Các ông lớn dầu khí Mỹ vướng vào kiện tụng vì biến đổi khí hậu
Các công ty dầu khí lớn nhất ở Mỹ đang chuẩn bị đương đầu với hàng loạt đơn kiện từ các chính quyền địa phương, yêu cầu họ chịu trách nhiệm cho vấn đề biến đổi khí hậu: bồi thường cho chi phí nâng cấp cũng như trùng tu đê biển và hệ thống thoát nước mưa.
04:30 11/06/2019
Các đơn kiện của các chính quyền thành phố, hạt và bang Rhode Island hiện nay yêu cầu các ông lớn dầu khí phải bồi thường để trang trải chi phí thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: The Verge |
Các “ông lớn” dầu khí ở Mỹ đang đối mặt với một làn sóng kiện tụng quy trách nhiệm biến đổi khí hậu của các chính quyền địa phương.
Trong hơn hai năm qua, một loạt vụ kiện ở Mỹ với bên nguyên đơn là các chính quyền thành phố, hạt và bang Rhode Island, đang đòi các “ông lớn” dầu khí ở Mỹ bồi thường thiệt hại cho một danh sách dài các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Chính quyền TP. Baltimore, bang Maryland muốn họ phải bồi thường cho chi phí trùng tu hệ thống thoát nước mưa để chuẩn bị ứng phó các cơn mưa bão ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.
Tại TP. San Francisco, chính quyền thành phố cũng cho biết sẽ tốn đến 5 tỉ đô la Mỹ để xây đê biển nhằm ứng phó các nguy cơ mực nước biển dâng cao hơn. Trong khi đó, bang Rhode Island dự báo các tài sản trị giá 3,6 tỉ đô la Mỹ ở khu vực ven biển của bang sẽ bị đe dọa vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.
Các nhà hoạt động khí hậu hy vọng các đơn kiện này sẽ mở ra một chiến dịch tấn công pháp lý, gây tổn thương tài chính nghiêm trọng cho các công ty sản xuất dầu khí bằng cách khiến họ phải nộp các khoản khổng lồ.
Họ được truyền cảm hứng bởi một ví dụ tiền lệ: sau nhiều năm khiếu kiện ròng rã, đến năm 1998, 46 bang ở Mỹ đã buộc bốn công ty thuốc lá lớn nhất Mỹ (Philip Morris, R. J. Reynolds, Brown & Williamson và Lorillard) chấp thuận bồi thường 206 tỉ đô la trong vòng 25 năm cho các chi phí y tế liên quan đến các căn bệnh do hút thuốc lá và chi phí vận động chống hút thuốc lá cũng như giáo dục về tác hại của thuốc lá.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sheldon Whitehouse, đại diện cho bang Rhode Island, nổi tiếng là người vận động mạnh mẽ về các vấn đề khí hậu. Ông nhận định hiện nay, mối đe dọa kiện tụng là nỗi lo lớn nhất đối với các công ty dầu khí Mỹ.
“Họ lo sợ viễn cảnh phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm và họ sợ các tòa án”, ông nói và cho biết thêm, việc so sánh các đơn kiện này với các vụ kiện nhằm vào các công ty thuốc lá trước đây là điều hợp lý.
“Nếu bạn thay thế cụm từ ‘thuốc lá’ bằng cụm từ ‘các nhiên liệu hóa thạch’ và thay thế từ ‘sức khỏe’ bằng cụm từ ‘các tổn hại môi trường’, bạn sẽ thấy rằng, đơn kiện giống như đang tự viết lại”, Sheldon Whitehouse nói.
Song có một khác biệt quan trọng đó là các vụ kiện biến đổi khí hậu chưa lên cao trào giống như các vụ kiện chống lại các công ty thuốc là. Cũng chưa có vụ kiện biến đổi khí hậu nhằm vào các “ông lớn” dầu khí thành công và một số vụ kiện như vậy đã bị các tòa án bác bỏ.
Sóng ập vào đê chắn sóng ở Cầu Cổng Vàng ở TP. San Francisco, bang California, Mỹ. Thành phố này cho biết cần chi phí 5 tỉ đô la Mỹ để nâng cấp đê chắn sóng, giúp ứng phó cho các đợt triều dâng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters |
Hiện tại, có gần 20 vụ kiện biến đổi khí hậu nhằm vào các công ty dầu khí đang diễn ra tại Mỹ, trong đó, có 10 vụ do các chính quyền hạt đứng tên nguyên đơn và có bốn vụ do các chính quyền thành phố phát động (New York, San Francisco, Oakland và Baltimore) và một vụ kiện do chính quyền bang Rhode Island khởi xướng. Các thành phố khác đang lên kế hoạch cho các vụ khởi kiện tương tự là Honolulu và Washington D.C.
Song các công ty dầu khí và những tổ chức vận động hành lang đại diện cho họ không tin các vụ kiện này sẽ thành công.
“Từ lâu trong lịch sử, các vụ kiện như vậy không thành công và không vì lý do chính đáng”, Phil Goldberg, luật sư của Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM), tổ chức vận động hành lang với các thành viên bao gồm các công ty dầu khí, cho biết.
Ông nói tiếp: “Điểm sai cơ bản của các vụ kiện này là không chỉ ra được các công ty dầu khí làm bất cứ điều gì sai trái vì họ đang bán một sản phẩm hữu ích”.
Song Goldberg cũng không xem nhẹ các vụ kiện này. Ông nói: “Bất cứ khi nào bạn bị kiện, bạn phải nghiêm túc xem xét vấn đề”, và cho biết thêm biết NAM đang thành lập một nhóm mới của có tên gọi “Dự án giải trình trách nhiệm của các nhà sản xuất” để giải quyết các đơn kiện này.
Cùng lúc đó, các công ty dầu khí lớn toàn cầu bao gồm Shell và BP đã chi hàng triệu đô la cho nỗ lực vận động bổ sung vào dự luật thuế carbon mới một điều khoản loại trừ trách nhiệm cho các nhiên liệu hóa thạch được bán trong quá khứ, một động thái giúp “vô hiệu hóa” hầu hết các đơn kiện quy trách nhiệm biến đổi khí hậu hiện nay.
Trong khi chi tiết của mỗi vụ kiện khác nhau nhưng điểm chung là yêu cầu các nhà sản xuất dầu khí phải bồi thường để trang trải chi phí thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Các đơn kiện này liệt kê hầu hết những công ty dầu khí lớn nhất đang hoạt động tại Mỹ như ExxonMobil, BP, ConocoPhillips, Shell và Chevron với tư cách là các bị đơn.
Vic Sher, đối tác tại công ty luật tư nhân Sher Edling, đại diện cho các nguyên đơn trong 11 vụ kiện trên, nói: “Đây là những vụ kiện mà các bên bị thiệt hại là các tổ chức công quyền chống lại các công ty gây ra những sai phạm cụ thể nhằm tìm đòi bồi thường. Đây là những khoản bồi thường cho các hành vi sai trái trong quá khứ của họ. Chi phí để giúp các cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu là cực kỳ lớn”.
Lịch sử của các vụ kiện quy trách nhiệm biến đổi khí hậu trước đây ở Mỹ cho thấy các vụ kiện hiện nay có thể phải đối mặt với một trận chiến pháp lý cam go.
Trong một số vụ kiện mang tính bước ngoặt trong thập kỷ qua, các thẩm phán đã đứng về phía các công ty dầu mỏ. Trong một vụ kiện gây sự chú ý cách đây một thập kỷ, chính quyền và người dân làng Kivalina ở bang Alaska kiện ExxonMobil và các ông lớn dầu khí khác để đòi bồi thường chi phí di dời ngôi làng này do bị đe dọa bởi mực nước biển dâng. Tuy nhiên, một tòa án liên bang ra phán quyết phản bác các lý lẽ của nguyên đơn vì cho rằng vụ kiện không thể xét xử dựa trên thông luật (common law) của liên bang.
Tuy nhiên, các luật sư chuyên về các vấn đề khí hậu hiện nay cho rằng tình hình đã thay đổi. Thứ nhất, các vụ kiện mới được nộp lên các tòa án bang, thay vì tòa án liên bang và điều này có nghĩa là phán quyết trong vụ kiện liên quan đến làng Kivalina không thể làm tiền lệ cho các vụ kiện hiện nay. Thứ hai, các vụ kiện mới cũng dựa vào các căn cứ mạnh mẽ và thuyết phục hơn nhờ các hiểu biết mới trong khoa học về biến đổi khí hậu cũng như tác động của tình trạng này.
“Các diễn biến mới mang tính khoa học. Điều mới mẻ so với trước là chúng tôi có khả năng lượng hóa mối quan hệ giữa khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu, chẳng hạn nước biển dâng và có thể quy trách nhiệm khí thải cho các công ty cụ thể”, luật sư Sher quả quyết.
Mỹ đối mặt với khả năng thiếu nước do biến đổi khí hậu
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ được đăng trên tờ Earth's Future ngày 28/2, những áp lực từ biến đổi khí hậu và tăng trưởng dân số có thể gây ra tình trạng thiếu nước ở hầu khắp nước Mỹ.