Các trường Ivy League giới hạn nhận sinh viên Mỹ gốc Á Châu
Nếu dựa trên các tiêu chuẩn bình thường thì anh Austin Jia là người rất có nhiều triển vọng được các trường trong nhóm “danh giá” Ivy League nhận vào. Nhưng tất cả các trường này đều bác đơn khi anh xin vào khóa mùa Thu 2015, theo The New York Times.
05:26 14/08/2017
Trước khi gửi đơn vào các trường Ivy League, anh Jia tin rằng anh có nhiều cơ hội được nhận vào những trường như Harvard, Princeton hay Columbia, bởi vì anh có điểm GPA cao, điểm SAT hầu như hoàn hảo, cùng các hoạt động khác trong trường như ở trong đội hùng biện, trưởng đội quần vợt và ở trong giàn nhạc giao hưởng của tiểu bang.
Jia nói rằng, điều làm anh giận nhất là có các bạn học cùng lớp khác với điểm số thấp hơn, nhưng không phải là người Mỹ gốc Á Châu như anh, lại được nhận vào các trường này.
“Tôi nghĩ rằng mình đã quá ngây thơ về phương cách tuyển chọn sinh viên,” theo lời anh Jia, năm nay 19 tuổi.
Các sinh viên như anh Jia nay là một phần của đơn kiện cáo buộc Harvard là kỳ thị người Mỹ gốc Á Châu, qua việc “phạt” họ vì thành quả học tập quá cao và dành ưu tiên cho các giới thiểu số khác.
Vụ kiện này, nhiều phần sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện, đưa giới sinh viên người Mỹ gốc Á Châu thành tâm điểm mới nhất của cuộc tranh luận về thế nào là giúp đỡ những người bị kỳ thị. Vấn đề là phải chăng người Mỹ gốc Á Châu bị kỳ thị vì có nhiều trường muốn có được thành phần sinh viên đa dạng.
Bộ Tư Pháp Mỹ mới đây cũng cho thấy sẽ điều tra việc “cố ý kỳ thị dựa trên chủng tộc trong việc thu nhận sinh viên vào đại học” và có thể nhắm vào Harvard.
Trường hợp Harvard cho thấy tiến trình thu nhận sinh viên của một đại học có thể bị coi là bất hợp pháp vì dựa trên hạn ngạch (quota), trong đó cùng số người Mỹ da đen, người Hispanics, người Mỹ gốc Á Châu và người da trắng được nhận vào trường, năm này qua năm khác, dù có những giao động về số người nộp đơn và khả năng của ứng viên.
Ông Edward Blum, chủ tịch tổ chức “Students for Fair Admissions,” tổ chức đi kiện Harvard, nói rằng điều này vi phạm những quyền dân sự căn bản nhất của nước Mỹ, theo đó chủng tộc và màu da không thể là điều giúp hay hại một ai trong đời sống.
Tổ chức này trước đó cũng kiện đại học University of North Carolina ở Chapel Hill và University of Texas ở Austin, nói rằng sinh viên gốc da trắng bị giới hạn thu nhận vào những trường này vì chính sách hạn ngạch.
Bà Melodie Jackson, phát ngôn viên của Harvard, nói rằng chính sách thu nhận của trường là công bằng và họ nhìn mỗi ứng viên “trên khía cạnh toàn diện của một con người,” theo như tiêu chuẩn do Tối Cao Pháp Viện Mỹ đưa ra trước đây.
Nợ sinh viên đè nặng giấc mơ Mỹ
Thống kê mới nhất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, trong vòng một thập niên qua gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn ba lần. Khoản nợ khổng lồ của sinh viên giờ đây đã trở thành một “quả bom nổ chậm” đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới, và nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng 2007-2009.