Căn nhà di động của cặp vợ chồng Việt ở Mỹ

Dù bé, ngôi nhà di động của vợ chồng Mây Phạm vẫn đầy đủ tiện nghi và thỏa mãn mong ước đi du lịch khắp nơi.

09:00 26/04/2020

Khác với mục tiêu nhà cao cửa rộng của nhiều người, căn nhà mơ ước của vợ chồng Mây Phạm ở California là một chiếc xe van. Ấp ủ ước mơ sống trong xe van được hai năm nhưng đến đầu năm nay, họ mới có thời gian hoàn thiện “căn nhà” mới của mình.

Mây cho biết lý do để vợ chồng cô làm chiếc van là em cún tên Chloe. “Mình vốn có hai em cún nhưng một em qua đời hai năm trước. Từ đó, mình thay đổi hoàn toàn về cách sống, cách suy nghĩ”, cô chia sẻ.

Đối với Mây, thú cưng cũng như những đứa con, “chẳng qua là nuôi con trai con gái tới lúc 18 tuổi thì tiễn tụi nó đi đại học xa nhà, còn các em bông tới tuổi 18 cũng là lúc không gặp lại được nữa”.

Muốn cùng cún cưng du lịch khắp mọi nơi mà Chloe đã lớn tuổi, khó đi máy bay nên vợ chồng Mây thống nhất làm xe van.

Muốn làm nhà trong xe van, điều đầu tiên là lựa chọn loại xe. Một trong những khó khăn lớn nhất của cuộc sống trên xe là sự an toàn nên hai vợ chồng Mây mua chiếc xe vận chuyển hàng hoá cũ hiệu Mercedez Dodge Sprinter vào đầu năm 2020 với giá 15.000 USD.

“Nếu chọn những loại camper van thông thường như RV hay aistream, đậu ở đâu người ta cũng biết là có người ở trong, gây chú ý và tò mò không cần thiết”, Mây giải thích. “Chiếc xe của tụi mình nhìn ở ngoài như một chiếc xe thông thường, chỉ cần gắn thêm bảng như ‘hazardous chemicals’ (hoá chất nguy hiểm) hay ‘plumping company’ (công ty bơm nước) thì sẽ tránh bị dòm ngó”.

Anh Duy, chồng Mây là người lên ý tưởng và thiết kế toàn bộ chiếc xe. Trong ba tháng, anh dành mỗi ngày 10 tiếng để làm xe, không thuê người ngoài. Chi phí mua nguyên vật liệu để làm nhà trong xe khoảng 25.000 USD.

Sau một tuần lo giấy tờ và đem xe đi kiểm tra máy, anh Duy bắt đầu công đoạn đầu tiên là tháo dỡ hết kệ có sẵn, gỡ tấm ván sàn cũ, lau chùi những chỗ gỉ sét, sơn lại xe. Bước tiếp theo là làm cách âm, cách nhiệt, đóng khung gỗ (cho thùng nước, phòng tắm, chậu rửa, bàn ăn), gắn cửa sổ. Anh cũng tự lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, đồ bếp, hệ thống quạt hút gió hai chiều, toilet và phòng tắm đứng, hệ thống nước thải nước xả.

Hệ thống nước sinh hoạt trên xe gồm thùng 30 gallons (114 lít), bình nước nóng 4 gallons (15 lít), máy lọc nước và máy bơm nước (11 lít mỗi phút). “Nếu rửa chén, đồ ăn thoải mái và mỗi người được tắm ba phút mỗi ngày thì khoảng ba ngày sau mới cần tiếp thêm nước. Việc bổ sung nước cũng rất dễ dàng mỗi khi tới trạm xăng, chợ, tiệm tiện lợi, siêu thị”, Mây nói.

Hệ thống nước thải dùng thùng 60 lít, nằm dưới gầm xe, chỉ cần ấn nút từ bên trong là xả xuống nơi phù hợp. Gia chủ không dùng hóa chất nên nước thải có thể dùng để tưới cây và xả ngoài thiên nhiên mà không gây ô nhiễm.

Đầu tháng 4, vợ chồng Mây chính thức dọn vào “nhà” mới. Căn phòng yêu thích nhất của gia chủ là phòng bếp vì cả hai đều mê nấu ăn.

Bếp được bố trí chỗ rửa chén đủ thoải mái, bồn rửa thoát nước nhanh, bàn bếp rộng rãi để sơ chế đồ ăn, các kệ nhỏ trên “tường” đựng những hũ gia vị hay xài không bị rung khi xe di chuyển.

Gia chủ cũng sắm quạt thông gió hai chiều, tủ lạnh 65 lít. Tủ bếp đủ chỗ chứa nồi cơm điện, nồi chiên không dầu, nồi áp suất và các loại bát đĩa, dụng cụ làm bếp cần thiết.

Ngoài bếp điện nấu trong nhà, vợ chồng Mây có cả bếp ga để nấu ngoài trời.

Đối với toilet, vợ chồng Mây lắp đặt bồn cầu khô hai ngăn, có tác dụng tách riêng nước tiểu, phân và không sử dụng nước xả thải.

Mỗi tuần, gia chủ chỉ cần thay gói chất thải dưới toilet một lần. Sau quá trình làm khô và phân hủy sinh học, chất thải trở thành phân hữu cơ, không hề mùi mà lại tốt cho đất.

Cách làm trên cũng giúp vợ chồng Mây tiết kiệm nước. “Bồn cầu sử dụng từ 6 đến 15 lít nước cho một lần xả. Như vậy, mỗi người sẽ tiêu tốn hàng chục nghìn lít nước hàng năm cho nhu cầu vệ sinh”, Mây giải thích.

Căn phòng tập trung sinh hoạt gia đình nhiều nhất là phòng ngủ kiêm phòng ăn, cũng là nơi làm việc và chơi đàn. Giường ngủ của vợ chồng Mây là ba miếng ván gấp lại, khi không ngủ thì miếng ở giữa được nâng lên thành bàn ăn, hai miếng kia thành ghế ngồi.

Đặc biệt, chiếc xe được thiết kế để có thể mang hết những nhạc cụ của hai vợ chồng gồm có piano, đàn cổ tranh, đàn nhị, guitar, ukelele. Ở dưới một bên ghế phòng ăn là đàn piano điện, khi nào chơi chỉ cần quay nhẹ cần xoay là đàn sẽ được đưa từ dưới lên.

Tự nhận bản thân là “một dạng tiểu thơ mè nheo”, Mây tiết lộ khi mới lên xe, cô chưa quen, “cũng cằn nhằn ông xã dữ lắm”. “Nhưng khi mở cửa xe, thấy Chloe chạy phóng ra ngoài rượt sóc thì mình mới thấy hy sinh một vài tiện nghi trong cuộc sống hiện đại để đổi lấy niềm vui cho Chloe là hoàn toàn xứng đáng”, Mây giãi bày.

Ngoài ra, đối với vợ chồng Mây, sống trên xe cũng là một cách tiết kiệm tiền, nhất là trong thời kỳ đại dịch. “Tụi mình không cần lo tiền thuê nhà hay thế chấp, đi du lịch cũng không cần lo tiền khách sạn và máy bay. Hàng tháng, chỉ cần lo tiền xăng và đi chợ”, Mây nói.

Do lệnh cách biệt cộng đồng ở Mỹ, sau gần một tháng ở xe van, vợ chồng Mây mới đi được những nơi gần xung quanh Los Angeles như Joshua Tree, Palm Springs, San Diego. Bên cạnh đó, gia chủ cũng muốn hoàn thiện thêm phần trang trí cho căn nhà của mình.

Chờ dịch bệnh qua, vợ chồng Mây sẽ lên hành trình cho cuộc sống du mục hằng ao ước. “Lúc đó, nếu vẫn là mùa hè thì tụi mình sẽ đi lên vùng Bắc Mỹ (Canada). Nếu đã tới mùa thu thì tụi mình muốn qua Maine để ngắm cảnh còn đến mùa đông, thời tiết lạnh tụi mình sẽ xuống Florida hoặc Nam Mỹ (điểm đầu tiên là Mexico)”, Mây tiết lộ.

Link nguồn: https://vnexpress.net/can-nha-di-dong-cua-cap-vo-chong-viet-4089185.html

Tags:
Cuộc sống của Tổng thống Trump những ngày 'cách ly' trong Nhà Trắng

Cuộc sống của Tổng thống Trump những ngày 'cách ly' trong Nhà Trắng

Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Donald Trump phải đối mặt kể từ khi cầm quyền. Đây cũng là thời điểm đe doạ hình ảnh và danh tiếng của ông hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất