Các công ty Mỹ thuê di dân bất hợp pháp ít khi bị phạt
Gần 20 năm trước đây, ông Mark Reed, lúc đó là một giới chức cao cấp của Sở Di Trú và Nhập Tịch (INS), gửi nhân viên đến Nebraska để dẹp tình trạng các xưởng thịt thuê nhân công là thành phần di dân bất hợp pháp.
07:00 28/03/2017
Các nhân viên của ông xem xét cặn kẽ hồ sơ nhân viên để tìm giấy tờ giả hoặc số An Sinh Xã Hội giả, và hàng ngàn công nhân nơi đây do lo sợ sẽ bị phát giác, bỏ chạy khỏi tiểu bang Nebraska, theo bản tin của tờ Los Angeles Times.
Ông Reed nghĩ rằng nỗ lực này có thể trở thành một khuôn mẫu áp dụng trên toàn quốc để chặn đứng sự thu hút di dân bất hợp pháp. Trong cuộc điều trần trước quốc hội, ông Reed cho hay “ từ nhiều thập niên qua, chúng ta có những ánh đèn neon nhấp nháy thu hút di dân bất hợp pháp, và ánh đèn đó chính là công việc làm. Khi nào còn những công việc cho họ, người di dân bất hợp pháp sẽ tiếp tục kéo tới.”
Nhưng quốc hội khi đó cho rằng trục xuất là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm làn sóng di dân bất hợp pháp.
Từ đó tới nay, chiến lược của chính phủ Mỹ không thay đổi là bao.
Trong cuộc tranh luận dai dẳng về cuộc chiến chống di dân bất hợp pháp, người di dân thường chịu mọi chỉ trích, trong khi giới doanh gia được mọi phía bỏ qua.
Trong tất cả những phát biểu cứng rắn của Tổng Thống Donald Trump cho tới nay như trục xuất di dân và xây tường biên giới, người ta không thấy có gì đề cập tới giới chủ nhân thuê mướn thành phần này.
Nhưng, phải công bằng mà nói, thái độ của ông Trump cũng không khác lắm so với những đời tổng thống trước đó.
Từ năm 2009 tới 2016, giới chức di trú trục xuất hơn 2.5 triệu người. Trong cùng thời gian đó có 1,337 quản lý doanh nghiệp bị truy tố những tội như mướn người bất hợp pháp, trốn thuế và rửa tiền, theo con số do tờ Los Angeles Times đưa ra.
“Dĩ nhiên là dễ dàng hơn nếu nhắm vào công nhân di dân bất hợp pháp,” theo bà Doris Meissner, cựu giám đốc INS. “Nhưng điều đó có thật sự vô hiệu được sức hút của cái nam châm việc làm hay không?”
Di dân ở Mỹ làm những việc gì?
Từ lâu những di dân là một phần không thể tách rời của lực lượng lao động Hoa Kỳ. Không có bất cứ ngành kỹ nghệ nào mà trong đó những di dân tạo thành đa số trong tổng số công nhân.