Căng thẳng Mỹ - Trung có thể tăng nhiệt vì vụ bắt giám đốc Huawei

Việc bắt Mạnh Vãn Chu sẽ làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung nhưng có thể đáp ứng một số mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Trump.

00:30 07/12/2018

Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Huawei. Ảnh: Twitter.

Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Huawei. Ảnh: Twitter.

"Vụ bắt một thành viên gia đình của người sáng lập Huawei cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang nhanh chóng đến mức nào", TJ Pempel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California nhận định, đề cập đến vụ Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị từ Mỹ, New York Times đưa tin. Mạnh Vãn Chu là con gái của người sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi.

Mạnh Vãn Chu bị bắt hôm 1/12 ở Vancouver. Cùng ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ăn tối với nhau ở Buenos Aires, Argentina khi tới dự hội nghị thượng đỉnh G20. Sau cuộc gặp, hai bên thỏa thuận tạm dừng chiến tranh thương mại trong 90 ngày.

Hai nước lên kế hoạch đàm phán với hy vọng chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến thương mại do Trump phát động hồi tháng 6 vốn đã gây ảnh hưởng nặng nề đến cả hai nền kinh tế. Mục đích các cuộc đàm phán sẽ là Mỹ giảm thuế nhập khẩu cho Trung Quốc, đổi lại, Bắc Kinh phải hạn chế rào cản thương mại và tiếp tục mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, đàm phán bây giờ thậm chí phải đối mặt với thách thức lớn hơn. "Theo yêu cầu từ Mỹ, Canada đã bắt một công dân Trung Quốc không vi phạm bất cứ điều luật nào của cả Mỹ và Canada. Trung Quốc kịch liệt phản đối những hành động gây tổn hại nghiêm trọng tới quyền của nạn nhân như vậy", Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada ra tuyên bố khẳng định. Bắc Kinh cho biết đã kêu gọi trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức, đồng thời khẳng định đại sứ quán sẽ "áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc".

Bên cạnh đó, việc bắt Mạnh Vãn Chu cũng đặt ra câu hỏi về chiến lược Trung Quốc tổng thể của chính quyền Trump. Bắc Kinh bây giờ nhiều khả năng sẽ gây sức ép để Canada thả người và cũng gây sức ép để Mỹ không dẫn độ hay xét xử bà này. 

Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Sasse cho rằng bà Mạnh bị bắt giữ vì Huawei đã vi phạm các lệnh cấm của Mỹ đối với Iran. "Trung Quốc đang phá hoại lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta. Mỹ và các đồng minh sẽ không ngồi nhìn", ông nói. Năm nay, Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra khả năng Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran. Các công tố viên New York đảm nhiệm vụ điều tra này.

Huawei cho biết trong một tuyên bố rằng bà Mạnh bị bắt khi đang đổi chuyến bay ở Canada và phải đối mặt với những cáo buộc không rõ từ công tố viên New York. "Công ty được cung cấp rất ít thông tin liên quan đến cáo buộc và cũng không nắm được bà Mạnh đã có hành vi sai phạm gì", Huawei cho biết, nói thêm rằng công ty tuân thủ tất cả luật pháp ở những quốc gia có hoạt động kinh doanh.

Đại diện truyền thông của Bộ Tư pháp và Văn phòng Công tố Mỹ ở New York từ chối bình luận. Nhà Trắng cũng chưa phản hồi khi được hỏi Trump có biết vụ bắt bà Mạnh trong bữa tối với ông Tập hay không.

Julian Ku, một giáo sư luật tại Đại học Hofstra đăng trên Twitter rằng động thái này của Mỹ là chính đáng. " Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ sang một số quốc gia nhất định", ông cho biết. "Khi Huawei trả tiền để được cấp phép công nghệ Mỹ, họ đã cam kết sẽ không xuất khẩu sang một số nước như Iran. Vậy nên Mỹ không vô lý khi trừng phạt Huawei vì vi phạm luật pháp Mỹ".

Trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Vụ bắt bà Mạnh cũng đáp ứng một số mục tiêu chính sách đối ngoại chính của chính quyền Trump. Quan chức Mỹ luôn tìm cách thuyết phục các quốc gia khác hạn chế kinh doanh mạo hiểm với Huawei vì lo ngại an ninh. Nhà Trắng cũng chú trọng thắt chặt và thực thi các biện pháp kinh tế nhằm vào Iran, vài tháng sau khi Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran. 

Mỹ và Trung Quốc cũng đang trong cuộc chiến cạnh tranh ưu thế về công nghệ cao và gia tăng ảnh hưởng chính trị. Trong khi Mỹ từ lâu khẳng định ưu thế vượt trội trong ngành công nghệ cao, các công ty mạng, sản xuất bán dẫn và thiết bị viễn thông Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng với nhiều lợi ích từ đầu tư chính phủ.

Từ khi nhậm chức, Trump đã gắn kết an ninh quốc gia với các tiến bộ công nghệ và thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành công nghệ trong nước. Hồi tháng 3, ông đã chặn đứng thương vụ sáp nhập trị giá 117 tỷ USD giữa Công ty Broadcom của Singapore và Tập đoàn Qualcomm của Mỹ với lý do lo ngại an ninh. Trump cũng chỉ ra việc Qualcomm có thể cho phép Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, tạo ra bước nhảy vọt trong công nghệ 5G.

Một tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ cấm ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc với lý do vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Triều Tiên. ZTE cuối cùng chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD, thay thế các lãnh đạo cấp cao và cho phép Mỹ kiểm tra hoạt động kinh doanh.

Mạnh, người gia nhập Huawei năm 1993 và cũng là phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn, được một số hãng truyền thông Trung Quốc đánh giá là ứng cử viên hàng đầu để tiếp quản tập đoàn của cha. Bà Mạnh lấy họ của mẹ mình.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Canada Ian McLeod cho biết Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh nhưng không cung cấp chi tiết vụ bắt người do lệnh cấm công khai mà bà yêu cầu. Một phiên điều trần để xem bà có được tại ngoại dự kiến diễn ra vào ngày 7/12.

Huawei, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, đang bị giám sát chặt chẽ tại Mỹ do các quan chức an ninh nước này cáo buộc họ có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Các sản phẩm của Huawei gây lo ngại rằng có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Cộng đồng tình báo Mỹ từng nhiều lần tỏ ý đề phòng Huawei "là cánh tay nối dài" của Bắc Kinh do Nhậm Chính Phi là cựu sĩ quan quân đội. Mỹ cấm Huawei tham gia đấu thầu trong các dự án của nước này vào năm 2014, cũng như ngăn cản tập đoàn Trung Quốc xâm nhập thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng tại Mỹ. Tuy vậy, đại diện Huawei nhiều lần khẳng định họ không bao giờ cung cấp dữ liệu khách hàng nước ngoài cho tình báo Trung Quốc.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Trump nói đạt 'bước nhảy lớn' trong quan hệ Mỹ - Trung

Trump nói đạt 'bước nhảy lớn' trong quan hệ Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ ca ngợi kết quả cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc, tuyên bố hai bên có 90 ngày để đạt thỏa thuận thương mại mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất