California : Siêu thị ‘vỡ trận’ trong ngày ‘khẩn cấp quốc gia’ vì COVID-19
Trứng: Hết. Sữa: Hết. Bánh mì: Hết. Thịt bò: Hết. Thịt heo: Hết. Thịt gà: Hết. Mì gói: Hết. Đường: hết. Bột mì: Hết. Cá hộp: Hết. Rất, rất nhiều thứ nữa: Hết.
11:00 15/03/2020
Đó là hình ảnh mà không ít người đã tận mắt nhìn thấy tại siêu thị bán sỉ Sam’s Club ở Fountain Valley, miền Nam California, trong ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Ba, 2020, ngày mà Tổng Thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch COVID-19.
Thực ra, ngay từ tối Thứ Năm, sau khi rời tòa soạn, chạy đến Costco Huntington Beach, tôi đã cảm thấy điều gì đó thật khác lạ. Bởi, khi đó chỉ còn chưa đầy 45 phút nữa là Costco đóng cửa, lại là một ngày mưa lạnh, thế mà thật vất vả để có thể tìm được một chỗ đậu xe.
Ngạc nhiên hơn, khi rảo vào trong, không chỉ khách mua hàng còn rất đông, mà nhiều mặt hàng hết sạch trơn. Giờ không phải là lúc nói tiếp về “toilet papers,”“paper towels,” hay nước uống đóng chai nữa. Bởi nó đã trở thành món hàng hiếm rồi. Sạch trơn ở đây là sausage hộp, thịt gà hộp, cá hộp, nước súp gà, mì tô, lạp xưởng… Sạch trơn cả những ô bày baking soda, dầu ăn (không phải dầu olive), xà bông giặt. Thậm chí các quầy thịt tươi như bò, gà, cá vốn luôn ê hề, giờ chỉ còn vài gói nằm chỏng chơ đến nao lòng.
Đây đó, tiếng nhiều người phụ nữ nói với nhau: “Trời ơi, còn ‘mẹ’ gì đâu mà mua!”
Một người đàn ông ngoài 70 vừa đi vừa nói với đứa cháu trai rằng: “Qua Mỹ này hơn 30 năm rồi, đây là lần đầu tiên thấy tình trạng này ở Costco.”
Nhiều người khác vừa đẩy xe đi tìm kiếm xem còn gì có thể cần thiết mua về cho gia đình, vừa né nhau, nhường nhau qua, vừa trao nhau những nụ cười đầy sự cảm thông.
Tối. Thằng con đến tỉ tê, giọng buồn thiu: “Mẹ ơi, nhiều chương trình văn nghệ trong trường tụi con chuẩn bị giờ phải ‘cancel’ hết. Có thể năm nay cũng không tổ chức ‘Prom’ luôn, lễ ra trường của tụi con có thể không làm luôn đó mẹ.”
Dù vậy, thằng nhóc “dặn dò”: “Mẹ nên mua một ít thực phẩm để ở nhà nha mẹ, vì có thể mình phải ở trong nhà đó.”
Sáng Thứ Sáu ngày 13. Ngày vốn được xem là “không may mắn.” Thế mà. Chuyện gì đây? Mới hơn 11 giờ sáng mà bãi xe quanh khu chợ Thuận Phát trên đường Beach, thuộc thành phố Westminster đầy nghẹt. Không còn một chiếc shopping cart nào để sẵn. Và, người ta đang nối theo nhau xếp hàng chờ tính tiền. Không chỉ có người Việt Nam trong ngôi chợ Việt Nam này. Chị Mễ. Anh Mỹ. Cô Phi. Tất cả đều có hết.
“Tại sao lại đông đến như vậy?” Tôi thốt lên.
Một cô Người Việt trả lời: “Người ta sợ dịch bùng phát, mọi người buộc phải ở nhà, nên tranh thủ đi mua đồ về để dành.”
“Nghe nói hôm nay ông Trump có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhiều tiểu bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp rồi, nên người ta lo,” một chú có lẽ cũng tranh thủ đi chợ giúp vợ cũng lên tiếng.
Trong lúc tính tiền, tôi hỏi chị cashier: “Hôm qua có đông như vậy không chị?”
Chị cười lắc đầu, trả lời bằng giọng chứa đầy sự ngạc nhiên: “Không có, hôm qua vẫn bình thường, không hiểu sao sáng nay, từ lúc mở cửa chợ thì người ta đi đông nghẹt như vậy.”
Trong khi đó, một cô có vẻ như người quản lý vừa đi ngang các quầy tính tiền vừa nói lớn: “Giấy, nước, gạo chỉ bán mỗi người hai bao thôi nghen!”
Rời chợ Thuận Phát, vừa lên xe thì nhìn thấy tin “Tổng Thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại Tòa Bạch Ốc lúc 3 giờ 30 chiều 13 Tháng Ba.”
Ôi, thôi đúng rồi. Hèn chi.
Mấy ngày trước, hết thống đốc tiểu bang New York, California, Washington D.C, rồi Florida, hôm nay thì Texas đều đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, giờ thì không còn lẻ tẻ từng tiểu bang nữa mà cả nước luôn rồi thì không gì là khó hiểu khi người ta đua nhau mua thực phẩm, hàng tiêu dùng nhiều như thế.
Vẫn còn chưa kịp mở máy xe, thì lại thấy một người bạn gửi cho xem đoạn phim quay cảnh người ta xếp hàng trước Costco Garden Grove cũng hồi sáng này, từ lúc chưa tới 8 giờ 30, trong khi 10 giờ mới mở cửa. Mà khủng khiếp là người ta xếp dài từ cửa ra tới tuốt ngoài đường, chứ không phải chỉ còn giới hạn trong khu parking thôi.
Chưa biết phải diễn tả cảm xúc của mình như thế nào khi xem đoạn phim ngắn đó, thì một cô bạn cũng gửi cho xem một số hình cô chụp trong Sam’s Club cũng vào buổi trưa cùng lời nhắn: “Nhìn Sam’s Club ngay lúc này nè chị! Sắp tận thế hay sao á!”
Hình cô chụp là các quầy các tủ đựng thịt thà, trứng sữa đều trống lốc.
“Hổm rày nghe mọi người nói, nhưng em không có mua đồ trữ, giờ đi mới thấy ghê. Không còn một hộp Spam luôn chị!” Cô bạn nhắn tin ta thán.
Chưa hết. Vừa chạy xe về nhà thì thằng con đang học lớp 12 trường La Quinta gọi điện thoại nói: “Mẹ ơi, con sẽ nghỉ từ giờ cho đến 13 Tháng Tư luôn.”
Thằng con vừa nói xong thì điện thoại từ trường cũng gọi báo tin: Tụi nhỏ sẽ nghỉ hai tuần để đối phó với dịch COVID-19, sau đó lại nghỉ Xuân Spring Break cho đến ngày 13 Tháng Tư mới quay lại trường.
Một tháng học sinh ở nhà, nghĩa là có đến gần nửa triệu học sinh ở Orange County ở nhà trong một tháng. Bố mẹ chúng không tích trữ đồ ăn thức uống ở nhà cho chúng kể cũng lạ.
Rồi học khu Los Angeles và San Diego cũng thế, cũng cho gần 700,000 học sinh ở nhà.
Chưa kể các trường đại học, UCLA, Cal State Fullerton,… cũng “bế môn” cho sinh viên giải tán.
Dẫu rằng Tổng Thống Trump khi ban bố tình trạng khẩn cấp, cũng đồng thời cho biết chính phủ Mỹ sẽ huy động được $50 tỉ trong quỹ khẩn cấp để giúp tất cả các tiểu bang và địa phương có đủ ngân sách chống đại dịch COVID-19.
Nhưng đó là chuyện “nhà nước” còn nhà mình thì mình phải tự lo trước.
Thế là theo lệnh sếp, tôi lại phải chạy đi lòng vòng tiếp các chợ trong ngày Thứ Sáu 13 để xem dân tình còn gì hay ho nữa không.
Đâu đâu cũng là cảnh xe chạy lòng vòng tìm chỗ đậu trước khi có thể rảo bước tìm lấy chiếc shopping cart.
Chợ H Mart trên đường Garden Grove không náo nhiệt như chợ Thuận Phát tôi đi khi sáng, nhưng dòng người xếp hàng chờ tính tiền vẫn không ít. Rau cải thịt cá vẫn tươi rói, đầy ắp. Nhưng những món nơi khác hết thì nơi này cũng không còn. Đó là gạo, là giấy vệ sinh.
Nam Hàn vốn được xem là xứ sở kim chi mì gói. Thế nên mì gói vẫn còn đấy thôi. Nhưng mỗi người chỉ được mua một thùng.
Thử lạng qua nơi bán giấy. Nhìn thấy một chàng và một nàng trắng bóng đang đứng bàn với nhau có nên lấy thêm vài ba cuộn paper towels còn sót lại trên kệ không, trong lúc trên tay họ đang ôm những cuộn giấy toilet paper cuối cùng.
Rời chợ H Mart, tôi cùng đồng nghiệp chạy sang Costco cũng nằm trên cùng một con đường. Mưa rơi lả tả nhưng người và xe vẫn nối đuôi nhau chầm chậm chạy tìm chỗ đậu.
Vài người từ trong đẩy xe ra có hai case nước nằm chễm chệ, người mới vào nhìn người mua được nước bằng cặp mắt… ngưỡng mộ.
Thời buổi nước cung không đủ cầu, nên mua nước cứ như sổ xố, hên trúng, xui thôi.
Nghe đồn uống gừng và chanh cùng mật ong sẽ giúp có thêm sức đề kháng chống lại “Cô-Vi” thế nên chả trách sao các hộp gừng tươi vốn thơm lừng, cay xé họng “Made in USA” chẳng còn lấy một hộp.
Những vỉ trứng gà trắng cũng hết. Chỉ còn ít hộp trứng nâu. Hàng đồ lạnh, đồ hộp cũng không khác gì hình ảnh người ta gom hàng khi bão đến.
Đi tiếp đến Sam’s Club nơi góc đường Brookhurst-Warner. Thật tưng bừng. Thật náo nhiệt.
Dẫu đã được cô bạn cho biết tình trạng hàng hóa nơi này lúc ban trưa, nhưng chiều đến, bước chân vào khu bán bánh mì, bánh ngọt, gà nướng, cũng như các tủ lạnh vốn chất đầy thịt bò, thịt heo, cá… tôi vẫn không khỏi sửng sốt.
Sạch trơn.
Đáng kinh ngạc hơn là ngay cả sữa tươi, trứng gà cũng không còn.
Nhiều loại ngũ cốc cereal, đường, bột mì, các loại thịt hộp,… đều được người ta mua hết.
Từ trong chợ Sam’s bước ra. Ôi, cái gì nữa đây?
Một dòng người đang xếp hàng để chờ đi vào trong. Đồng hồ báo cho biết đã 6 giờ 30 chiều. Giờ người ta tan sở. Giờ người ta phải tranh thủ đi xếp hàng mua, vì sợ ngày mai… Ai biết.
Ông chồng từ chỗ làm nhắn: “Sếp kêu cuối tuần nhớ mang luôn laptop về nhà, vì có thể tuần tới sẽ có lệnh làm việc tại nhà.”
Bà chị làm nail ở Santa Monica nhắn: “Tiệm đang tính tới việc đóng cửa một thời gian, vì hôm qua nay mỗi ngày chỉ có một khách.”
Chủ Nhật tới đám cưới thằng cháu. Khuya Thứ Tư rồi, Thống Đốc Gavin Newsom của California kêu gọi hủy hoặc hoãn các cuộc tụ tập có hơn 250 người tham dự, và lại yêu cầu những cuộc tụ tập có ít người tham dự hơn, cũng chỉ nên được tiến hành nếu người tổ chức có thể thực hiện được yêu cầu là người ta đứng cách nhau khoảng 6 feet (chừng 1.8 m). Eo ôi, bàn tiệc thường ngồi 10 người, giờ phải cách nhau vậy, bàn nào chứa đủ khách đây. Và… liệu khách mời đó đến không?
COVID-19 đã thực sự là đại dịch, theo mọi nghĩa, trong thế kỷ 21 này.
(Ngọc Lan)
Quan chức y tế ước tính hơn 100.000 người nhiễm virus tại Ohio, Mỹ
Một quan chức y tế hàng đầu bang Ohio ước tính hôm thứ 12/3 rằng hơn 100.000 người dân ở tiểu bang đã nhiễm virus, một con số cao đáng kinh ngạc khi khả năng xét nghiệm có hạn.