Cách Thái Lan khiến khách Việt chi 20 triệu đồng mỗi chuyến đi
Để khách Việt chi trung bình 20 triệu đồng cho một chuyến đi Thái, gấp 3 lần giá tour và xếp thứ hai khu vực về chi tiêu, Thái Lan đã áp dụng công thức "5 phải làm".
12:42 29/09/2024
Trả lời VnExpress, ông ChattanKunjara Na Ayudhya, Phó trưởng đại diện phụ trách marketing khu vực Châu Á và Nam Thái Bình Dương của Cơ quan Thái Lan (TAT), nói Việt Nam là thị trường khách Du lịch nước ngoài quan trọng đối với nền du lịch Thái Lan, đứng thứ 8 trong 10 thị trường có lượng khách du lịch đến Thái Lan nhiều nhất 8 tháng đầu năm, với gần 720.000 lượt.
Mức chi tiêu của khách Việt đến Thái Lan cũng nằm trong top đầu khu vực. Ông ChattanKunjara Na Ayudhya cho hay từ sau dịch Covid-19, khách Việt du lịch xứ chùa Vàng chi trung bình 25.000-27.000 baht (18-20 triệu đồng) cho mỗi chuyến đi, bao gồm vé máy bay.
"Con số này đứng top hai trong khu vực ASEAN, cùng với thị trường Brunei và Singapore, đứng đầu là Myanmar với mức chi tiêu trung bình là 40.000 baht (30 triệu đồng)", ông ChattanKunjara Na Ayudhya cho biết.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc công ty Du Lịch Việt, cho hay các tour trọn gói đi Thái hiện có mức thấp nhất khoảng 7 triệu đồng. Hầu hết du khách đều mạnh tay chi tiêu gấp đôi, gấp ba cho các dịch vụ ngoài tour như mua sắm, xem show nghệ thuật, ăn uống tại nhà hàng cao cấp.
"Mỗi khách chi tiêu cho dịch vụ ngoài tour trung bình một ngày khoảng 2 triệu đồng", ông Vũ nói và cho hay lý do khách Việt chịu chi khi du lịch Thái là sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch của đất nước này.
Đại diện TAT cho biết công thức giúp tăng trải nghiệm giá trị cho du khách và đem về doanh thu cho ngành du lịch dựa trên ý tưởng "5 việc phải làm ở Thái Lan" (5 Must Do in Thailand).
Must Taste (phải nếm) là món ăn Thái phải nếm thử, kể về nguồn gốc món ăn và cách ăn uống của người dân từng vùng miền. Must Try (phải thử) là tìm hiểu và trải nghiệm môn võ thuật Muay Thai nổi tiếng thế giới. Must Buy (phải mua) là khía cạnh thời trang, vải và đồ thủ công mỹ nghệ của Thái gắn với cuộc sống, sự sáng tạo và nguồn cảm hứng bất tận của người dân Thái. Must Seek (phải khám phá) những địa điểm du lịch mới, hoặc những góc nhìn và những câu chuyện mới. Must See (phải xem) các lễ hội, phong tục, truyền thống phản ánh lối sống và tín ngưỡng của người dân từng địa phương khắp đất nước Thái.
Năm 2025, Thái Lan tiếp tục làm mới sản phẩm du lịch, hướng du khách đến các thành phố đáng ghé thăm (Hidden Gem Cities).
"Chúng tôi quảng bá sản phẩm du lịch của những tỉnh thành phố thứ cấp - nơi chưa phải là điểm đến du lịch chính, với mong muốn có thể phân bổ doanh thu đến cấp địa phương", ông ChattanKunjara Na Ayudhya nói.
Đại diện TAT đánh giá thói quen chi tiêu khi du lịch của khách Việt đã có sự dịch chuyển từ sau đại dịch. Trước năm 2019, khách Việt sang Thái chủ yếu để mua sắm, trải nghiệm các dịch vụ ăn uống tại chợ, đường phố. Hiện, mức chi cho các hoạt động như tham quan điểm văn hóa-lịch sử, dịch vụ giải trí, trải nghiệm ăn uống cao cấp, du lịch biển có sự tăng trưởng.
So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ khách Việt chi tiền vào tham quan các điểm du lịch về lịch sử, văn hóa, các hoạt động biển tăng 4%. Chi phí cho hoạt động giải trí, trải nghiệm ẩm thực cao cấp tăng hơn 20%.
Bà Supakan Yodchun, Giám đốc Cơ quan du lịch Thái Lan tại TP HCM, cho hay để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ ẩm thực cao cấp đang tăng của khách Việt, ngành du lịch Thái sẽ quảng bá các sản phẩm ẩm thực như foodcourt trong trung tâm thương mại, những khu phố ẩm thực mới, tour thưởng thức món Michelin trên xe buýt. Đây là những trải nghiệm mới, hứa hẹn hút khách Việt so với ăn uống đường phố.
Chị Nguyễn Phương Hà, sống tại Hà Nội, chia sẻ đến Thái Lan nhiều lần nhưng chủ yếu khám phá đồ ăn tại các khu vực truyền thống. Lần du lịch Thái giữa tháng 9 này, chị Hà không ngại chi hơn một triệu đồng cho bữa trưa phục vụ món Thái truyền thống từ các nhà hàng Michelin trên xe buýt, vừa ăn vừa ngắm đường phố Bangkok.
"Tôi đặt tour này vì muốn thử ẩm thực Thái Michelin có gì ấn tượng và để xem ăn uống trên xe buýt sẽ được phục vụ thế nào", chị Hà nói và cho biết chị dành khoảng 20-30% ngân sách cho các trải nghiệm ăn uống trong chuyến du lịch Thái.
Chị Thảo Nhi, đến từ Bình Định, cho hay chi khoảng 22 triệu đồng cho chuyến du lịch Bangkok - Hua Hin 5 ngày 4 đêm trong tháng 3. Chị Nhi chia ngân sách du lịch thành các mục như vé máy bay gần 4 triệu đồng khứ hồi, phí lưu trú 4 đêm khoảng 4 triệu đồng, chi phí tham quan, đi lại khoảng 4 triệu đồng, mua sắm và ăn uống 10 triệu đồng.
Ông ChattanKunjara Na Ayudhya cho biết bên cạnh thay đổi về thói quen chi tiêu, cách thức du lịch của khách Việt đến Thái Lan cũng chuyển hướng. Tỷ lệ khách du lịch tự túc 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Khách Việt du lịch tự túc đến Thái đang chiếm khoảng 64%; 36% theo tour trọn gói.
Ông ChattanKunjara Na Ayudhya cho biết từ sau dịch Covid-19 đến nay, tỷ lệ khách Việt mới và khách đi lại lần tiếp theo xấp xỉ nhau. Bên cạnh đó, Thái Lan liên tục được bình chọn là điểm đến được ưa chuộng của khách Việt Nam.
Điều cần cải thiện đối với thị trường Việt Nam là việc thúc đẩy du khách khám phá trải nghiệm giá trị, tại các điểm du lịch mới, bên cạnh những điểm quá quen với khách Việt nhiều năm nay như Bangkok hay Pattaya.
Ngành Thái Lan đặt mục tiêu trong năm nay sẽ đón một triệu lượt du khách Việt Nam đến Thái Lan du lịch. Việt Nam nằm trong nhóm thị trường khách du lịch nước ngoài cự ly ngắn (short-haul) và thị trường 7 chữ số (thị trường nước ngoài có khách du lịch đến Thái Lan hơn 1 triệu lượt) mà Thái Lan đặt mục tiêu tăng về lượng khách vào doanh thu trong năm 2025.
Trong năm tới, Thái Lan sẽ tăng công suất chỗ ngồi trên máy bay từ Việt Nam đến Thái, bao gồm tăng số lượng chuyến bay trên các đường bay hiện tại, thúc đẩy mở thêm đường bay mới và kéo dài thời gian bay cho cả chuyến bay thường lệ (regular flight) và chuyến bay thuê bao (charter flight).
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá để tạo nhận thức rộng hơn về các thành phố thứ cấp đáng ghé thăm của Thái, giới thiệu các sản phẩm đáp ứng tốt sở thích của du khách Việt", đại diện TAT nói.
Bích Phương
Con trai có hiếu mỗi tháng kiếm được 30 triệu thì gửi về cho mẹ 25 triệu, đến lúc lấy vợ rồi vẫn gửi về đều…
Nhà tôi có 2 anh em trai. Anh tôi học hành giỏi giang, ra trường thì ở lại thành phố lập nghiệp. Anh là niềm tự hào của mẹ tôi.