Căng thẳng chờ đợi số phận của "Những kẻ mơ mộng"

“Những kẻ mơ mộng” bày tỏ lo lắng của họ trong khi chính phủ định đoạt số phận của 700,000 người nhập cư vào Mỹ trái phép khi còn là trẻ em.

13:00 01/02/2018

Reuters đã có cuộc trao đổi với nhóm năm người được bảo vệ bởi chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) dưới thời cựu Tổng thống Obama. Những người này có nickname là “Dreamers.” Một số thành viên của nhóm đang cố gắng xoay sở cuộc sống, học tập và công việc, khi thời gian Trump gia hạn cho Quốc hội tìm giải pháp thay thế sắp kết thúc.

Chân dung Javier Hermandeez Kistte trước nhà của anh tại Los Angeles.

Anh Javier Hernandez Kistte, 27 tuổi, rời Mexico City đến Mỹ cùng gia đình năm anh 8 tuổi. Nói về lập trường chống người nhập cư của Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, anh chia sẻ: “Khi Trump đắc cử, tôi đã nghĩ rằng chương trình sẽ bị huỷ bỏ.” 

Trump muốn thắt chặt hơn nữa việc hạn chế người nhập cư – điều mà theo ông là cần thiết để cải thiện an ninh quốc gia và bảo vệ công ăn việc làm của tầng lớp lao động Mỹ. Những người ủng hộ chương trình DACA cho rằng huỷ bỏ nó sẽ là cú giáng mạnh xuống với những người còn quá trẻ để hiểu được hậu quả của việc gia đình họ chuyển đến Mỹ, đồng thời loại bỏ những lao động có năng suất ra khỏi nền kinh tế Mỹ.

Tuần trước, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã soạn thảo một kế hoạch, vạch ra con đường trở thành công dân chính thức cho khoảng 2 triệu người nhập cư bất hợp pháp trẻ tuổi. Đề xuất này cũng kêu gọi một bức tường biên giới và việc hạn chế một số chương trình nhập cư hợp pháp – những biện pháp mà đảng Dân chủ phản đối.

Một bộ phận “Những kẻ mơ mộng” cho hay họ không lường trước được những điều họ phải đối mặt trên con đường đến với “Giấc mơ Mỹ”.

 “Hồi đó, bố mẹ bảo chúng tôi sẽ đến Disneyland. Nhưng sự thật không phải như vậy.” – Karla Estrada, 26 tuổi, cho biết.

Trải lòng về việc sinh sống và làm việc bất hợp pháp trên đất Mỹ, nhiều người trẻ tuổi kể lại cuộc sống khó khăn tại các khu ổ chuột và nỗi đau khi chứng kiến các thành viên trong gia đình rơi vào khủng hoảng hoặc sa vào tệ nạn.

Trong nhóm những người được phỏng vấn, Barbara Hernandez, 26 tuổi, sống tại Santa Ana, California, cho biết anh trai cô bị bắn chết trong một vụ ẩu đả. Cái chết của người anh đẩy gia đình cô vào một cuộc khủng hoảng tinh thần tồi tệ đến mức bố mẹ cô phải li dị.

Có hiệu lực từ năm 2012, DACA cho phép Hernandez được làm việc trong ngành giáo dục, nhưng cô đã bỏ việc sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ huỷ bỏ chương trình.

Brian Caballero, 25 tuổi, đang sống trong một chiếc xe cứu thương tại khu ký túc xá của Đại học California State Polytechnic – nơi anh theo đuổi tấm bằng kĩ sư điện.

Martha Valenzuela, 23 tuổi, đến Mỹ lần đầu từ năm 2 tuổi. Cô không có kì ức gì về quê hương Mexico của mình. Chương trình DACA giúp cô có được bằng lái xe và bỏ công việc với thù lao dưới mức lương tối thiểu để đảm đương vị trí điều phối quan hệ khách hàng trong một công ty quan hệ công chúng.

Martha Valenzuela rời văn phòng ở quận Cam, .

Nhận thấy nguy cơ chương trình DACA bị huỷ bỏ, song song với việc chuẩn bị cho chuyến trở về Mexico, Valenzuela đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội để viết tiếp giấc mơ cho “những kẻ mơ mộng.”

 “Mơ ước cần lòng can đảm và việc chiến đấu vì hoài bão đó cũng vậy.” – cô nói.

Nguồn: Reuters
Tags:
Các Lời Khuyên Hữu Ích Khởi Đầu Cho Quá Trình Nhập Cư Mỹ

Các Lời Khuyên Hữu Ích Khởi Đầu Cho Quá Trình Nhập Cư Mỹ

Luật nhập cư bao gồm nhiều tình huống liên quan đến người từ nước ngoài đến Hoa Kỳ, cho dù là đến thăm tạm thời hoặc với ý định định cư Mỹ (với tư cách là công dân hoặc là thường trú nhân hợp pháp).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất