Canh bạc hôn nhân giữa cô dâu Việt và chồng Hàn
Hôn nhân qua môi giới giữa phụ nữ Việt và đàn ông Hàn Quốc được ví như canh bạc.
01:02 10/10/2017
Huynh Thi Thai Muoi có gương mặt trẻ hơn tuổi. Khi rời bỏ vùng quê Việt Nam tới Hàn Quốc để bắt đầu cuộc sống với một người đàn ông xa lạ, Muoi cảm thấy mình như đang đánh bạc, theo AFP.
Muoi 23 tuổi, bỏ học cấp ba giữa chừng. Cô không biết tiếng Hàn, chồng tuổi gần gấp đôi, Muoi cũng biết rất ít về Hàn Quốc, nhưng cô muốn tìm tình yêu và khởi đầu mới.
"Tôi muốn có cuộc sống mới, muốn thử thách bản thân xem liệu mình có vượt qua được không", Muoi nói. Gương mặt bầu bĩnh cùng vài nốt trứng cá trên gò má khiến Muoi trông trẻ hơn tuổi.
Cô được chị họ, một người cũng lấy chồng Hàn Quốc, giới thiệu với Kim Kyeong-Bok, một cử nhân 43 tuổi. Hai người kết hôn sau vài ngày gặp gỡ.
Muoi là một trong số 40.000 cô dâu Việt ở Hàn Quốc, điểm đến hàng đầu cho những phụ nữ muốn tìm tình yêu và một tấm vé đổi đời. Đa số họ không biết gì về đất nước này ngoài các ban nhạc K-pop hay phim truyền hình, nhưng lại quyết định lập gia đình với một người xa lạ.
Đối với Muoi, cuộc sống mới ở thành phố Gwangju và người chồng mới vượt qua những gì cô mong muốn.
"Anh ấy thực sự yêu thương tôi, hơn tôi mong đợi", cô nói.
Bất chấp rào cản ngôn ngữ, Kim dạy vợ cách đi chợ và nấu nướng, hy vọng cô làm quen và kết bạn với những cô dâu ngoại quốc ở cùng cộng đồng.
"Lần đầu gặp cô ấy, tôi đã tự nhủ 'đây là người phụ nữ sẽ thành vợ mình'. Tôi đã rất vui mừng", Kim giải thích, anh từng từ chối cô gái Việt Nam đầu tiên được giới thiệu.
Bẫy hôn nhân
Muoi là một trường hợp may mắn. Nhiều cô dâu Việt khác có cuộc sống không như những gì mình mơ ước, hàng nghìn người đã về nước sau khi ly dị và có cuộc hôn nhân bất hạnh.
"Họ không có đủ kiến thức về người chồng mới, cũng như việc di dân và sinh sống ở Hàn Quốc", Youn Sim Kim, giám đốc Trung tâm Hàn quốc về Chính sách Nhân quyền Liên Hợp Quốc (KOCUN) cho biết. Đây là một tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Cần Thơ, Việt Nam, quê hương của nhiều cô dâu Việt tại Hàn Quốc.
Cứ 5 đôi vợ chồng Việt - Hàn thì có một đôi nộp đơn ly dị năm 2015, theo số liệu mới nhất của Trung tâm Phân tích Hàn Quốc.
"Tôi cứ tưởng cuộc sống mới cũng giống như ở , nếu có khác chỉ là thói quen ăn uống", Le Thi The, một cô dâu Việt đã ly dị, hiện sống ở Cần Thơ cho biết.
The và hai con gái ở Việt Nam. Ảnh: AFP.
Sau thời gian tân hôn ngọt ngào lúc mới đến Hàn Quốc, cô phát hiện chồng không giống như người đàn ông mình tưởng tượng.
"Tôi bảo anh ta về nhà thì anh ta nổi khùng lên và ném tất cả đồ đạc ra khỏi nhà", The nhớ lại.
Đa số cô dâu Việt định cư tại vùng nông thôn Hàn Quốc, nơi ít hấp dẫn với những phụ nữ Hàn Quốc muốn phát triển sự nghiệp ở thành thị và không muốn kết hôn.
"Một số khu vực mất cân bằng giới tính vì nhiều phụ nữ xuất thân từ nông thôn Hàn Quốc đang di cư tới những đô thị trung tâm", Paul Priest, giám đốc Chương trình của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam lý giải.
Sự thiếu hụt phụ nữ bản địa được lấp đầy bằng những cuộc hôn nhân với phụ nữ ngoại quốc xuất thân từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam hoặc nông thôn Trung Quốc, chủ yếu do sự phát triển chóng mặt của Hàn Quốc trong nửa thế kỷ qua.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người một năm của Hàn Quốc hơn 27.000 USD, gấp Việt Nam khoảng 12 lần và cao hơn nhiều so với mức 8.000 USD của Trung Quốc.
Những cô dâu Việt về nước cũng gặp khó khăn vì việc ly dị không được công nhận là hợp pháp và con cái sinh ra tại Hàn Quốc không đủ điều kiện để được nhập học các trường địa phương.
Mất sạch
Nguyen Thi Kim Han là một bà mẹ hai con, kết hôn với chồng Hàn Quốc năm 2007 để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, chồng của Han lại là một người nghiện cờ bạc, từng hai lần tiêu sạch tiền của gia đình.
"Lúc đầu, anh ta tỏ ra là người lịch sự và tử tế. Chúng tôi khi đó không có nhiều tiền nhưng tôi không quan trọng", cô thổn thức khi nhớ lại. Ít lâu sau, Han phát hiện chồng chơi chứng khoán thua sạch tiền. "Trong nhà không còn một xu, tôi đã rất sốc", cô nói.
Sau lần thứ hai anh ta tiếp tục thua sạch tiền, Han đem hai con gái trở lại Việt Nam nhưng không thể cho con đi học. Cuối cùng, vấn đề được giải quyết nhờ sự giúp đỡ của KOCUN.
Thành lập năm 2011, trung tâm này hỗ trợ chuẩn bị cho cô dâu Việt về cuộc sống ở Hàn Quốc, dạy về khí hậu và văn hóa, ngôn ngữ và ẩm thực địa phương, đồng thời trợ giúp những người ly dị chồng về Việt Nam.
Cô dâu Việt học tiếng Hàn trong lớp của KOCUN. Ảnh: AFP.
Hầu hết các đôi vợ chồng gặp nhau thông qua công ty môi giới hôn nhân trái phép ở Việt Nam. Công an Việt Nam đang triệt phá các công ty này, còn chính phủ Hàn Quốc cũng thắt chặt quy định cấp visa, vì thế các cuộc hôn nhân ngoại quốc kiểu này đang bị từ chối.
Muoi rất lạc quan về mối quan hệ mới, nhưng thừa nhận cuộc sống ở Hàn Quốc rất cô đơn. Thỉnh thoảng, để đỡ buồn, cô tới văn phòng làm việc của chồng, yên lặng ngồi nhìn anh làm việc.
Kim mua cho vợ một cái điện thoại. Ngày nào Muoi cũng gọi về nhà nhưng cô vẫn không thể nguôi nỗi nhớ.
"Tôi nhớ người thân suốt, lúc nào cũng khóc", cô nói.
Cuộc tìm kiếm những cô dâu Việt bị bắt cóc sang Trung Quốc
Những người mẹ H'mong có con bị lừa bán sang Trung Quốc phải bán nhà cửa, lần theo mọi dấu vết để tìm con về, tờ Guardian đã làm một phóng sự về họ.