Canada trước “bài toán” người tị nạn từ Mỹ

Chính phủ Canada đang đối mặt với vấn đề dòng người tị nạn qua biên giới Mỹ vào nước này ngày càng gia tăng sau khi Washington mới đây công bố quyết định chấm dứt Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) dành cho người Haiti nhập cư Mỹ.

02:27 27/11/2017

“Giấc mơ Mỹ” của người Haiti bị phá vỡ

Quy chế bảo vệ tạm thời dành cho người di cư là chương trình cho phép gần 60.000 người Haiti đến sống và làm việc tại Mỹ, kể từ sau trận động đất hủy hoại quốc gia nghèo đói Caribe hồi năm 2010.

Mới đây, Mỹ đã công bố chính sách nhập cư mới, theo đó quyết định chấm dứt TPS dành cho người di cư Haiti trong 18 tháng tới. Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, các điều kiện ở Haiti đã được cải thiện đáng kể, nên TPS cho công dân Haiti sẽ được gia hạn lần cuối thêm 18 tháng, tức là đến tháng 7-2019, để cho người Haiti đủ thời gian chuẩn bị hồi hương. Sau đó, những người Haiti đang được hưởng TPS sẽ phải rời nước Mỹ hoặc đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng người Haiti và những người bảo vệ người nhập cư. Theo họ, tình hình tại Haiti chưa được cải thiện đủ để trục xuất người tị nạn và Mỹ vẫn chưa có chính sách nào đối với những trẻ em sinh ra tại xứ cờ hoa có bố mẹ hoặc người chăm sóc bị trục xuất về Haiti.

Một gia đình người Haiti đến biên giới Mỹ-Canada ở Champlain, New York (Mỹ) để vào Canada xin nhập cư. Ảnh: Reuters 

Động thái này của Washington đã phá tan “giấc mơ Mỹ” của nhiều người tị nạn Haiti, buộc họ tìm kiếm một điểm đến khác có chính sách nhập cư thoáng hơn, mà Canada được xem là lựa chọn hàng đầu.

Nguy cơ bất ổn về an ninh và xã hội

Số lượng người nhập cư trái phép tăng mạnh đẩy các cơ sở tiếp nhận người tị nạn tại Canada rơi vào tình trạng quá tải, buộc nhiều địa phương lập thêm trung tâm tạm trú. Thậm chí, tại tỉnh Quebec, sân vận động Montreal Olympic, bệnh viện và trường học cũng được tận dụng làm nơi ở cho người xin tị nạn. Các cơ quan biên giới của Canada đã phải điều động thêm nhiều nhân viên tới một số cửa khẩu chính trên đường biên giới với Mỹ để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp không ngừng gia tăng.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, người dân Canada có quan điểm trái chiều về việc tiếp nhận thêm người tị nạn và yêu cầu chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới với Mỹ. Theo đó, gần một nửa người dân Canada được hỏi muốn trục xuất những người vượt biên trái phép từ Mỹ và một tỷ lệ tương tự không đồng tình với cách Thủ tướng Justin Trudeau xử lý nạn nhập cư trái phép hiện nay. Mặc dù thực tế cho thấy, người nhập cư đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Canada nhưng nhiều người dân nước này lo ngại, dòng người nhập cư trái phép sẽ là lỗ hổng lớn để những kẻ khủng bố xâm nhập.

Sẵn sàng ứng phó

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Justin Trudeau mạnh mẽ khẳng định, Canada luôn chào đón “những người đang phải chạy trốn sự đàn áp, nạn khủng bố và chiến tranh”. Tuy nhiên, gần đây, nhà lãnh đạo Canada đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng người xin tị nạn vượt biên trái phép ồ ạt vào Canada và cam kết tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết vấn nạn này.

Nhóm Công tác liên chính phủ đặc biệt về Di cư không thường xuyên - cơ quan trực thuộc Chính phủ Canada vừa mới nhóm họp nhằm xây dựng một chiến lược để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh Canada đang là điểm đến của những người muốn rời khỏi Mỹ.

Ông Hursh Jaswal, người phát ngôn của Bộ trưởng Nhập cư Canada Ahmed Hussen khẳng định: "Canada là đất nước cởi mở và chào đón người xin tị nạn". Tuy nhiên, ông nêu rõ tiến trình này phải được thực hiện đúng trình tự và thông qua các kênh thích hợp. “Việc vượt biên bất hợp pháp vào Canada không phải là con đường để đến Canada", ông Hursh Jaswal nói.

Hai nghị sĩ cấp cao của Canada cũng đã tới bang Miami và New York của Mỹ gặp cộng đồng người Haiti và Mỹ Latinh để thông báo rõ về những quy định của Canada trong việc tiếp nhận người tị nạn. Dự kiến, nhiều cuộc gặp tương tự sẽ diễn ra tại bang TexasCalifornia trong thời gian sắp tới. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ An toàn Công cộng Canada Ralph Goodale nhấn mạnh, nước này đã lên kế hoạch cho mọi tình huống có thể xảy ra. Theo ông Ralph Goodale, Chính phủ Canada đang phối hợp với các tỉnh và thành phố trong vấn đề này để giải quyết theo hướng vừa bảo đảm tuân thủ mọi quy định của luật pháp Canada, vừa đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của Canada theo các công ước quốc tế./.

Tags:
Người tị nạn 11 nước đối mặt với lệnh hạn chế nhập cư mới của Mỹ

Người tị nạn 11 nước đối mặt với lệnh hạn chế nhập cư mới của Mỹ

Theo quy định mới, 11 nước đối mặt với lệnh hạn chế nhập cư mới của Mỹ chủ yếu là các quốc gia Hồi giáo và chiếm gần 50% tổng số người xin tị nạn vào Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất