Các chủ tiệm nail Việt sẽ làm gì nếu khách không trả tiền, bỏ đi?
Qua các phương tiện truyền thông, trước giờ chúng ta nghe có nhiều vụ khách hàng và nhân viên đánh nhau, kiện nhau ra tòa, nhưng biểu tình liên tục nhiều ngày liền đòi đóng cửa tiệm, như vụ New Red Apple Nails của một người gốc Hoa ở Brooklyn, tiểu bang New York, xảy ra vào đầu tháng Tám vừa qua, có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử ngành nail ở Mỹ!
21:00 20/08/2018
Các tiệm nail của người Việt nói gì về vụ biểu tình này? Nếu có khách hàng không hài lòng về dịch vụ, họ sẽ giải quyết như thế nào? Nếu thợ và khách cãi nhau, thậm chí đánh nhau, chủ sẽ làm gì?
Biểu tình đòi đóng tiệm nail ở New York vì thợ và khách đánh nhau
Theo đài News2, cô Chrinstina Thomas, 21 tuổi, đến tiệm New Red Apple Nails ở Brooklyn làm móng tay, móng chân và wax chân mày vào tối ngày 3 Tháng Tám, 2018. Cô Thomas không hài lòng bộ chân mày nên khiếu nại và từ chối trả tiền dịch vụ này.
Tuy nhiên, nhân viên tiệm nail nói cô Thomas từ chối trả toàn bộ dịch vụ. Thế là xảy ra cãi cọ. Sau khi chủ tiệm, Michael Lin, nói: “Cô hãy ngồi xuống, để tôi gọi cảnh sát. Nếu cảnh sát bảo cô có thể đi, thì cô không cần phải trả đồng nào. Nếu cảnh sát bảo cô phải trả tiền dịch vụ làm móng chân, thì cô phải trả. Còn bộ chân mày thì không sao”, khách hàng Thomas liền xô một nhân viên. Ngay lập tức những nhân viên khác lao vào.
Cảnh sát cho biết, cô Thomas đã đánh nhân viên Huiyue Zheng và người phụ nữ này cầm chổi đánh lại. Cả hai đều bị cảnh sát tạm giữ. Huiyue Zheng đối mặt với cáo buộc hình sự, đe dọa và tàng trữ vũ khí hình sự. Cô bị một vài vết thương trên mặt và thân thể, phải vào bệnh viện. Cô Christina Thomas cũng bị cáo buộc hành hung.
Theo tờ New York Daily News, cảnh sát cũng đang cân nhắc, có thể bắt nhân viên thứ hai, người đã hất dung dịch acetone vào cô Thomas.
Tiệm nail New Red Apple ở East Flatbush, khu dân cư lao động ở Brooklyn. Theo số liệu thống kê, 86% dân số East Flatbush là da màu, Á Châu chỉ chiếm 1%. Vụ biểu tình ở tiệm nail này kéo dài cho đến ngày Thứ Hai, 6 Tháng Tám, 2018.
Trong giới làm nail, không ít người từ chủ cho đến thợ đều e ngại khu vực có đông người da màu. Theo lời kể của các chủ tiệm nail, phần lớn những vụ cãi nhau, thậm chí đánh nhau, đều xảy với khách da màu với lý do là họ không hài lòng dịch vụ, không chịu trả tiền. Khách da màu thường đòi hỏi nhiều nhưng ít khi cho tiền tip, cũng là lý do thợ không thích làm cho người da màu.
Những vụ cãi nhau, đánh nhau, lôi nhau ra tòa được các phương tiện truyền thông đăng tải, chỉ là số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng ngàn vụ mà những người làm nail gặp phải với khách da màu.
Khi phóng viên báo Người Việt gọi điện cho một số tiệm nail ở khu vực Los Angeles, hỏi về vụ việc xảy ra ở New Red Apple Nails và hỏi có bao giờ tiệm của quý vị xảy ra trường hợp tương tự là khách da màu vào làm nhưng không muốn trả tiền, hoặc đã từng xảy ra cãi cọ giữa khách và thợ? Tiệm nào cũng trả lời rằng có biết về vụ việc ở tiệm nail New Red Apple và nói rằng chuyện khách da màu và thợ đánh nhau, cãi nhau rất thường xuyên, tiệm nào cũng gặp, nhưng hầu hết đều cho biết đang bận, tránh trả lời câu hỏi chi tiết của phóng viên.
Các chủ tiệm nail Việt nói gì?
Chủ nhân một tiệm nail ở Los Angeles, không muốn nêu tên, cho biết, tiệm mới mở ở địa chỉ này được gần 3 năm và khoảng 70% khách hàng của tiệm là người da màu.
“Tiệm nail trước đây của tôi ở chỗ khác, cũng trong khu Mỹ đen, nhiều chuyện xảy ra lắm, thậm chí nhiều lần tiệm phải khóa cửa, gọi cảnh sát đến. Nhưng tiệm này đỡ hơn vì tôi học được cách ‘trị’ họ. Làm với họ, mình phải thể hiện ‘trên cơ’ từ lúc đầu tiên, đừng tỏ ra quá ‘nice’ với họ. Họ hay bắt nạt những người trông có vẻ nhẫn nhịn và tiếng Mỹ kém,” người chủ này cho hay.
Khi được hỏi “Chị sẽ làm gì nếu khách da màu không chịu trả tiền và bỏ đi?”, người chủ này cho biết, tiệm của chị có thiết kế phần bấm khóa cửa từ ngay quầy tính tiền. Với tình huống như vậy, chị sẽ nhanh tay bấm khóa cửa.
Chị nói tiếp: “Sau đó tôi sẽ nhẹ nhàng nhưng cứng rắn yêu cầu họ ngồi xuống, tôi sẽ làm lại cho họ. Nếu họ bảo, có việc gấp phải đi, tôi sẽ nói: ‘Ok, trả tiền đi, khi rảnh quay lại tôi sẽ làm lại.’ Nếu họ chê tiệm của tôi và bảo sẽ đi chỗ khác làm, tôi sẽ nói: ‘Nếu ‘you’ thấy bộ móng này quá xấu, tôi không thể để ‘you’ đi với bộ móng xấu như vậy, đưa tay đây, tôi sẽ ‘remove’ tất cả, trả lại móng của ‘you’ như lúc chưa làm.’ Nếu họ không chịu và tiếp tục kiếm chuyện, tôi báo cho họ biết và gọi cảnh sát. Tuyệt đối không dùng vũ lực, vì dùng vũ lực là thua.”
Phóng viên gọi cho tiệm nail có tên viết tắt là F.T. Nail ở Los Angeles. Tiệm này cũng nằm trong khu vực được ghi là “Mỹ đen, Mễ, đông khách.” Người nghe điện thoại tên Mai, đã cúp máy ngang sau khi nghe phóng viên nói lý do gọi đến.
Nói về vụ việc xảy ra ở New Red Apple Nails, anh Huy, chủ nhân một tiệm nail lâu năm ở thành phố Whittier, cách Los Angeles khoảng 25 phút lái xe, cho biết: “Việc đánh khách là hoàn toàn sai, không thể chấp nhận. Nếu khách sai, hãy khóa cửa và gọi cảnh sát. Nếu khách kiếm chuyện, la lối lớn tiếng rồi bỏ đi, thì hãy để họ đi, sau đó trích hình ảnh từ camera đưa cho cảnh sát để cảnh sát lưu vào hồ sơ, đề phòng sau này có chuyện gì khác”.
Người chủ này cho biết, “Chuyện ‘quỵt’ tiền không thể nào tránh khỏi, cho nên đừng cố đuổi theo nắm áo, chặn xe họ… làm gì, chỉ gây nguy hiểm cho mình thôi. Nếu có chuyện gì xảy ra, cảnh sát gọi tới gọi lui lấy lời khai, phiền phức lắm.”
Tương tự, nữ ca sĩ Leyna Thanh Nga, chủ nhân Diamond Nails & Spa, cho biết, tiệm của cô có cả khách hàng da trắng, da màu và cả Hispanic, nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng khách kiếm chuyện để không trả tiền. Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, Leyna sẽ để cho họ đi vì không muốn làm ồn ào trong tiệm, ảnh hưởng đến những người khách khác.
Từ Pennsylvania, chị Mary Lương, chủ nhân Mary Nail Salon ở thành phố Drexel Hill, cho biết, khách hàng của chị có khoảng 35% là người là da màu, nhưng đa số là những người có trình độ và nghề nghiệp tốt, “kể cả khi không hài lòng với thợ, họ cũng nói chuyện đàng hoàng, trả tiền, cho tip đàng hoàng. Nhưng thỉnh thoảng cũng có khách kiếm đủ mọi chuyện để không trả tiền. Những người này thường là người ở khu vực khác tới.”
“Khách hàng của tôi, tôi quen mặt hết, khi có khách lạ đến là tôi nhận ra ngay. Những người khách hay kiếm chuyện để quỵt tiền, họ cứ đi vòng vòng, hết tiệm này đến tiệm khác với cùng ‘chiêu’ giống nhau. Họ cố làm mọi cách để không phải trả tiền. Với khách như vậy, tôi thường để cho họ đi, cứ coi như làm từ thiện. ‘Deal’ với những khách như vậy mệt và mất thời gian lắm. Lỡ như có chuyện gì xảy ra lớn hơn, bất kể thắng hay thua gì cũng ảnh hưởng đến công việc làm ăn của mình”, chị Mary Lương nói.
Santa Ana: Một ông nhảy qua cửa kính tiệm ăn vì bị cảnh sát rượt đuổi
Một nghi can bị thương nặng sau khi nhảy qua cửa kính của một tiệm bánh pizza ở Santa Ana khi bị cảnh sát rượt đuổi vào chiều Thứ Năm, 16 Tháng Tám.