Cảnh sát Hong Kong kêu gọi người biểu tình 'đầu hàng'

Chỉ huy cảnh sát Tây Cửu Long kêu gọi người biểu tình trong Đại học Bách khoa Hong Kong đầu hàng và yêu cầu họ không sử dụng bạo lực.

19:11 18/11/2019

Phát biểu tại cuộc họp báo của cảnh sát hôm nay, Chỉ huy Cảnh sát khu vực Tây Cửu Long Cheuk Hau-yip nói rằng Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) ở khu vực Hung Hom thuộc khu đô thị Cửu Long đã bị đám đông chiếm đóng hơn một tuần.

"Họ tự do ra vào và việc tiếp tế vẫn diễn ra. Chúng tôi đã cho họ đủ thời gian trước khi hành động", ông nói, thêm rằng cảnh sát đã bắt 51 người mặc áo báo chí hoặc nhân viên sơ cứu sau khi nhận tin tình báo rằng người biểu tình sẽ cải trang thành phóng viên hoặc nhân viên sơ cứu.

Cảnh sát Hong Kong và người biểu tình đối đầu ở khu vực Yau Ma Tei và Jordan hôm nay. Ảnh: SCMP.

Cảnh sát Hong Kong và người biểu tình đối đầu ở khu vực Yau Ma Tei và Jordan hôm nay. Ảnh: SCMP.

Theo ông Cheuk, cảnh sát phát hiện ít nhất 12 trong số những người mặc áo nhân viên sơ cứu không có kiến thức sơ cứu và một số người nhận là phóng viên nhưng không có thẻ nhà báo. Ông kêu gọi người biểu tình đang ở trong khuôn viên trường nên "ra ngoài và đầu hàng" nhưng họ sẽ bị bắt vì tội bạo loạn, đồng thời yêu cầu họ không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực.

"Bất cứ ai vào khuôn viên Đại học Bách khoa đều tham gia vào một cuộc bạo loạn", Cheuk nói. Cảnh sát cũng nói rằng họ chỉ sử dụng hơi cay vì người biểu tình "đột nhiên cố rời khỏi khuôn viên trường" với bom xăng.

Cảnh sát trưởng Kwok Ka-chuen cho hay cảnh sát đang tìm cách chấm dứt tình trạng bế tắc ở PolyU một cách hòa bình. "Nếu những người cực đoan bỏ vũ khí, làm theo chỉ dẫn của cảnh sát và chịu trách nhiệm pháp lý, cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực", Kwok nói.

Cảnh sát cho biết đã bắn đạn thật hai lần trong hai ngày qua, đồng thời lên án hành vi bạo lực nhằm vào cảnh sát, nêu trường hợp một sĩ quan bị trúng mũi tên hôm 17/11. "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một hành động giết người. Mũi tên có thể đã giết chết sĩ quan của chúng tôi hoặc bất kỳ ai ở xung quanh", người phát ngôn cảnh sát cho hay, đồng thời lên án các cuộc tấn công này "như khủng bố" và người biểu tình "định giết" cảnh sát.

Kwok Ka-chuen, quan chức thuộc đơn vị quan hệ công chúng của cảnh sát, cho biết cảnh sát đã bắt tổng cộng 4.491 người kể từ khi biểu tình bùng phát đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, bao gồm 3.395 nam và 1.096 nữ, tuổi từ 11 đến 83. Họ chủ yếu bị bắt vì các tội danh liên quan đến bạo loạn, sở hữu vũ khí tấn công, đốt phá và tấn công cảnh sát.

Cuối tuần qua, 154 người đã bị bắt khi bạo lực leo thang vì bị cáo buộc tham gia tụ tập bất hợp pháp, bạo loạn và đốt phá.

Quan chức cảnh sát Hong Kong tại buổi họp báo hôm nay. Ảnh: CNN.

Quan chức cảnh sát Hong Kong tại buổi họp báo hôm nay. Ảnh: CNN.

Họp báo diễn ra giữa lúc cảnh sát và người biểu tình đối đầu tại PolyU hai ngày qua. Cảnh sát bao vây bên ngoài và phong tỏa các con đường xung quanh trường, trong khi nhiều người biểu tình tìm cách thoát ra ngoài song đều bị hơi cay của cảnh sát đẩy lùi. Cảnh sát đã triển khai một xe bọc thép và vòi rồng trên đường Chatham South, phía nam khuôn viên PolyU và bắn hơi cay vào người biểu tình trên đường.

Ken Woo Kwok-wang, chủ tịch hội sinh viên PolyU, cho biết có khoảng 600-700 người ở trong khuôn viên trường, trong đó khoảng một nửa là sinh viên PolyU. "Chúng tôi bị mắc kẹt và không đủ thức ăn. Số người bị thương đang gia tăng", ông nói.

Tiến sĩ Rodney Chu Wai-chi, thành viên hội đồng quản trị PolyU, nói rằng cảnh sát đang cố phong tỏa khuôn viên để buộc người biểu tình đầu hàng. Trường chỉ có thể sắp xếp các nhân viên Hội Chữ thập Đỏ hỗ trợ những người bên trong vào chiều nay. Ông cũng cho biết người biểu tình trong khuôn viên trường đã mất hết niềm tin khi nhìn thấy nhóm biểu tình đầu tiên bị bắt vì rời trường thông qua một lối thoát do cảnh sát chỉ dẫn vào tối 17/11.

Hong Kong lần đầu tiên chìm trong biểu tình và đụng độ bạo lực kéo dài liên tiếp một tuần kể từ tháng 6, dẫn tới một người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng. Trước đó, biểu tình chỉ diễn ra vào mỗi cuối tuần. Biểu tình ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ, cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi dự luật được chính quyền rút, người biểu tình vẫn xuống đường, đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.

Biểu tình gia tăng khi Hong Kong dự kiến tổ chức bầu cử cấp quận vào 24/11, chọn 400 thành viên cho 18 hội đồng quận. Đây được cho là "nhiệt kế" quan trọng đối với ý kiến công chúng trước các cuộc biểu tình hiện nay. Thành viên hội đồng quận thực tế không có nhiều quyền lực, nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến cách chọn Hội đồng Lập pháp và trưởng đặc khu trong tương lai.

Đại học Bách khoa Hong Kong (chấm đỏ) ở cuối phía nam bán đảo Cửu Long, bị người biểu tình biến thành căn cứ để chặn các con đường gần đó và Đường hầm Xuyên cảng, huyết mạch giao thông nối Cửu Long với đảo Hong Kong. Đồ họa: Google Earth.

Đại học Bách khoa Hong Kong (chấm đỏ) ở cuối phía nam bán đảo Cửu Long, bị người biểu tình biến thành căn cứ để chặn các con đường gần đó và Đường hầm Xuyên cảng, huyết mạch giao thông nối Cửu Long với đảo Hong Kong. Đồ họa: Google Earth.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Biểu tình leo thang, người Trung Quốc ở Hong Kong không dám nói tiếng đại lục vì sợ bị đánh

Biểu tình leo thang, người Trung Quốc ở Hong Kong không dám nói tiếng đại lục vì sợ bị đánh

Những người Trung Quốc đại lục sống ở Hong Kong ngày càng sợ hãi khi các cuộc biểu tình tại đây ngày càng trở nên bạo lực.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất