Cảnh báo tình trạng hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt sang Mỹ

Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa nước ngoài “đội lốt” là hàng Việt.

07:00 11/06/2019

Trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, kéo theo nhiều hệ lụy tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Bên cạnh mặt tích cực như xuất khẩu của Việt Nam đang chớp lấy cơ hội nhanh chóng tận dụng thời cơ chiếm thị phần, cũng đã có hiện tượng một số hàng hóa Trung Quốc thông qua thị trường Việt Nam để vào Hoa Kỳ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng khi liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, phải đảm bảo minh bạch, không nên lợi dụng cơ hội bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài để lách luật, xuất hàng sang Mỹ, bởi có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhắc đến khả năng khi khó đưa hàng trực tiếp vào Mỹ, có những quốc gia có thể chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển, từ đó xuất hàng sang Mỹ. Nếu không cẩn thận thì có thể Mỹ lại trừng phạt Việt Nam bởi mặc dù gắn nhãn “made in Vietnam” nhưng bản chất vẫn là hàng của nước khác.

Hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, theo ngành hải quan thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Vietnam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Theo bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng Giám sát quản lý C/O và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, thủ đoạn gian lận C/O thường thấy nhất là doanh nghiệp Việt Nam (gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu chỉ trải qua công đoạn gia công, chế biến hoặc lắp ráp đơn giản chưa đáp ứng quy tắc C/O nhưng vẫn khai C/O Việt Nam; hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận C/O của Việt Nam hoặc giấy chứng nhận xuất khẩu.

Đây không phải là giấy chứng nhận xuất xứ nhưng có thể là cơ sở để doanh nghiệp làm giả C/O. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. 

Thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Điển hình như trường hợp Cục Hải quan TP. Hải Phòng phát hiện Công ty TNHH XNK INTERWYSE đã nhập khẩu mặt hàng theo khai báo là “củ loa, sạc điện thoại mới, C/O Trung Quốc” có xuất trình C/O mẫu E nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm hàng hóa và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”. 

Bên cạnh đó, đã có trường hợp Hải quan Mỹ phát hiện, Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam. DN có hành vi làm giả C/O do Việt Nam cấp nhưng thực tế hàng hóa không được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa đã thực xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (làm giả C/O từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam).

Trong phần chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi về vấn đề hàng hóa không rõ nguồn gốc, sản xuất bên ngoài nhưng lấy nhãn hiệu Việt Nam đang gây bức xúc.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, hiện nay thương hiệu hàng hóa của Việt Nam ngày càng có chất lượng, được sự tin dùng của nước ngoài. Do đó, nhiều đối tượng sử dụng việc này để bán hàng hóa kém chất lượng. Vừa qua lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ việc mà các đối tượng kinh doanh hàng hóa dán sẵn tem ở nước ngoài rồi nhập lậu vào Việt Nam. 

Phó Thủ tướng cho rằng, tình trạng trên gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, và ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng, không những vậy, Việt Nam có thể còn bị các nước xem xét việc nhập khẩu hàng hóa, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Để ngăn chặn, cần tăng cường nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay cho hàng hóa không rõ nguồn gốc, chủ động tố giác các hành vi vi phạm.

Trước tình hình đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo quyết liệt các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa nước ngoài “đội lốt” là hàng Việt.

"Tổng cục Hải quan đang xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước" - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn thông tin. 

Tags:
Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu một số công nghệ sang Mỹ

Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu một số công nghệ sang Mỹ

Truyền thông Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đang xây dựng cơ chế bảo vệ công nghệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất