Các hãng công nghệ Mỹ có thể mất 11 tỷ USD vì Trump cấm cửa Huawei
Khi chưa được Mỹ chấp thuận, Huawei sẽ không thể mua linh kiện của các nhà sản xuất Mỹ.
03:00 20/05/2019
Các biện pháp Washington vừa tuyên bố nhằm ngăn Huawei mua các công nghệ quan trọng của Mỹ có thể khiến Thung lũng Silicon thiệt hại hàng tỷ USD.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất và nhà phân phối smartphone lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc này vẫn phải phụ thuộc vào những linh kiện cốt lõi được cung cấp bởi các đối tác Mỹ.
Năm ngoái, Huawei mua số linh kiện trị giá 70 tỷ USD từ 13.000 nhà cung cấp. Trong đó, khoảng 11 tỷ USD đã được chi cho các doanh nghiệp Mỹ, gồm chip máy tính từ Qualcomm và Broadcom, hệ thống phần mềm của Microsoft, Android của Google... Do đó, quyết định đưa Huawei vào danh sách cấm nhập khẩu linh kiện khi chưa có giấy phép của chính quyền Trump đang đe doạ đơn hàng béo bở này.
Các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận định, việc đưa Huawei vào danh sách đen khiến chính hãng công nghệ này và mạng lưới khách hàng của họ trên toàn thế giới đối mặt rủi ro. Huawei có thể không cập nhật được phần mềm, bảo hành định kỳ hay thay thế phần cứng. Ví dụ, người dùng smartphone của Huawei nhiều khả năng không thể cập nhật hệ điều hành Android trên thiết bị vì hãng dường như chưa có sự thay thế.
Giới đầu tư náo loạn sau quy định cấm của Trump với Huawei. Ảnh: CNN |
"Lệnh cấm của cũng phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu vì các doanh nghiệp nước ngoài không thể bán sản phẩm chứa linh kiện được sản xuất tại Mỹ cho Huawei", Lawrence Ward tại công ty luật quốc tế Dorsey & Whitney cho biết. Điều này nghĩa là Huawei không thể mua chip từ một nhà cung cấp Đài Loan trong trường hợp nó có bất kỳ một linh kiện nào của Mỹ.
Tuy nhiên, Huawei cho biết, đã chuẩn bị nhiều năm cho hoàn cảnh hiện tại. "Quyết định này là động thái mới nhất trong chiến dịch chống lại Huawei, được Chính phủ Mỹ thực hiện vì lý do chính trị", Chủ tịch Ken Hu của Huawei chia sẻ với nhân viên hôm 17/5.
Theo Ken Hu, Huawei đã biết trước điều này có thể xảy ra trong nhiều năm. "Chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ và chuẩn bị đầy đủ cho một loạt các lĩnh vực", ông khẳng định.
Công ty thiết kế chip của Huawei cũng cho biết, đã chuẩn bị cho tình huống này để tồn tại. CEO He Tingbo của HiSilicon nói rằng, công ty đã giả định một ngày nào đó, chip và các công nghệ tại Mỹ sẽ không có sẵn. Để giữ chân khách hàng và giúp doanh nghiệp sống sót, HiSilicon đã có phương án dự phòng.
Tuy nhiên, hãng môi giới Jefferies nhận định, sẽ rất khó để Huawei chịu đựng việc bị cắt cầu từ các nhà cung cấp Mỹ về lâu dài. Chuyên gia Rex Wu của Jefferies phân tích, các doanh nghiệp Mỹ đang thống trị phần mềm cho smartphone và các thiết bị viễn thông. Đồng thời, Huawei cũng thiếu lựa chọn để thay thế chip máy tính Mỹ cho các trạm hạ tầng viễn thông. Dù Huawei đang đi đầu trong công nghệ 5G, các sản phẩm thế hệ tiếp theo cho mạng lưới này vẫn cần các linh kiện Mỹ.
Huawei đã ký hàng chục hợp đồng thương mại 5G khắp thế giới, gồm 25 tại châu Âu và 10 tại Trung Đông. Việc thực hiện các hợp đồng cũng có thể sẽ khó hơn nếu Huawei không có chip máy tính và phần mềm của các nhà cung cấp Mỹ.
Các nhà đầu tư cũng náo loạn sau quyết định của Mỹ nhắm vào Huawei. Cổ phiếu các đối tác lớn của Huawei tại Mỹ như Qualcomm, Lumentum, Qorvo, Xilinx... đều giảm điểm phiên giao dịch cuối tuần.
Ngoài lệnh cấm Huawei mua thiết bị khi chưa được Washington cho phép, ông Trump cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông bị Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Với sắc lệnh này, các thiết bị của Huawei sẽ không được sử dụng trong các mạng viễn thông của Mỹ vì lý do an ninh.
Nguồn: VnExpress.net
Mỹ có thể nới lỏng hạn chế thương mại với Huawei
Mỹ nhiều khả năng sẽ cấp phép tạm thời để Huawei có thể mua linh kiện Mỹ nhằm phục vụ các khách hàng hiện tại.