Cách phát âm tiếng Anh mới ở Á Châu
Trước khi đi vào phần chính, tôi xin kể qua một câu chuyện vui cá nhân. Số là khi mới sang định cư ở Mỹ, tôi được nhận vào làm việc cho một cơ sở giáo dục thành phố, nhờ có chút vốn tiếng Anh học ở Việt Nam.
13:30 13/05/2018
Thời gian đầu, một trong những công việc làm tôi “chảy mồ hôi” (nervous) nhất là bắt điện thoại mà người gọi là Mỹ. Nghe giọng tiếng Anh của tôi – Vietinglish/không những thế, lại là Huế English – hầu hết đều lịch sự yêu cầu tôi nhắc đi nhắc lại vài lần, họ mới hiểu.
Có người thẳng thừng hơn, mới nghe tôi lên tiếng trong máy, là “cúp” ngay, không thèm nghe tiếp. Một vài người khác thì yêu cầu tôi chuyển cho một người Mỹ nào đó trong sở, vì tôi nói tiếng Anh nhiều “accent” quá, họ không hiểu.
Có lần, một bà phụ huynh đến than phiền với ông trưởng phòng của tôi là tôi đã cho bà ta địa chỉ văn phòng sai, khiến bà tìm mãi không được, phải bỏ mất cuộc hẹn. Số là: địa chỉ văn phòng tôi làm việc là 768 đường Main. Người phụ huynh này lại đi tìm số 78 A. Thì ra, khi nói số 8, thay vì phải thêm “âm gió” của chữ “t” sau chữ “ei,” tôi chỉ phát âm “ei” là chữ “A.” 768 thành 78A. Thật là một sai lầm chết người!
Accent/giọng phát âm! Có thể nói, đó là một trong những khó khăn lớn nhất của những người học . Thực ra, khi nói, ai mà chẳng có accent! Giọng nói hay giọng phát âm của một người là sản phẩm của tiếng mẹ đẻ nơi mà họ sinh trưởng, và trong một số trường hợp, cũng còn là sản phẩm của bối cảnh xã hội và giáo dục của họ.
Tiếng Anh của người Anh (British English) khác với tiếng Anh của người Mỹ (American English), và ở một số từ, cách phát âm khác hẳn. Chẳng những thế, ngay ở Anh, Mỹ hay ở Úc, cư dân ở đó vẫn nói tiếng Anh với nhiều accent khác nhau – có khi khác nhiều – giữa những vùng khác nhau. Người ta gọi đó là “giọng Anh văn vùng” (Regional Accent English). Nếu nói chuyện với người cùng vùng, ta sẽ không nhận thấy họ có “accent.” Nhưng hễ nói với người vùng khác, là nghe khác đi, y như thể họ phát âm không đúng.
Cũng như ở Việt Nam, một người miền Nam, khi nghe người Huế nói, họ không hiểu gì cả, vì giọng Huế phát âm nghe “nặng” quá, chẳng hạn. Tất nhiên, cũng có một thứ tiếng Anh tiêu chuẩn, trong đó, cách phát âm không chịu sự chi phối của vùng, miền, gọi là Standard English (SE), cũng còn được gọi là Received Pronunciation (RP), gắn liền với giọng phát âm ở miền Nam nước Anh. Tuy nhiên, theo Wikipedia, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ những người sống ở Anh có giọng phát âm chuẩn này.
Ngày nay, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế, được sử dụng ở hầu hết các giao dịch chính trị, thương mại và khoa học quốc tế. Riêng ở Châu Á, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ văn hóa. Để bảo đảm đào tạo học sinh, sinh viên nói được tiếng Anh lưu loát, hầu hết các nước ở Châu Á đều sử dụng một ngân sách rất lớn để lập nên những trường dạy tiếng Anh, bằng cách cử người đi du học ở các nước nói tiếng Anh hay thuê các giáo sư người Anh hay Mỹ về dạy trong nước, để bảo đảm rằng sinh viên học sinh sẽ nói được tiếng Anh như người Anh hay Mỹ. Đó là một chính sách đúng đắn, không ai bàn cãi.
Tuy nhiên, mới đây, xuất hiện một quan điểm mới về việc dạy và học tiếng Anh. Một trong những khuôn mặt tiêu biểu là Giáo Sư Andy Kirkpatrick. Ông là trưởng khoa tiếng Anh tại Viện Giáo Dục Hồng Kông. Trước đó, ông là giáo sư về Ngữ Học và Giáo Dục Liên Văn Hóa tại đại học Curtin, Úc.
Ông cũng đã từng sống và dạy học tại các nước Miến Diện, Trung Quốc, Singapore, và Đài Loan. Ông viết nhiều bài báo, bàn về việc dạy và học tiếng Anh tại các nước Á Châu. Ngoài ra, ông còn xuất bản một cuốn sách nhan đề “Teaching English across cultures: What do English language teachers need to know to know how to teach English?” bàn về việc dạy tiếng Anh xuyên văn hóa.
Theo Andy Kirkpatrick, bây giờ tiếng Anh đã là ngôn ngữ quốc tế thì vấn đề là hiểu biết, tri thức, chứ không phải là chỉ là giọng phát âm. Đa số người nói tiếng Anh là nói như ngôn ngữ thứ hai, hoặc thứ ba, cho nên, tiếng Anh là ngôn ngữ được dùng để giao dịch giữa những nhóm người khác nhau về ngôn ngữ.
Do đó, đi tìm một cách nói tiếng Anh tiêu chuẩn tuyệt đối là điều không thực tế. Đồng ý rằng một ngôn ngữ phải gắn liền với một nền văn hóa, nhưng một ngôn ngữ không nhất thiết phải gắn bó với một nền văn hóa đặc thù. Tiếng Anh ở vùng Đông Á và Đông Nam Á đóng vai trò như một ngôn ngữ chung (lingua franca) cho giới chính trị ưu tú và cho Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASIAN), và cũng được dùng cho giới chuyên môn và doanh nghiệp.
Vậy thì loại tiếng Anh nào là ngôn ngữ chung? Ông đề nghị đó phải là “thứ tiếng Anh phản ảnh được những quy ước văn hóa địa phương và những tiêu phạm thực tiễn sẽ phát triển để phục vụ cho nhu cầu này.” Đi xa hơn, ông đề nghị xa rằng “loại tiếng Anh vùng này sẽ được dạy trong nhà trường, thay vì là thứ tiếng Anh gốc ở bên ngoài xa lạ. Họ học tiếng Anh không dùng để giao dịch với những người mà Anh văn là bản ngữ (native English speakers), để giao dịch với những người mà Anh văn phi-bản ngữ như họ” (Non-native speakers to non-native speakers).
Tiếng Anh họ dùng không phản ảnh các giá trị văn hóa Anglo. Đây là một thứ tiếng Anh địa phương gọi là tiếng Anh vùng (regional English). “Anh văn không còn là một ngôn ngữ thuộc địa. Nó là một phương tiện qua đó, những người Châu Á dùng để giao dịch với thế giới và với nhau,” theo ông.
Văn hóa và bối cảnh xã hội của họ quan trọng hơn là văn hóa của những người nói tiếng Anh ở Anh, Mỹ, Úc. Do đó, cái cách nói tiếng Anh của họ cũng phải khác. Vậy thì, thay vì sử dụng mô thức của những người nói tiếng Anh bản ngữ, chúng ta nên xem xét khả năng sử dụng mô thức đa dạng của “tiếng Anh vùng” áp dụng trong lớp học.
Nếu những người trong vùng Đông Nam Á và trong Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á xem tiếng Anh là ngôn ngữ chung thì loại tiếng Anh vùng Đông Nam Á nên được xem là mô thức thích hợp. Một số nước Đông Nam Á đã hoàn tất mô thức này rồi, trong đó có Singapore, Malaysia, Philippines và một số vùng ở Ấn Độ.
Để thực hiện việc này một cách có hiệu quả, ông cho rằng, thay vì cho trẻ em học tiếng Anh ngay từ lúc nhỏ, chúng ta nên hoãn việc học tiếng Anh cho đến khi chúng nói và viết thông thạo tiếng mẹ đẻ của chúng trước. Ông đề ra chương trình tiếng Anh mới mang tên là ELF (English as a lingua franca = Tiếng Anh như ngôn ngữ chung), thay vì ESL (English as a second language = Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai).
Cùng quan điểm, ông Gordon Wu, thuộc một công ty đầu tư ở Hồng Kông, “Far East Economic Review,” cho rằng người Châu Á học tiếng Anh để giao dịch với người Triều Tiên, Thái, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam. Giá trị văn hóa phản ảnh qua tiếng Anh mà họ dùng gắn liền với những tiêu phạm văn hóa của riêng họ qua sinh hoạt hằng ngày trong vùng hơn là với giá trị văn hóa của những người Anh hay Mỹ.
Ông Tommy Koh, một thứ trưởng trong chính phủ Singapore phát biểu rằng, “Khi tôi nói tiếng Anh, tôi muốn thế giới hiểu rằng tôi là một người Singapore.” Người ta muốn duy trì căn cước riêng của họ khi họ nói tiếng Anh.
Loại tiếng Anh mới này sẽ phản ảnh đời sống, văn hóa và giá trị của người học. Phải phá bỏ đi mặc cảm là sẽ không nói được tiếng Anh như người Mỹ hoặc người Anh. Do đó, thay vì tốn quá nhiều tiền để thuê những giáo sư tiếng Anh từ Mỹ hay Anh, các chính phủ chỉ cần đào tạo các giáo sư tiếng Anh vùng, miền, nghĩa là tiếng Anh địa phương.
Quan điểm của ông Andy Kirkpatrick, đươc phổ biến gần cả hai thập niên trở lại đây, vẫn còn là đề tài tranh cãi ở các nước Đông Nam Á. Đúng hay sai hãy chờ xem những kết quả trong thực tế. (Trần Doãn Nho)
Tài liệu: -Wikipedia. -Andy Kirkpatrick, bài báo “English as Asian Language,” The Guardian. -Andy Kirkpatrick, sách “Teaching English across cultures: What do English language teachers need to know to know how to teach English?”
Hoàng Hiệp vất vả đi hát, làm thêm để nuôi thân sau 5 năm ở Mỹ
Hoàng Hiệp quyết định sang Mỹ định cư để tìm cơ hội cho sự nghiệp ca hát của mình. Nam ca sĩ gốc Hà Nội chấp nhận đối diện khó khăn, vất vả... để rồi 5 năm sau, anh đã gặt hái được nhiều thành công tại đất khách.