Cảnh sát không bị truy tố trong vụ bắn chết một di dân gốc Việt

Vào tháng 11 năm 2014, ông Du Na Phương, 51 tuổi, còn có tên là Tony Du, đã bị cảnh sát bắn chết tại góc đường Knight Street và East 41st Avenue.

14:30 11/02/2017

VANCOUVER – Vào tháng 11 năm 2014, ông Du Na Phương, 51 tuổi, còn có tên là Tony Du, đã bị cảnh sát bắn chết tại góc đường Knight Street và East 41st Avenue. Vụ bắn này là hậu quả của một cuộc đụng độ giữa ông Phương và các nhân viên công lực thuộc sở cảnh sát Vancouver, Gia Nã Đại.

Một nhân chứng từng thấy sự việc xảy ra hơn hai năm trước là anh Kieran Fogarty. Anh này nói với báo The Georgia Straight rằng ông Phương đã cầm một thanh cây (2x4 mà thợ mộc thường dùng trong việc xây cất) để đập vào một hàng rào trước một căn nhà.

Ông Phương, hay Tony Du, là người mắc bệnh tâm thần từ lâu. Cũng theo lời của nhân chứng, cảnh sát đã đến can thiệp, và chỉ trong vòng không tới hai phút sau họ bắn chết di dân gốc Việt này.

Sau cái chết của ông Phương, cảnh sát đưa ra một thông báo nói rằng các nhân viên công lực có dùng “túi bean-bag không nguy hiểm” mấy lần “trong nỗ lực tước vũ khí của ông ấy và bắt ông một cách an toàn, nhưng rồi ông ta bị bắn.”

Biểu tình tháng 11, 2015 tưởng niệm một năm sau ngày Tony Du Na Phương bị bắn chết tại Vancouver, Canada. (Samantha Truong)

Trong vòng một tháng sau đó, nhiều người trẻ Canada gốc Việt đã tổ chức những buổi tưởng niệm, biểu tình nằm phản đối sự việc cảnh sát dùng phương pháp quá nặng tay đối với ông Du Na Phương, một người được các người trẻ gốc Á Châu mô tả là “đang bị quẫn trí.”

Cũng nhân cái chết này, những cuộc biểu tình của cộng đồng gốc Á Châu đã nêu ra nhiều vấn đề cần được giải quyết trong cộng đồng, từ bạo động, bệnh tâm thần, thiếu đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân, cho đến sự kỳ thị chủng tộc và hành động tàn bạo của cảnh sát đối với dân.

Thế nhưng bất kể sự lên tiếng của cộng đồng, vào ngày thứ Năm vừa qua, 9 tháng 2, 2017, nhánh tư pháp hình sự thuộc Bộ Tư Pháp tiểu bang đã thông báo rằng công tố viện sẽ không khởi tố bất cứ cảnh sát viên nào từng có dính líu đến vụ bắn chết ông Du Na Phương.

Kèm với thông báo trên, nhánh hình sự đã nhắc lại những sự việc xảy ra trong ngày hôm đó, rằng khi cảnh sát đến nơi thì “nghi can đang cầm một thanh cây 2x4 chĩa vào hướng các cảnh sát viên với hình tướng đe dọa.”

Nghi can đã không tuân lệnh cảnh sát khi họ yêu cầu ông phải bỏ thanh cây xuống ngay lập tức. Ông ta đã “bắt đầu tiến tới phía họ.”

Một cảnh sát viên đã bắn túi bean-bag mấy lần nhưng ông không dừng lại, theo tường thuật của nhánh tư pháp hình sự. Thế rồi một cảnh sát viên khác đã bắn ba phát đạn vào ông Phương.

Cũng theo tường trình của cơ quan tư pháp: “Sự ước lượng khác nhau, với nghi can đến gần các cảnh sát viên trong vòng một thước hoặc trong hai thước” trước khi súng nổ.

Sau khi bị bắn, nghi can bị cảnh sát còng tay và chở vào bệnh viện cấp cứu, nơi ông tắt thở trong lúc được giải phẫu để lấy đạn ra ngoài.

Trong văn bản giải thích sự việc không truy tố các cảnh sát viên, nhánh tư pháp hình sự nói: “Trước khi dùng vũ lực có thể gây chết người một cách chính đáng, một cảnh sát viên phải tin tưởng một cách chủ quan rằng vũ lực này cần thiết để bảo vệ bản thân cảnh sát viên hay bất cứ ai đang cần được bảo vệ, để tránh cho người đó không bị giết chết hoặc bị thương, và sự tin tưởng chủ quan của cảnh sát viên phải được xem là hợp lý một cách khách quan.”

Cảnh sát viên từng nổ súng trong vụ này đã được giấu tên. Ông từng nói rằng nghi can đã có chủ ý muốn tấn công các cảnh sát viên, cầm thanh cây 2x4 đưa lên cao “tương tự như cầm một cây búa rìu để chặt cây.”

Nhánh tư pháp hình sự kết luận rằng nếu xử vụ này trước tòa, thì hành động dùng súng để bắn nghi can sẽ được xem là “hợp lý một cách khách quan.” Thế nên cơ quan này xem hành động của cảnh sát là chính đáng chiếu theo Luật Hình Sự về hành động tự vệ của cảnh sát.

Tags:
3 phụ nữ Việt vượt biên sang Úc 'thà chết chứ không về nước'

3 phụ nữ Việt vượt biên sang Úc "thà chết chứ không về nước"

Trước đó, năm 2015, 3 người phụ nữ này từng vượt biên sang Úc bằng đường biển nhưng bị bắt trở lại. Năm 2016, 2 trong 3 người bị phạt tù nhưng được hoãn chấp hành án do đang nuôi con nhỏ, người còn lại bị phạt hành chính.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất