"Căn cứ địa" không suy suyển của Trump

Tỷ lệ ủng hộ Trump vẫn không suy giảm đáng kể trong một năm qua, bất chấp nước Mỹ liên tục chìm trong khủng hoảng.

21:30 04/09/2020

Ngày 27/8/2019, Tổng thống Donald Trump được 41,3% người Mỹ ủng hộ, trong khi 54,2% phản đối, theo kết quả thăm dò của FiveThirtyEight.

Trong 365 ngày sau đó, Trump trở thành tổng thống thứ ba của Mỹ bị xem xét bãi nhiệm. Nước Mỹ cũng quay cuồng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, đại dịch đã khiến gần 190.000 người chết, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,7% lên 10,2%. Quốc gia này còn chìm trong làn sóng biểu tình bạo lực phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

Đây chỉ là danh sách chưa đầy đủ về một năm đầy sóng gió trong lịch sử Mỹ, cũng như đầy khó khăn trong nhiệm kỳ của Trump. Song kết quả thăm dò ngày 27/8 của FiveThirtyEight cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Trump là 42,2%, tăng 0,9% so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ phản đối là 54,3%.

Điều này khiến nhiều chuyên gia tự hỏi liệu có phải tất cả biến động trên không đủ làm lung lay "căn cứ địa" của những người ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ.

"Nó rất đáng chú ý. Tỷ lệ ủng hộ ổn định của Trump gần như không thể tin được", Jennifer Victor, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Mason, bang Virginia, nói.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa ở  tối 27/8. Ảnh: NY Times.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa ở tối 27/8. Ảnh: NY Times.

Ezra Klein, biên tập viên của Vox, nhận định tỷ lệ ổn định này cũng là "độc nhất vô nhị". Theo dữ liệu mà Gallup thu thập, tỷ lệ ủng hộ của tổng thống Ronald Reagan có biến động rất lớn trong nhiệm kỳ của ông, từ mức 68% lúc cao nhất giảm xuống 35% lúc thấp nhất. Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) từng nhận được 81% ủng hộ, nhưng cũng từng chạm đáy ở mức 29%. Tỷ lệ ủng hộ của Bill Clinton cũng từng tụt từ 73% về 37%. George W. Bush (Bush con) đã từng đạt mức kỷ lục 90%, nhưng sau đó giảm xuống 25%. Mức độ dao động trong tỷ lệ ủng hộ của tổng thống Barack Obama thấp hơn một chút, khi ở giữa mức 67% và 40%.

Tuy nhiên, với Trump, tỷ lệ ủng hộ cao nhất của ông là 49% và thấp nhất 35%, dao động chưa tới 15 điểm phần trăm từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tới nay.

Khi Michael Tesler, nhà khoa học chính trị tại Đại học Irvine, cố gắng lý giải "tỷ lệ ủng hộ ổn định đáng kinh ngạc" của Trump, ông đã hỏi sinh viên của mình rằng liệu Trump có thể làm bất kỳ điều gì để khiến họ ủng hộ ông hay không. Câu trả lời ông nhận được là những cái lắc đầu.

"Nếu bạn nhìn vào nhiệm kỳ của Trump và nghĩ rằng ông ấy là người phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, bài ngoại hay năng lực kém như cách nghĩ của hầu hết người ủng hộ Hillary Clinton, ông ấy gần như không làm gì để thay đổi suy nghĩ của bạn", Tesler nói.

Nhưng điều ngược lại cũng đúng. "Nếu bạn thấy Trump là người bảo vệ nền văn minh phương Tây, như cách nói của Charlie Kirk tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa, hay người bảo vệ người Mỹ da trắng, bảo vệ các giá trị Mỹ từ phe cánh tả, hầu như không có lý do gì để bạn từ bỏ Trump", Tesler nói thêm.

Tesler cho biết đây cũng là lời giải thích cho tỷ lệ ủng hộ Trump cách đây 6 tháng. Nhà khoa học này thấy rằng Trump không phải là người giỏi thay đổi các chiến lược, thay đổi giọng điệu mới hay thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong khi các tổng thống Mỹ trước đây thường nỗ lực thay đổi hướng đi, theo đuổi các chính sách gây bất ngờ để "lấy lòng" những người từng phản đối họ, cũng như gửi thông điệp tới các nhà phê bình thầm lặng, Trump vẫn chỉ là Trump.

"Ông ấy luôn là chính mình và muốn cách bạn nhìn nhận về người đàn ông này cũng là cách bạn nhìn nhận về Tổng thống Mỹ", Tesler nói.

Ezra Klein cũng cảm thấy bất ngờ trước tỷ lệ ổn định của Trump, khi Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới và nền kinh tế "đóng băng" vì đại dịch. "Tôi từng dự đoán tỷ lệ ủng hộ Trump sẽ biến động rất lớn, dù không nghĩ rằng nó sẽ giảm xuống mức 20%", Klein cho biết.

Klein cho biết tỷ lệ ủng hộ của Trump dường như đi ngược lại lý thuyết cơ bản của nền dân chủ. "Nếu chia rẽ chính trị sâu sắc tới mức khiến gần 200.000 người chết vì dịch và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10,2%, cùng một tổng thống khuyến nghị tiêm thuốc khử trùng không thể khiến chúng ta lung lay, điều gì sẽ có thể đây?", Klein tự hỏi.

Tỷ lệ ủng hộ về cách xử lý Covid-19 của Trump gần như tương đồng với tỷ lệ ủng hộ chung của ông. Theo kết quả khảo sát ngày 27/8, gần 39% người Mỹ ủng hộ Trump về cách đối phó đại dịch, trong khi 58% phản đối. Điều này có thể cho thấy hầu hết người Mỹ ủng hộ Trump cũng đồng tình với cách xử lý đại dịch của ông.

Bản thân Klein cho rằng chiến lược chống dịch của chính phủ Mỹ là một thất bại, khi Washington tỏ ra "yếu thế" hơn nhiều quốc gia trong việc ngăn chặn đại dịch. Nhiều phân tích chỉ ra Mỹ có thể ngăn chặn 70% trường hợp tử vong vì Covid-19 nếu phản ứng theo cách của Australia, Hàn Quốc, Đức hay Singapore.

Tuy nhiên, ngoài chỉ trích về thất bại của chính quyền Trump về xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly, cũng như việc từng phản đối đeo khẩu trang, không ít người Mỹ ủng hộ lời kêu gọi mở cửa nền kinh tế của ông.

"Hàng triệu người Mỹ chắc chắn cảm nhận được nỗi đau về tinh thần cũng như áp lực kinh tế do phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác gây ra", Larry Bartels, nhà khoa học chính trị tại Đại học Vanderbilt, cho hay. " đã rất thành công trong việc đổ lỗi cho cố cản trở nỗ lực mở cửa trở lại của ông. Rõ ràng mở cửa trở lại tiềm ẩn nguy cơ nhiều ca nhiễm và tử vong hơn, nhưng đó mới chỉ là giả định".

Nhiều người thường mô tả Trump như một "chất chống dính", khi ông vẫn có thể đứng ngoài rất nhiều bê bối, thảm họa và những lời chỉ trích nhắm vào mình.

Tuy nhiên, nhà phân tích Klein không cho rằng tỷ lệ ủng hộ tương đối ổn định là thành công của Trump, đặc biệt khi so với nhiều lãnh đạo thế giới khác. Theo dữ liệu của Morning Consult, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tăng 5 điểm phần trăm kể từ tháng 1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tăng 9 điểm, Thủ tướng Đức Angela Merkel tăng 16 điểm và Thủ tướng Australia Scott Morrison tăng 25 điểm.

Giới chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại triển vọng tái đắc cử của Trump vào tháng 11, khi ứng viên Dân chủ Joe Biden vẫn giữ lợi thế trong nhiều cuộc khảo sát dư luận mới đây. Biden đã vượt lên dẫn trước Trump 4 điểm phần trăm tại bang Florida, từ mức cân bằng hồi tháng 4, theo FiveThirtyEight.

Song Klein và nhiều nhà phân tích khác phải thừa nhận một thực tế là 42% người Mỹ hiện ủng hộ Trump và tin rằng ông đang làm tốt công việc của một tổng thống. Dường như không có điều gì khiến họ lung lay quan điểm trong suốt một năm qua.

Link nguồn: https://vnexpress.net/can-cu-dia-khong-suy-suyen-cua-trump-4156343.html

Tags:
Chiến lược Trump 'tung hỏa mù' bằng thuyết âm mưu

Chiến lược Trump 'tung hỏa mù' bằng thuyết âm mưu

Tung ra thuyết âm mưu để công kích đối thủ hay chuyển hướng dư luận là chiến lược được Trump áp dụng thường xuyên khi cuộc bầu cử cận kề.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất