ở Little Saigon ‘buộc’ phải học giỏi

Hằng năm, cứ đến mùa ra trường là cư dân vùng Little Saigon lại có dịp hãnh diện về thành quả học vấn của con em mình, hay vui lây cho con em đồng hương. Để có được tiếng thơm cho gia đình, nhiều em phải thức khuya, dậy sớm, học “bán sống bán chết” để cha mẹ vui lòng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất