California cho bán thức ăn tại nhà, dân Little Saigon thêm ‘job’

Kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019, luật AB 626 có tên “Microenterprise Home Kitchen Operations” cho phép mọi người công khai bán đồ “homemade” tại nhà. Như vậy, người dân nấu thức ăn rồi bán ngay tại nhà mà không cần phải lén lút như trước nữa.

05:00 22/10/2018

Dĩ nhiên, những người ghi danh xin giấy phép phải tuân theo một số các quy định để bảo vệ sinh cho cộng đồng, như phải đồng ý cho nhân viên Sở Y Tế kiểm tra khi cần.

Cô Katie Nguyễn Kiều Dung, cố vấn đại diện Cơ Quan Phát Triển Tiểu Thương Orange County (OC-SBDC), trấn an: “Sở Y Tế sẽ kiểm soát trước khi chấp thuận nhưng chuyện này không ghê gớm gì cả.”

Cô giải thích, miễn là cửa nhà vệ sinh đừng nằm ngay nhà bếp là được rồi. Dĩ nhiên, nhà bếp phải có nước nóng nữa. “Đừng cho đây là chuyện đùa, có rất nhiều nhà hư nước nóng mà không chịu sửa,” cô cho biết. “Nói chung, miễn nhà bếp thuộc loại bình thường là sở y tế chấp nhận.”

“Cái gì thích hợp cho vệ sinh gia đình là thích hợp cho chuyện này,” cô tóm gọn.

Hiện tại, chính quyền chỉ cho phép các “đầu bếp tại gia” bán trực tiếp cho người tiêu thụ, không được qua trung gian, và chỉ bán dưới 60 phần ăn mỗi tuần. Nhưng đối với phần đông người gốc Việt, đây không là chuyện quan trọng.

Anh Peter Hùng Cao, ở Garden Grove, chuyên làm nghề “catering” cho tư gia cũng như các hãng xưởng, nhà thờ trong cộng đồng, rất vui mừng khi có thể công khai bán thức ăn tại nhà.

Hiện anh vẫn đến tận nơi để nấu những món “tuyệt chiêu” của anh như bánh xèo, thăn bò nướng, cà ri thỏ tại chỗ, tùy theo khách đặt.

Anh nói: “Rất nhiều người ăn ở ‘party’ do tôi nấu rồi muốn ăn thêm. Bởi vậy, luật này cho phép họ mua từng phần ăn thôi chứ không cần đợi ‘party’ lớn.”

Đối với anh Peter, bán ở nhà chừng dưới 10 phần ăn một ngày cũng được. “Bởi vì ý định của tôi không phải là bán lẻ. Khi nào bán nhiều hơn, mình tính cách khác,” anh dự trù. “Nhà tôi ở ngay trung tâm Little Saigon nên rất tiện.”

“Là đầu bếp, bếp nhà tôi sạch sẽ, chắc chắn hội đủ điều kiện Sở Y Tế. Tôi rất mong đến lúc có giấy phép để có thể bán thức ăn tại nhà,” anh thêm.

Thực ra, bán thức ăn lẻ tại nhà chỉ là để cung cấp cho một số thực khách “ghiền” quá sau khi ăn thử những món nhậu độc đáo của Peter Hùng Cao thôi. “Chứ việc chính của tôi là ‘catering’ và mộng của tôi vẫn là mở nhà hàng,” anh Peter tâm sự. “Kệ, tôi thích nấu ăn, nên càng nhiều người thưởng thức, càng tốt.”

Anh rất thích thu xếp để mời thực khách thân như bạn bè ra sau vườn cùng thưởng thức những món do anh nấu bên nhau. Là “dân nhậu,” anh sẵn sàng mời bạn bè vài chai bia.

Ngoài anh Peter, nhiều người khác cũng chờ đón luật này.

Anh Peter Hùng Cao, người làm món nhậu “tuyệt chiêu” vui mừng vì luật AB 626 ra đời. (Hình: Đằng-Giao/)

Cô Trịnh Xuân Thanh, ở Stanton, vẫn bán thạch cho người quen ở tiệm móng tay của người em gái.

“Nếu được bán ở nhà thì tiện quá, tôi khỏi phải đem tới, đem lui. Nhiều bữa tôi ‘design’ nhiều hình đẹp lắm mà dọc đường bị bể, uổng lắm,” cô reo to. “Tính tôi dễ hồi hộp. Làm cái gì ‘khuất lấp’ là tôi khó thở. Luật này hay quá. Tôi sẽ tìm hiểu thủ tục.”

Có người lại dè dặt với đạo luật mới mẻ này.

Bà Nguyễn Thị Báu, ở “gần Little Saigon,” do dự nói: “Hơn mười năm nay tôi cứ làm tương ớt tôm khô rồi ai kêu tới thì đem tới nhà cho họ. Nhưng phải mua ít nhất là hai hũ lớn, là $42 tôi mới giao ngay. Mua một hũ thì phải đợi khi nào tiện đường thì mới có. Tôi chưa hiểu chuyện luật lệ này nên phải đợi một thời gian nữa coi sao.”

Bà Liza Nguyễn, ở Santa Ana, nói: “Từ nhiều năm nay, hai cô cháu tôi chuyên kho cá, đủ loại cá tươi. Của người quen câu ngoài biển rồi bỏ mối. Cô cháu tôi cũng bán cho người quen thôi. Cháu tôi may quần áo ở ‘shop,’ tôi thì ăn trợ cấp, không biết có ảnh hưởng gì.”

Bà Liza chưa biết phải xin phép ở đâu khi bà cần xin phép cả. “Hiện giờ, chúng tôi chưa kho đã có người đặt. Xong thì hẹn người ta ở ‘shop may.’ Bởi vậy tôi nghĩ luật này giúp nhiều người khác, nhưng với cô cháu tôi thì không,” bà Liza trả lời vội vã rồi đi công việc.

Cô Kiều Dung cho biết thủ tục xin giấy phép để buôn bán hợp pháp khác nhau, tùy theo từng thành phố nên ai cần giúp đỡ hoàn toàn miễn phí, liên lạc Katie Kiều Dung ở Cơ Quan Phát Triển Tiểu Thương Orange County (OC-SBDC).

Ông Greg Bell, đại diện SBDC EATS, một chương trình của Cơ Quan Phát Triển Tiểu Thương, cho biết thủ thường bắt đầu ở quận hạt. “Cần xin một ‘Cottage permit,’ giấy phép kinh doanh giấy phép của Sở Y Tế,” ông cho hay.

Về việc có người cho rằng đây là điều nguy hiểm vì sẽ khiến có hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, dẫn đến việc phải vào bệnh viện hoặc ngay cả tử vong, ông Terry Tâm Trần ở Fountain Valley cười to: “Vô lý! Một năm có bao nhiêu người phải vô bệnh viện vì ngộ độc thức ăn ở nhà? Nấu thức ăn để bán thì cũng như nấu cho gia đình mình ăn thôi. Tôi nghĩ thức ăn ‘home-made’ vệ sinh và nhiều dinh dưỡng hơn là sản xuất hàng loạt trong nhà máy. Đồ ăn ở nhà hàng cũng vậy, chắc gì sạch hơn ở nhà.”

Chưa nói hết ý, ông tiếp: “Nhiều người suy nghĩ lạ lắm, cái gì cũng bài bác. Rõ ràng, luật này giúp giảm thiểu những người chuyên bán thực phẩm lậu mà họ cũng không vừa lòng. Làm lậu mới là nguy hiểm.”

Vợ ông chuẩn bị làm bánh quế và bánh hạnh nhân cho người tiểu đường để bán tại nhà.

Ông kết: “Đạo luật AB 626 nhằm giúp các bà nội trợ có thêm lợi nhuận và thử năng khiếu. Ai có ‘giang nấu ăn’ thì từ từ làm ăn lớn hơn. Hơn nữa, tiểu bang thu thêm chút thuế. Mọi người cùng có lợi.”

Tags:
Little Saigon: Được cứu sống nhờ đến khám tại Hội chợ Y tế

Little Saigon: Được cứu sống nhờ đến khám tại Hội chợ Y tế

Một bà cụ 76 tuổi, cư dân Garden Grove, tình cờ được người bạn rủ đi khám bệnh tại Hội Chợ Y tế Miễn Phí hôm 14 Tháng Mười vừa qua ở Rose Center, đã may mắn được cứu sống nhờ sự phát hiện và cấp cứu kịp thời của ekip bác sĩ và các tình nguyện tại hội chợ y tế do Hội Y Sĩ Việt Nam Miền Nam California tổ chức.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất