CÁC KỊCH BẢN CHIẾN THẮNG QUA 5 KỲ BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Năm kỳ bầu cử tổng thống Mỹ trong thế kỷ 21 ghi nhận sự thay đổi quan điểm liên tục của cử tri, đặc biệt ở những bang chiến trường, khiến tình hình khó đoán đến phút chót.

02:30 03/11/2020

2000: Đeo bám quyết liệt ở Florida

Năm mở đầu thế kỷ 21 đi vào lịch sử Mỹ với dấu ấn một cuộc bầu cử nhiều bê bối nhất, khi phải mất hơn một tháng để đi đến kết cục cuối cùng. Và kết cục này lại được phân xử bởi Tòa án Tối cao.

Nhiều bang từng bầu cho ông Bill Clinton vào các năm 1992 và 1996 đã quay lưng lại với ứng viên đảng Dân chủ Al Gore để đứng về đại diện của đảng Cộng hòa George W. Bush trong năm 2000.

cac giai doan bau cu My anh 2

Tuy nhiên, bang quyết định cục diện toàn bộ cuộc bầu cử năm đó là Florida với 25 phiếu đại cử tri. Thoạt đầu, kết quả bầu cử sơ bộ do các hãng thông tấn lớn tuyên bố liên tục thay đổi từ Al Gore chiến thắng sang ông George W. Bush thắng.

Đến sáng sớm sau ngày bầu cử, ông Bush được các đài tuyên bố chiến thắng nhưng với khoảng cách vô cùng sít sao, đến mức phù hợp với quy định của bang Florida để được kiểm phiếu lại.

Ông Gore không chấp nhận kết này nên yêu cầu đếm lại. Trong quá trình kiểm phiếu, có lúc ông Bush chỉ còn dẫn trước 300 (trong tổng số hơn 6 triệu phiếu).

Quá trình tranh chấp giữa hai ứng viên và kiểm phiếu lại kéo dài mãi tới ngày 12/12, khi Tòa án Tối cao tuyên bố yêu cầu đếm lại phiếu ở Florida là phi hiến pháp. Và ông Bush đắc cử tổng thống nhờ quyết định gây tranh cãi này.

Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy ông Bush chỉ hơn ông Gore đúng 537 phiếu (trên tổng số hơn 6 triệu phiếu) tại Florida.

Trên bình diện toàn quốc, ông Bush cũng chỉ đạt được 271 phiếu đại cử tri, tức vừa hơn 1 phiếu để trở thành người thắng cuộc. Ông Gore nhận được 266 phiếu bầu của đại cử tri, con số cao nhất cho một ứng viên thất bại tính đến thời điểm đó. Một đại cử tri "bất trung" của vùng thủ đô không bỏ phiếu, dù bà được cho là sẽ bầu cho liên minh của ông Gore.

Số phiếu bầu phổ thông của ông Bush lại kém ông Gore hơn 540.000 phiếu. Điều này dấy lên tranh cãi về hệ thống bầu cử Mỹ và vai trò của đại cử tri, khi nó không phản ánh nguyện vọng của đa số cử tri phổ thông.

2004: Phân định tại chiến trường Ohio

Cuộc bầu cử năm 2004 chứng kiến sự thất bại của ông John Kerry, khi đó là Thượng nghị sĩ từ bang Massachusetts, trước đương kim Tổng thống George W. Bush (Bush "con").

Trong giai đoạn này, chính sách đối ngoại trở thành chủ đề nóng không kém các vấn đề kinh tế nội địa. Ông Bush được ủng hộ một phần do quyết tâm mạnh tay sử dụng các biện pháp quân sự chống khủng bố và việc đưa quân đến Iraq năm 2003.

cac giai doan bau cu My anh 3

Nơi quyết định trong cuộc đua năm này là bang Ohio với 20 đại cử tri vào thời điểm bầu cử năm 2004. Kết cục chưa ngã ngũ sớm do ông Kerry không chịu thừa nhận ông Bush thắng tại Ohio.

Cả ông Kerry và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ khi đó là Howard Dean khăng khăng rằng bầu cử ở Ohio diễn ra không công bằng.

Nếu lật ngược tình thế thì phe Dân chủ tin rằng bang Ohio đủ sức giúp ông Kerry chiến thắng. Khoảng cách giữa hai ông tại chiến trường này tương đối sát nút, chỉ 2,1 điểm (ông Bush được 50,8% phiếu bầu trong khi ông Kerry được 48,7%).

Tuy nhiên, tình hình không quá gay gắt như hồi năm 2000. Một ngày sau, ông Kerry thừa nhận thất bại và ông Bush tuyên bố chiến thắng tại Ohio, qua đó giành chiến thắng chung cuộc.

Kết quả cuối cùng là ông Bush "con" giành được 286 phiếu và ông Kerry giành được 251 phiếu đại cử tri. Số lượng phiếu bầu phổ thông của hai ông lần lượt là 62 triệu và 59 triệu.

2008: Dòng "biển đỏ" phai màu

Khủng hoảng kinh tế khiến chủ đề nổi bật trong cuộc bầu cử năm 2008 chính là những chính sách và lời hứa phục hồi kinh tế đất nước. Ông Barack Obama, Thượng nghị sĩ trẻ tuổi đến từ bang Illinois, đã đánh bại lão tướng John McCain của đảng Cộng hòa vốn "trên cơ" không chỉ về tuổi tác, kinh nghiệm chính trường mà cả uy tín toàn quốc.

cac giai doan bau cu My anh 4

Tuy nhiên, cử tri ở 9 bang bất ngờ thay đổi quan điểm, góp phần mang lại chiến thắng vô cùng cách biệt cho ông Obama. Đó là các bang chiến trường quen thuộc như Ohio, Florida, Nevada, Iowa và sự thay đổi tại các bang Virginia, Colorado, New Mexico, Indiana, North Carolina.

Nhiều bang vốn "đỏ" cũng trở nên nhạt màu. Kết quả chung cuộc là ông Obama chỉ hơn ông McCain 10 triệu phiếu phổ thông (69,5 triệu và 59,9 triệu) nhưng lại hơn gấp đôi về phiếu đại cử tri (365 và 173).

Ông Obama cũng lập nên lịch sử khi là người thắng nhiều phiếu phổ thông nhất so với các kỳ bầu cử trước.

2012: Phe Dân chủ giữ vững thành trì

Sau thống kê dân số năm 2010, tình hình đại cử tri được phân bổ ở các bang có sự thay đổi (bang Ohio có 20 đại cử tri vào năm 2008, nay còn 18; hoặc bang Florida có 27 đại cử tri trong năm 2008, nay tăng lên 29).

Trong năm 2012, phe Dân chủ thoạt đầu được đánh giá là bất lợi hơn. Tuy nhiên, trong đêm bầu cử, ông Obama tiếp tục vượt lên ở những bang then chốt như Ohio và Florida.

Đây đều là những chiến thắng "chật vật" khi khoảng cách với đối thủ Mitt Romney vô cùng sít sao (tỷ số tại Florida là 50% - 49%, tỷ số tại Ohio là 50% - 48%).

cac giai doan bau cu My anh 5

Ngoài ra, ông Obama để vuột mất một số bang từng ủng hộ mình hồi 2008 như Indiana và North Carolina.

Dẫu vậy, ông Obama vẫn duy trì chiến thắng ở cả 18 bang "bức tường xanh", tức những bang có truyền thống luôn bầu cho ứng viên phe Dân chủ.

Thậm chí, trong 9 bang chiến trường mà báo Washington Post xác định thì ông Obama thắng tới 8, và chỉ thua sít sao ở North Carolina (tỷ số 48% - 49%).

Dù chiến thắng của ông Obama vào năm 2012 không áp đảo như năm 2008, đây cũng không hẳn là một cuộc đua quá khắc nghiệt và nhiều cử tri thể hiện rõ họ chọn ủng hộ tầm nhìn của ông Obama.

Về chung cuộc, ông Obama giành được 51,1% phiếu phổ thông và 332 phiếu đại cử tri trong khi các con số tương ứng của ông Romney là 47,2% và 206 phiếu đại cử tri.

2016: "Bức tường xanh" bị chọc thủng

Hai mùa bầu cử 2008 và 2012 dự báo xu hướng màu xanh nhạt dần ở nhiều bang, và thậm chí chuyển sang sắc đỏ ở một số nơi vào năm 2016.

Đó là điều đã xảy ra ở các bang chủ lực trong "bức tường xanh" như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, qua đó mang lại chiến thắng cho ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton khiến nhiều người ngỡ ngàng.

cac giai doan bau cu My anh 6

Đáng nói hơn, chiến thắng của ông Trump trước bà Clinton ở những bang vốn xanh là vô cùng sít sao. Tỷ số tại Michigan là 47,6% và 47,3% (cách biệt 0,3 điểm), tại Wisconsin là 47,9% và 46,9% (cách biệt 1 điểm), tại Pennsylvania là 48,8% và 47,6% (cách biệt 1,2 điểm).

Nhiều ý kiến chỉ trích rằng chiến dịch của bà Clinton có thể đã quá tự tin vào cơ hội chiến thắng ở đây nên đã không dồn sự quan tâm đúng mực. Bà thậm chí không tổ chức một buổi vận động nào ở Wisconsin.

Trong quyển sách "What Happened" ra mắt khoảng một năm sau ngày bầu cử, bà Clinton lên tiếng về những chỉ trích này. "Chúng tôi không phớt lờ những bang này", bà khẳng định, dù thừa nhận Wisconsin là nơi bại trận "trong bất ngờ".

Năm 2016 cũng đánh dấu kỳ bầu cử thứ 5 mà ứng viên chiến thắng lại được ít phiếu bầu phổ thông hơn. Bà Clinton được hơn 65,8 triệu phiếu phổ thông và 227 phiếu đại cử tri, trong khi con số với Trump lần lượt là 63 triệu và 304.

Bảy đại cử tri "bất trung" đã không bỏ phiếu như kết quả của đêm bầu cử, mà chuyển sang bầu cho một số gương mặt khác.

Do đó, câu hỏi về hệ thống bầu cử Mỹ và giá trị của đoàn đại cử tri lại được đặt ra một lần nữa, khi phiếu của đại cử tri không phản ánh nguyện vọng của đa số người dân bình thường.

Tags:
Bầu cử Mỹ 2020: Ái nữ nhà Trump phá kỷ lục gây quỹ của ông Obama

Bầu cử Mỹ 2020: Ái nữ nhà Trump phá kỷ lục gây quỹ của ông Obama

Cô Ivanka Trump đã thể hiện là cánh tay đắc lực của cha - Tổng thống Mỹ Donald Trump - trong chiến dịch tái tranh cử 2020 của ông, khi cô phá kỷ lục gây quỹ trong một ngày của ông Barack Obama.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất