Cách viết tốt bài luận trong hồ sơ du học Mỹ
Nghiêm túc nghĩ về một chủ đề thực sự cảm thấy hứng thú và viết một đoạn mở đầu thật thu hút... là gợi ý từ The Princeton Review dành cho học sinh.
20:48 09/05/2017
Bài luận ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ là một thử thách gian nan cho nhiều học sinh. Trong bài viết này, tổ chức giáo dục Mỹ The Princeton Review chia sẻ những lời khuyên giúp bạn viết tốt bài luận trong hồ sơ du học Mỹ.
Bước 1: Tổ chức
Bước đầu tiên trong quá trình viết luận du học Mỹ của mỗi ứng viên là xác định rõ các mục tiêu cần thực hiện. Hiện nay có 456 trường đại học Mỹ chấp nhận nộp đơn nhập học qua hệ thống Common Application, nhưng một số trường giàu truyền thống như Đại học và Đại học California vẫn yêu cầu thí sinh phải nộp đơn và bài luận theo những yêu cầu riêng của trường.
Vì vậy, trước khi bắt đầu, thí sinh cần hiểu rõ những bài luận mình sắp phải viết. Khi đã có được mục tiêu rõ ràng, việc tiếp cận từng bài luận nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều. Khi đó, thí sinh có thể xác định được liệu có thể sử dụng cùng một bài luận để nộp cho nhiều trường hay không.
Sau khi đã có ý tưởng rõ ràng một học sinh sẽ cần trung bình khoảng 12 giờ để có thể hoàn thành một bài luận vào đại học. Để đảm bảo có đủ thời gian lên ý tưởng, ứng viên cần chọn chủ đề và chỉnh sửa một bài luận du học, bắt đầu ít nhất 2 tháng trước hạn nộp hồ sơ.
Khi đã xác định được các yêu cầu của từng trường ứng tuyển, ứng viên nên làm một bảng kế hoạch gồm hai mục, một là tên trường, giới hạn từ và hạn chót nộp hồ sơ, mục còn lại là thông tin chi tiết về những đề tài cần viết. Bằng cách này, ứng viên sẽ kiểm soát được tất cả mục tiêu cũng như thời gian cần hoàn thành hồ sơ một cách hiệu quả nhất.
Mỗi ứng viên cần xác định rõ các mục tiêu cần thực hiện khi viết bài luận trong hồ sơ du học Mỹ. |
Bước 2: Ý tưởng
Trong quá trình tìm ý tưởng, sẽ không có bất cứ chủ đề nào là tốt nhất, mà chỉ có chủ đề phù hợp nhất với bạn. Đừng ép buộc bản thân phải viết về những gì mà bạn nghĩ là phải viết để có thể làm ai đó hài lòng. Những bài luận như thế thường rất nhàm chán và không truyền được cảm hứng.
Tương tự, không nên bắt đầu viết ngay về một chủ đề nào đó vừa nghĩ tới chỉ vì bạn không muốn giành thời gian suy nghĩ về một vấn đề nào đó thú vị hơn. Bạn hãy nghiêm túc nghĩ về một chủ đề thực sự luôn cảm thấy hứng thú và có thể giành cả ngày để nói về nó.
Đối với những đề bài yêu cầu phải trả lời câu hỏi: “Điều gì làm nên bản thân bạn?”, bạn có thể nghĩ về những trải nghiệm, tài năng, sở thích hay tính cách nào đó mà muốn chia sẻ với các trường đại học. Những chủ đề khả thi có thể bao gồm sở thích, hoạt động ngoại khóa, sở thích học thuật, nghề nghiệp, các sự kiện quan trọng trước đây, lịch sử, văn hóa gia đình hoặc bất cứ sự kiện nào hình thành nên quan điểm cá nhân của bạn về từng khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Thử tưởng tượng rằng bạn đang có một buổi phỏng vấn xin việc với lãnh đạo của một doanh nghiệp hoặc chuẩn bị có một cuộc hẹn đầu tiên với người mình thích, bạn sẽ làm gì? Hãy thử nghĩ về những phẩm chất tốt nhất của bản thân mà có thể khiến bạn nổi bật trong những tình huống cần quảng bá cho mình như thế này.
Bước 3: Chọn lọc chủ đề
Giờ đây chắc hẳn bạn đã có một danh sách những chủ đề tiềm năng, nhưng vẫn chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Bước kế tiếp đó là nghĩ về những ý tưởng và quyết định chọn những ý tốt nhất cho bài luận của mình.
Hãy tập phân loại những ý tưởng của bạn - suy nghĩ và xem xét kỹ về khả năng liệu một chủ đề nào đó có thể phát triển thành một bài luận tốt hay không. Không nên nhầm lẫn giữa sự quan trọng với bản thân và sự quan trọng đối với thế giới. Nên nhớ một bài luận vào đại học không phải là một bài văn nghị luận. Điều quan trọng là cần thể hiện cho người đọc hiểu rõ bản thân, đề cao quan điểm độc lập của thí sinh.
Bài tự luận không phải là một bản hồ sơ xin việc, nơi phải khoe về những mặt tích cực của bản thân, mà thay vào đó, thí sinh có thể điền những thông tin đó ở nhiều mục khác trong đơn ứng tuyển. Đa số những bài luận thành công là thường nói về điều đơn giản, bởi vì cán bộ tuyển sinh cho rằng việc bạn tiếp cận, kết nối với điều giản dị xung quanh, có thể thể hiện được quan điểm của bạn đối với thế giới.
Một chủ đề tốt thông thường phải có những ảnh hưởng thật sự lên quan điểm cá nhân của bản thân. Câu chuyện hoặc sự kiện đó đã dạy bài học gì hay thay đổi cái nhìn của bạn đối với cuộc sống như thế nào?
Bài luận ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ luôn là một thử thách gian nan cho nhiều học sinh. |
Bước 4: Lên kế hoạch tiếp cận
Đến thời điểm này, bạn chắc hẳn đã chọn được cho mình một chủ đề phù hợp nhất, và đây là lúc bạn cần chuyển chủ đề thành một bài luận.
Nếu vẫn đang phân vân chưa biết chọn chủ đề nào, bạn hãy thử tham khảo các bài luận mẫu để có thể hiểu được những cấu trúc cơ bản hình thành nên một bài luận tốt. Tuy nhiên, bạn hãy tham khảo một cách có ý thức, tránh đi theo phong cách viết luận của các bài mẫu, bởi vì bài luận du học hoàn toàn là câu chuyện riêng và miêu tả con người bạn.
Trong một chủ đề, hãy cố gắng tìm ra được phần mà bạn nghĩ là ý nghĩa, và độc đáo nhất đễ tập trung phân tích. Khi cảm nhận được phần ý nghĩa đó, bản thân bạn sẽ tự tìm ra cách để sắp xếp, thiết kế bài viết một cách tốt nhất.
Bước 5: Viết nháp
Lời khuyên tốt nhất cho thí sinh để có thể bắt đầu viết bản nháp đó là đừng lo lắng quá nhiều về những thứ mình sắp viết, mà hãy cứ viết hết lên giấy và đừng nghĩ ngợi rằng câu văn này có đủ tốt hay không. Bởi vì bạn sẽ còn công đoạn chỉnh chu lại bài viết sau đó, nên việc cố gắng hoàn thành mọi thứ một cách hoàn hảo ngay từ lần viết đầu là điều bất khả thi.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của bài luận đó là đoạn mở đầu. Đây là phần tiên quyết xem liệu người đọc có sẽ bị thu hút bởi bài viết của bạn hay không, ngay từ những dòng chữ đầu tiên. Bạn chỉ có duy nhất một cơ hội đó. Nếu bạn bỏ qua nó sẽ rất khó để có thể khôi phục lại sự hứng thú từ cán bộ tuyển sinh. Điều bạn muốn làm ở đây đó là thu hút sự tập trung của cán bộ tuyển sinh bằng một đoạn mở đầu thật sự đặc biệt, của một câu chuyện đặc biệt.
Bước 6: Chỉnh sửa bài viết
Trước khi bắt đầu chỉnh sửa bài viết, ban hãy tạm thời cách xa nó trong khoảng thời gian một tuần. Điều này sẽ giúp bạn có một cách tiếp cận khách quan hơn đối với bài viết khi không đọc nó trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, hãy tự mình đọc lại lần đâu tiên để tìm ra được những vấn đề lớn trong bài luận của bạn.
Tiếp đến, bạn hãy tham khảo ý kiến của những người đọc khác. Họ sẽ là những người dễ dàng tìm ra được lỗ hổng trong tư duy bài viết mà bản thân người viết thường không nhận thấy. Cuối cùng, bạn hãy đọc lại lần nữa để có thể chỉnh sửa ngôn ngữ bài viết một cách phù hợp.
Bước 7: Kiểm tra lại mọi thứ
Khi đã hoàn thành bản nháp, bạn hãy tự thưởng cho bản thân một tuần nghỉ và rồi tiếp tục đọc lại nó sau đó. Bạn nên đọc thật kỹ để đảm bảo rằng không có bất kỳ trục trặc nào trong bài. Đồng thời, bạn cũng nên để ý đến cách trình bày bài viết và luôn nhớ không viết quá số lượng từ quy định.
Cuối cùng, hãy nhờ 2 người đọc khác để kiểm tra cùng bạn. Chính những người lạ sẽ giúp bạn tìm ra lỗi một cách nhanh chóng nhất. Bạn đừng quên hướng dẫn họ rằng chỉ nên tìm những lỗi về chính tả, và cách trình bày. Vì, ở giai đoạn này, bạn sẽ không muốn bất kỳ thay đổi lớn nào về nội dung, hay cấu trúc của bài viết một lần nào nữa.
Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ nhất và gây rất nhiều khó khăn cho bạn. Tuy nhiên, hãy cố gắng vượt qua “cửa ải” này. Vì, những cố gắng, nỗ lực của bạn đều trông cậy vào bước nước rút thế này và cũng không muốn cán bộ tuyển sinh là người cuối cùng tìm ra những lỗi trong bài viết luận của bạn.
The Princeton Review có hơn 30 năm kinh nghiệm luyện thi SAT, SSAT, ACT, TOEFL, GMAT… trên toàn thế giới và tư vấn du học Mỹ. |
Bước 8: Lặp lại quy trình trên
Bạn hãy luôn để ý đến những thời hạn bài viết và đừng quên rằng nhiều trường có thể yêu cầu thêm một bài luận bổ sung hoặc đoạn văn ngắn, ngoài bài luận du học.
The Princeton Review có hơn 30 năm kinh nghiệm luyện thi SAT, SSAT, ACT, TOEFL, GMAT… trên toàn thế giới và tư vấn du học Mỹ. Các chuyên gia của đơn vị có thể hỗ trợ học sinh học tập, đạt điểm số cao trong các kỳ thi và lựa chọn chuyên ngành phù hợp, cũng như tối đa hóa cơ hội nhận học bổng các trường đại học Mỹ
Những thủ tục cần thiết khi xin visa thăm thân Mỹ
Ngày nay, dù cách xa cả nửa vòng Trái Đất, bạn vẫn có thể đi thăm gia đình, họ hàng hay bạn bè tại Mỹ. Để tránh những vướng mắc không cần thiết, bạn cần nắm rõ thủ tục xin visa đi Mỹ thăm người thân như thế nào theo yêu cầu của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ.