Canada, Mỹ, Anh và Úc: Nên đi du học ở đâu?
Du học là lựa chọn mang tính quyết định cho tương lai. Vì vậy, nên đi du học ở đâu luôn là câu hỏi khó đối với nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những điểm đến du học hàng đầu thế giới hiện nay là Canada, Mỹ, Anh và Úc dựa trên các tiêu chí khác nhau. Hy vọng rằng, các bạn học sinh, sinh viên cũng như các vị phụ huynh sẽ tìm thấy lựa chọn phù hợp nhất.
23:22 24/06/2017
Chất lượng giáo dục
Xét về chất lượng giáo dục, 4 nước Mỹ, Anh, Canada và Úc đều có chất lượng giáo dục nằm trong top đầu thế giới. Theo công bố của Mạng lưới Giáo dục Quốc tế Universitas 21 (U21) vào tháng 5/2017, quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới hiện nay là Mỹ. Theo sau đó là Anh (đứng thứ 3) và Canada (đứng thứ 7). Còn Úc là quốc gia cuối cùng trong top 10 nước có nền giáo dục tốt nhất trong bảng xếp hạng.
Chất lượng giáo dục tại Canada, Mỹ, Anh, Úc đều thuộc top 10 thế giới
Bảng xếp hạng tổng thể trên là kết quả của 4 bảng xếp hạng riêng biệt đánh giá nền giáo dục của mỗi quốc gia dựa trên 4 yếu tố: nguồn kinh phí, chất lượng đầu ra, môi trường học tập va mạng lưới giáo dục.
Học phí và chi phí sinh hoạt trung bình
Đối với các bạn học sinh, du học là bài toán về lựa chọn ngành nghề, trường học, và đưa ra các quyết định mang tính quyết định về sự nghiệp. Ngược lại, đối với các bậc phụ huynh, vấn đề tiên quyết chính là bài toán về chi phí: Đâu là quốc gia du học tốt nhất cho con em mà vẫn nằm trong khả năng chi trả của cha mẹ?
Canada có mức tổng chi phí phải chăng nhất
Không phải chỉ riêng đối với 4 nước Canada, Mỹ, Anh và Úc, chi phí di học ở bất kì quốc gia nào đều phụ thuộc quan trọng vào việc bạn chọn ngành nghề, trường học cũng như thành phố nơi bạn ở. Không thể có một con số chính xác nhất về học phí và sinh hoạt phí dành cho mỗi quốc gia. Tuy vậy, học phí ở bậc cao đẳng – đại học cũng như chi phí sinh hoạt trung bình tại mỗi nước có thể được tổng kết như sau:
Nước |
Học phí/năm (USD) |
Chi phí sinh hoạt/năm (USD) |
Tổng chi phí/năm (USD) |
Mỹ |
25.000 – 40.000 |
8.000 – 15.000 |
33.000 – 55.000 |
Canada |
12.500 – 22.500 |
6000 – 7.500 |
18.500 – 30.000 |
Úc |
15.500 – 26.500 |
13.500 – 15.000 |
29.000 – 41.500 |
Anh |
12.000 – 19.000 |
16.000 |
28.000 – 35.000 |
Có thể nói, đất nước với chi phí phải chăng nhất cho các bậc phụ huynh cũng như các bạn học sinh trong thời điểm hiện tại chính là Canada (với mức chi phí cao nhất chỉ tương đương 700 triệu VNĐ/năm).
Cơ hội visa
Chính sách visa CES đem lại cơ hội visa dễ dàng nhất
Chọn xong ngành nghề, được chấp nhận vào trường đại học mong muốn, visa chính là cánh cửa cuối cùng cần phải vượt qua trước khi chính thức trở thành du học sinh. Vậy, chính sách visa đối với sinh viên quốc tế tại các nước có những khác nhau như thế nào?
- Đối với Mỹ: Thủ tục xin visa Mỹ vẫn nổi tiếng trong giới du học sinh với thủ tục chứng minh tài chính vô cùng phức tạp mà tỉ lệ thành công visa lại khó đoán. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, chủ trương visa tại Mỹ càng khó đoán định hơn. Tuy vậy, chính sách visa dành cho du học sinh có lẽ sẽ không bị thắt chặt, do nước Mỹ được hưởng nguồn lợi khá lớn từ việc kinh doanh giáo dục và thu hút chất xám từ các sinh viên nước ngoài.
- Đối với Anh: Trong thời gian gần đây, một trong những vấn đề nổi cộm nhất Châu Âu cũng như thế giới chính là sự kiện Brexit – Anh sẽ rút khỏi Liên minh Châu Âu EU. Việc này cũng rất dễ đẫn đến khả năng thủ tục visa dành cho du học sinh tại Anh sẽ bị thắt chặt hơn.
- Đối với Úc: Từ tháng 7/2016, chính phủ Úc đưa vào hệ thống xét duyệt visa mới SSVF (Simplified Student Visa Framework) thay thế cho chương trình SVP đã được triển khai từ năm 2012. Thay vì 8 phân loại visa khác nhau, giờ sẽ chỉ còn 2. Việc làm thủ tục hồ sơ visa nhờ đó đã trở nên nhanh gọn và bớt nặng nề hơn.
- Đối với Canada: So với 3 nước trên, chính sách visa CES tại Canada vượt trội hơn cả với ưu điểm: hồ sơ gọn nhẹ, không cần phải chứng minh tài chính phức tạp, giúp giảm thiểu thời gian xét visa cho các du học sinh tương lai.
Một lần nữa, Canada lại ghi điểm với chính sách visa tạo điều kiện cho du học sinh. Tuy vậy, nếu bạn đã nắm trong tay một bộ hồ sơ thật tốt, hãy cứ tự tin thử sức với bất kỳ nước nào.
Cơ hội làm thêm cho sinh viên quốc tế
Mỹ, Canada, Anh, Úc đều có chính sách làm thêm không quá 20 giờ/tuần
Bên cạnh chi phí học tập, cơ hội làm thêm cũng là một vấn đề rất được các bạn học sinh quan tâm. Về cơ bản, chính sách làm thêm của 4 nước Mỹ, Canada, Anh, Úc khá giống nhau, với cơ hội làm việc lên đến 20 giờ/tuần cho sinh viên toàn thời gian. Riêng với Mỹ, chính sách này chặt hơn một chút: Sinh viên theo visa du học không thể tìm việc bên ngoài mà chỉ có thể làm việc trong khuôn viên trường.
Về mức lương, Úc và Anh là 2 nước có mức lương làm thêm cao nhất cho sinh viên, tỉ lệ thuận với chi phí sinh hoạt khá cao tại đất nước này. Đối với Canada, tuy mức lương chỉ đứng thứ 3 trong 4 nước, với sinh hoạt phí vốn khá thấp, đây có lẽ là sự lựa chọn không tồi cho các bạn du học sinh.
Chính sách định cư
Chính sách định cư của mỗi nước cũng có khá nhiều khác biệt. Chính phủ Canada cho phép sinh viên có thể ở lại từ 1-3 năm để tìm việc sau tốt nghiệp, tương đương với thời gian của khóa học đã tham gia tại Canada. Tương tự, Úc cũng cho phép sinh viên được ở lại 2 năm để tìm việc sau tốt nghiệp. Đối với Mỹ, sinh viên có thể ở lại làm OPT (tập huấn không bắt buộc) từ 1-3 năm tùy chuyên ngành, nhưng ít có cơ hội định cư. Ngoài ra, chính sách định cư tại Anh gần đây cũng đã bị thắt chặt, nhất là sau sự kiện Brexit.
Mỗi nước với mỗi chính sách định cư khác nhau
Có thể nói, mỗi nước có một chính sách định cư với cơ hội khác nhau dành cho sinh viên. Nếu muốn gia tăng khả cơ hội việc làm cũng như định cư, các bạn học sinh và sinh viên nên có những kế hoạch nhất định để tăng năng lực, kinh nghiệm vì quốc gia nào cũng đánh giá rất cao các ứng viên có năng lực xuất sắc và có kinh nghiệm làm việc tại đất nước sở tại.
6 tù nhân Mỹ được giảm án nhờ cứu mạng cảnh sát
Một nhóm tù nhân tại bang Georgia, Mỹ được giảm 1/4 thời gian thụ án nhờ phối hợp cấp cứu khi sĩ quan giám sát bị bất tỉnh.