Căng thẳng Mỹ - Trung: Thương mại và hơn thế nữa
Vào hai ngày 28/3 và 29/3, các nhà thương lượng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc lại gặp nhau ở Bắc Kinh, trong nỗ lực mới nhất để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể đưa ra một thỏa thuận thương mại.
01:00 02/04/2019
Từ đầu năm 2018, chính phủ hai nước đã kéo nhau vào một cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng. Một loạt các loại thuế xuất nhập khẩu đã được áp dụng lên hàng trăm tỉ đô-la hàng hóa đến từ cả hai quốc gia.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 4 tới. |
Thông tin gần đây cho biết có thể sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4 tới. Hi vọng lại tăng cao về một hiệp định thương mại giữa hai nền kinh tế.
Tuy nhiên, bất kể thỏa thuận này có đạt được hay không, dường như khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là quá lớn, và căng thẳng giữa hai siêu cường quốc này chưa thể nhìn thấy hồi kết trong tương lai gần.
Mỹ và Trung Quốc sở hữu hai thể chế chính trị và hệ thống kinh tế quá khác nhau. Và rất khó để hai nước này có thể có được một mối quan hệ hợp tác cân bằng thực sự.
Minh chứng lớn nhất cho khoảng cách này chính là những lùm xùm xung quanh tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei và chính phủ Mỹ.
Trong suốt 12 tháng qua, chính phủ của đã liên tục gây áp lực lên nhiều quốc gia trên thế giới, cảnh cáo họ không được sử dụng thiết bị của Huawei trong việc phát triển mạng lưới di động 5G. Lí do cho cảnh báo này là những rủi ro về an ninh mà tập đoàn của Trung Quốc này có thể mang tới.
Đấu tranh chống lại cáo buộc này, trong tháng này Huawei đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ vì sự phân biệt đối xử vô căn cứ.
Vụ kiện này là minh chứng cho một trong những lí do cuộc chiến thương mại nổ ra giữa hai nước: Sự khác biệt quá lớn giữa quyền lợi của các đơn vị kinh doanh đến từ Mỹ và Trung Quốc khi đi “chinh chiến” ở nước còn lại. Trong khi những tập đoàn như Huawei có tự do kinh doanh ở Mỹ và thậm chí là kiện chính phủ Mỹ để đấu tranh cho quyền lợi của mình, thì các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc lại gặp phải những rào cản lớn hơn nhiều từ chính phủ nước này. Trong một vài lĩnh vực như công nghệ, họ thậm chí còn bị bắt buộc phải liên doanh với các đơn vị trong nước để có quyền kinh doanh ở Trung Quốc.
Hơn nữa, các công ty Mỹ gần như không có quyền lực pháp chế nào trước các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Rất khó để các đơn kiện được đưa ra ở Trung Quốc và kể cả khi đơn kiện được đưa đến tòa án, các công ty nước ngoài luôn thua kiện.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một sự thiên vị mang tính chính trị.
Niềm tự hào công nghệ hay cơ quan tình báo trá hình?
Huawei |
Từ một công ty nhỏ bé được lập ra bởi một cựu chiến binh Trung Quốc vào năm 1988, Huawei đã trở thành một trong những tập toàn công nghệ lớn nhất thế giới, và là đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp các thiết bị cho mạng lưới 5G siêu tốc độ.
Ở Trung Quốc, Huawei là một niềm tự hào lớn, một biểu tượng cho thịnh vượng kinh tế và khẳng định vị trí ngang bằng, hay thậm chí là vượt xa hơn của Trung Quốc đối với các quốc gia phương Tây trong cuộc chiến phát triển công nghệ.
Nhưng với Mỹ, gã khổng lồ công nghệ này chẳng khác gì tai mắt trá hình của chính phủ Trung Quốc.
Tháng 8 vừa qua, nội các của ông Trump vừa đưa ra điều luật nghiêm cấm tất cả các cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ của Huawei, với lo ngại về mối quan hệ mật thiết giữa công ty này và chính phủ Trung Quốc. Việc sử dụng thiết bị của Huawei có thể tạo điều kiện cho việc mật thám thông tin từ chính phủ nước này.
Bước vào năm 2019, Huawei bắt đầu phản pháo. Công ty này cáo buộc chính phủ Mỹ đã phân biệt đối xử và xử ép họ vô căn cứ.
Huawei không phải là công ty công nghệ duy nhất bị “xử ép” ở Mỹ. Hôm 29/3, thông tin cho biết Ủy Ban kiểm soát Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) sẽ ép công ty Trung Quốc, Beijing Kunlun Tech, phải từ bỏ quyền sở hữu đối với ứng dụng hẹn hò phổ biển Grindr. Động thái hi hữu này xuất phát từ lo ngại thông tin cá nhân do ứng dụng này thu thập có thể được dùng để gây ảnh hưởng hoặc đe dọa các quan chức Mỹ.
Năm ngoái, CFIUS cũng đã ngăn chặn một cuộc sát nhập giữa dịch vụ chuyển tiền MoneyGram và công ty thanh toán nằm dưới gã khổng lồ Alibaba, Ant Financial.
Trung Quốc không kém cạnh
Ứng dụng hẹn hò Grindr |
Sự gây khó dễ này không chỉ đến từ phía Mỹ. Ở bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc đã có những biện pháp ngăn chặn các công ty nước ngoài thu thập dữ liệu về thông tin cá nhân của công dân nước này. Luật an ninh mạng mới yêu cầu tất cả dữ liệu phải được lưu trữ trong nước, nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Apple đã tuyên bố sẽ mở một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc và hợp tác với một công ty trong nước để vận hành trung tâm này và xử lý các yêu cầu dữ liệu từ chính phủ.
Ngay cả trước khi luật này có hiệu lực, chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực cho các tập đoàn công nghệ nước ngoài phải có máy chủ hoạt động tại Trung Quốc, nghĩa là dữ liệu sẽ phải được trình báo cho cơ quan chức năng Trung Quốc bất cứ lúc nào. Cả Amazon và Microsoft đều đã hợp tác với các công ty nội địa để cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước này.
Tương tự, chính phủ Trung Quốc cũng ra lệnh cấm các cơ quan nhà nước sử dụng sản phẩm và dịch vụ của hàng loạt các công ty công nghệ nước ngoài trong đó có Mỹ. Ví dụ, năm 2014, tất cả các máy tính của chính phủ Trung Quốc bị cấm sử dụng hệ điều hành Windows 8 mà không có bất cứ lí do nào được đưa ra.
Tuy nhiên, khi gặp phải những hành vi “xử ép” này, các công ty Mỹ lại không có khả năng đấu tranh như Huawei đang làm ở Mỹ. Các đơn vị nước ngoài đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc là điều chưa từng xảy ra. Các nỗ lực sẽ bị ngăn chặn từ trong trứng nước.
Không chỉ là thương mại
Vượt trên cả những lợi ích thương mại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn xuất phát từ các lo ngại về de dọa an ninh quốc gia, và cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tư tưởng trên thế giới. Các sản phẩm công nghệ từ các tập đoàn đa quốc gia chính là vũ khí lợi hại nhất cho cả hai thứ quyền lực cứng và mềm này.
Chúng có thể được dùng như một đầu mối thu thập thông tin mật thám để củng cố sức mạnh quân sự. Mặt khác, các thương hiệu công nghệ và giá trị nằm sau chúng cũng có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và hệ tư tưởng của người dân của các quốc gia trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc là một quốc gia đã và đang giữ vững thái độ bảo thủ đối với các luồng tư tưởng ngoại nhập, nhất là tư tưởng đến từ phương Tây.
Vì vậy, dù thỏa thuận thương mại sắp tới có đạt được hay không, có một sự thật sẽ không sớm có thể thay đổi: Mỹ và Trung Quốc đang không ở trên cùng một sân chơi. Sự khác biệt gốc rễ trong tư tưởng đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa hai cường quốc này sẽ còn tồn tại trong rất nhiều năm nữa, và trong khi đó, các đơn vị kinh doanh sẽ còn phải tiếp tục ngậm ngùi “đứng mũi chịu sào”.
Nguồn: VietNamNet
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tranh thủ cả ngày lẫn đêm
Cả phía Mỹ và Trung Quốc đều đang lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại phù hợp cho cả hai bên. Nỗ lực đàm phán diễn ra tích cực.