Cách chống Covid-19 kiểu mới của Trung Quốc
Thay vì phong tỏa toàn bộ và biến đô thị sầm uất thành "thành phố ma", cách chống Covid-19 mới của Trung Quốc được cho "có mục tiêu" hơn.
09:00 05/08/2020
Đại Liên, thành phố cảng với triệu dân thuộc tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, hôm 24/7 phát hiện ba ca nhiễm nCoV mới có triệu chứng và 12 ca nhiễm không triệu chứng, liên quan đến một công ty chế biến hải sản, sau 4 tháng không phát hiện ca nhiễm. Cơ quan y tế Đại Liên lập tức tuyên bố thành phố nhanh chóng bước vào "chế độ thời chiến" để chặn đứng dịch.
Giới chức địa phương cho biết sẽ xét nghiệm axit nucleic toàn bộ 6 triệu dân để kịp thời phát hiện cả ca nhiễm không triệu chứng. Các cộng đồng ghi nhận ca nhiễm và đông dân cư sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước, với toàn bộ chi phí được chính quyền chi trả. Nhân viên y tế đã gửi tin nhắn và thậm chí gõ cửa từng nhà để thông báo cho người dân về việc xét nghiệm.
Ủy ban Y tế Đại Liên cho biết đã điều động 3.300 nhân viên y tế để phụ trách xét nghiệm cho người dân. Nhân viên Công ty Dịch vụ Xét nghiệm Chengze ở Đại Liên cho biết riêng họ có thể xử lý 400 xét nghiệm nCoV mỗi ngày và trả kết quả trong vòng 48 giờ.
Tương tự Vũ Hán, Đại Liên cũng áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp mẫu. Họ sẽ gộp 5 mẫu xét nghiệm một lần và nếu kết quả dương tính với nCoV, họ tiến hành xét nghiệm riêng từng mẫu sau đó.
Chính quyền hôm 25/7 cũng tuyên bố đóng cửa tất cả viện dưỡng lão, nhà trẻ và các địa điểm công cộng có không gian kín.
Tuy nhiên, khác với Vũ Hán, Đại Liên không phong tỏa toàn bộ thành phố. Thay vào đó, họ chỉ đóng cửa các khu vực dân cư có nguy cơ lây lan dịch cao, với nhân viên an ninh giám sát 24/7, trong khi áp đặt một số hạn chế và các biện pháp an toàn ở các khu vực khác.
Người dân Đại Liên cũng không bị "cấm cửa" như Vũ Hán, họ vẫn được phép rời thành phố nếu có giấy chứng nhận âm tính với nCoV trong vòng 7 ngày gần đây. Song chính quyền kêu gọi người dân không rời khỏi thành phố trừ trường hợp bất khả kháng.
Trước Đại Liên, Bắc Kinh cũng từng thử nghiệm chiến lược chống dịch mới "hạn chế" thay vì "phong tỏa" khi chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 hồi tháng 6.
Ngày 11/6, sau gần hai tháng không có ca nhiễm, Bắc Kinh báo cáo các trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên liên quan tới Tân Phát Địa, một trong những chợ đầu mối lớn nhất châu Á, cung cấp thực phẩm cho gần như cả thành phố 21 triệu dân này. Khu chợ này lập tức bị đóng cửa.
Báo chí quốc tế ban đầu cho rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng chiến lược "đóng băng" thành phố như từng thấy ở Vũ Hán. Tuy nhiên, những gì giới chức làm sau đó cho thấy cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ.
Chính quyền Bắc Kinh chỉ phong tỏa và áp các biện pháp hạn chế khác tại các khu vực và nhóm người được cho có nguy cơ lây nhiễm cao được khoanh vùng. Giới chức cũng nhanh chóng triển khai truy vết lịch sử tiếp xúc, xét nghiệm đồng loạt và cách ly tập trung, tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất cũng như người làm công việc có nguy cơ nhiễm cao. Chính quyền cũng giám sát việc ra vào một số khu dân cư dân và cố gắng không để nCoV "lọt" ra ngoài thành phố.
Nhưng tại các khu dân cư khác ở Bắc Kinh, các cửa hàng, quán ăn, thậm chí tiệm tóc vẫn mở cửa. Giao thông kém đông đúc hơn bình thường nhưng lượng lớn phương tiện vẫn đi lại trên đường. Vỉa hè vẫn tấp nập người đi bộ.
Mấu chốt trong chiến lược kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc là xét nghiệm chủ động và truy vết tiếp xúc. Giới chức đã thiết lập các trạm xét nghiệm ở bệnh viện, cổng công viên, sân vận động và những trung tâm cộng đồng trên khắp thành phố, lấy mẫu xét nghiệm cho 1,1 triệu người trong chưa đầy một tuần.
Cách tiếp cận này đã cho thấy hiệu quả. Tới 24/6, số ca nhiễm hàng ngày giảm xuống dưới 15, thấp hơn rất nhiều so với mức 200-300 ca nhiễm ghi nhận trước đó. Đặc biệt, giới chức cũng không ghi nhận bất kỳ ổ dịch thứ phát nào.
Các biện pháp mới của Bắc Kinh đối lập với chiến lược phong tỏa hoàn toàn nhằm kiềm chế virus ở tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh tại Trung Quốc. Trong hơn hai tháng, Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt, mọi hoạt động kinh tế phải ngừng lại, phương tiện giao thông dừng hoạt động. Vũ Hán khi đó không khác gì một "thành phố ma".
Lãnh đạo Bắc Kinh đã "không giáng đòn chí mạng xuống toàn bộ thành phố và nền kinh tế vừa mới phục hồi một chút của họ bằng các biện pháp hạn chế mạnh tay", Keith Bradsher và Chris Buckley viết trong bài bình luận trên NYTimes hồi tháng 6 với tiêu đề "Trong đợt bùng phát Covid-19 này, Trung Quốc thử biện pháp mới: kiềm chế".
Biện pháp phong tỏa giúp kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng khiến nền kinh tế lao đao. Không chỉ vậy, nó còn có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tinh thần của người dân, khi họ không được phép ra ngoài trong thời gian quá dài.
"Bạn không thể bắt người dân chịu đựng nỗi đau quá dài", Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trụ sở ở New York, Mỹ, bình luận. "Bởi khi đó, bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp và những căng thẳng về mặt cảm xúc. Chúng có thể gây ra tác động rất lớn đến ổn định chính trị, xã hội".
Tuy nhiên, cách tiếp cận mới được đánh giá vừa giúp đảm bảo nền kinh tế không bị thiệt hại quá nặng nề, cũng như giúp người dân có thể "sống chung với lũ" Covid-19 trong thời gian dài.
Nhiều chuyên gia tin rằng cách chống Covid-19 mới của Trung Quốc có thể trở thành mô hình ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai, cho tới khi vaccine được phát triển thành công.ơ
Thanh Tâm (theo NYTimes/Global Times/Conversation/CTGN)
Link nguồn: https://vnexpress.net/cach-chong-covid-19-kieu-moi-cua-trung-quoc-4140914.html
WHO cảnh báo có thể không có vắc xin cho dịch Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới có thể sẽ không có “viên đạn bạc” nào cho Covid-19 dưới dạng một loại vắc xin. Con đường quay lại cuộc sống bình thường của người dân toàn cầu vẫn còn rất dài và một số quốc gia nên nhanh chóng tái lập các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.