Cách tiếp cận nước đôi của Trump với Iran
Trump hôm 16/9 nói rằng ông không muốn chiến tranh. Gần một giờ sau, ông cho rằng đòn không kích vào cơ sở lọc dầu Iran là "phù hợp".
05:00 18/09/2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói Iran là mối đe dọa lớn nhất ở Trung Đông, một cường quốc hạt nhân tương lai khiến ông phải tìm cách phong tỏa bằng những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay. Ông cảnh báo Mỹ đã "khóa mục tiêu và lên nòng" để trừng phạt Iran, nếu cần, sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các nhà máy dầu của Arab Saudi hồi cuối tuần trước.
Nhưng Trump cũng háo hức hướng tới một cuộc đàm phán với Tổng thống Iran, từng hủy bỏ quyết định không kích trả đũa Iran hồi đầu năm với lý do rằng nó có thể khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Ông còn "tán tỉnh" Iran bằng lời gợi ý cân nhắc đề xuất từ Pháp cung cấp gói tín dụng 15 tỷ USD nếu Tehran chấp thuận trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng ngày 30/8. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp báo tại phòng Bầu Dục hôm 16/9, Trump cho rằng Iran "gần như chắc chắn" là thủ phạm gây ra vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu Arab Saudi, nhưng khẳng định "chúng tôi không muốn chiến tranh với bất kỳ ai". Chưa đầy một giờ sau, ông lại nghĩ rằng một cuộc không kích vào cơ sở lọc dầu của Iran là biện pháp phản ứng phù hợp với Tehran.
Một số chuyên gia cho rằng những tuyên bố đầy mâu thuẫn này cho thấy trong vấn đề Iran, Trump dường như đang loay hoay giữa hai con đường: Đối đầu trực diện để thỏa mãn những người có quan điểm cứng rắn trong nội bộ đảng Cộng hòa cùng đồng minh Israel và Arab Saudi, hay ngồi xuống bàn đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin nhận xét sự thiếu nhất quán của Trump có thể làm gia tăng rủi ro tính toán sai lầm ở cả phía Mỹ lẫn Iran. "Đây không phải cách bạn làm ngoại giao", ông nói.
Cách tiếp cận nước đôi của Trump với Iran bắt nguồn từ ý tưởng rằng với việc rời khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh tay lên Tehran, ông có thể vừa làm hài lòng những tiếng nói "diều hâu" vừa buộc Iran khuất phục trước một thỏa thuận mới mang thương hiệu Trump.
Theo một quan chức cấp cao chính quyền và một cố vấn giấu tên bên ngoài , các đồng minh chính trị đã khuyên Trump rằng hành động tấn công quân sự nhằm vào Iran có khả năng làm leo thang căng thẳng và làm phật lòng những người ủng hộ quan trọng, vốn bỏ phiếu cho ông vì chính sách " trên hết" và cam kết hạn chế can thiệp quân sự ở nước ngoài.
Dù Trump năm 2016 vận động tranh cử bằng tuyên bố xóa bỏ cái mà ông gọi là những cuộc chiến tranh bất tận, ông vẫn chưa rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq. Vậy nên, Trump chắc chắn không muốn bước tới cuộc đua vào năm sau bằng một cuộc xung đột mới ở Trung Đông, giới phân tích đánh giá. Nếu làm vậy, các ứng viên có thể dễ dàng cáo buộc ông đang tự tay đưa nước Mỹ vào chiến tranh.
Các quan chức Mỹ cả đương nhiệm và đã rời nhiệm sở cho hay cách tiếp cận của Trump với Iran luôn bị ảnh hưởng bởi một mong muốn: Phá bỏ những di sản mà người tiền nhiệm Barack Obama đã đạt được.
Bình luận "khóa mục tiêu và lên nòng" hôm 15/9 xuất phát từ khao khát muốn chống lại một đối thủ khó khăn bằng sự cứng rắn, điều mà Trump cho rằng Obama không làm được. Lời mời Iran ngồi vào bàn đàm phán có thể bắt nguồn từ suy nghĩ của Trump rằng ông có thể mang lại "thỏa thuận có hời" cho nước Mỹ hơn người tiền nhiệm.
Theo những người từng thảo luận chính sách Iran với Trump, ông đặc biệt muốn chứng minh khả năng trước những người theo đường lối ngoại giao truyền thống và các đồng minh của Mỹ luôn coi thỏa thuận hạt nhân 2015 là thành tựu mang dấu ấn Obama.
Trump tuần trước đã chỉ ra thỏa thuận của ông với Iran sẽ khác với người tiền nhiệm như thế nào khi tuyên bố Iran cũng muốn một thỏa thuận. "Chúng ta không thể để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và họ sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân", ông nói hôm 11/9. "Và nếu họ nghĩ tới chuyện làm giàu uranium, họ nên quên việc đó đi bởi nó sẽ rất rất nguy hiểm đối với họ".
Thỏa thuận hạt nhân 2015 cho phép Iran làm giàu uranium ở nồng độ thấp. Những người phản đối thỏa thuận lập luận rằng dù làm giàu uranium ở mức độ nào, Iran cuối cùng vẫn có thể đạt được vũ khí hạt nhân. Trump nói ông sẽ xóa bỏ lỗ hổng này.
Trump chia sẻ thái độ coi thường thỏa thuận hạt nhân Iran cùng cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo. Tuy nhiên, ông không hoài nghi như họ về khả năng đàm phán với Tehran.
Khói bốc lên tại nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaiq của Arab Saudi sau vụ tấn công ngày 14/9. Ảnh: ABC News. |
Quyết định sa thải Bolton hồi tuần trước được đưa ra sau khi Trump suy nghĩ về khả năng xóa bỏ một số lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran nhằm tạo động lực đàm phán. Đây là ý tưởng mà những "diều hâu" ở Nhà Trắng cực lực phản đối, một nguồn tin thân cận với Bolton cho hay.
Trump hôm qua nói ông không có kế hoạch gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani khi hai người có mặt ở New York vào tuần tới để dự hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Dù vậy, ông liên tục lặp lại rằng Iran dù sao vẫn "muốn gặp".
Dù vậy, chính sách kiểu "nước đôi" này của Trump đến nay dường như không phát huy tác dụng, khi Iran kiên quyết không nhượng bộ trước "sức ép tối đa", đồng thời khước từ mọi đề nghị đàm phán từ phía Mỹ.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm nay tuyên bố Tehran sẽ không đàm phán với Mỹ ở bất kỳ cấp độ nào, khẳng định chính sách gây áp lực tối đa chống lại đất nước Iran là "vô giá trị" và "sẽ thất bại". Với sự cứng rắn của Tehran và những gì đã diễn ra ở Vùng Vịnh tuần qua, khả năng lãnh đạo hai nước gặp nhau ở New York càng trở nên xa vời.
Nguồn: Vnexpress.net
Không chỉ thương chiến, ông Trump đấu Trung Quốc còn là vì Chân lý
Trên kênh Fox News, cố vấn chính sách thương mại của Nhà Trắng, ông Peter Navarro đã chỉ trích tờ Wall Street cáo buộc Tổng thống Donald Trump gây suy giảm tăng trưởng kinh tế khi tiến hành thương chiến với Trung Quốc.