Cảnh sát xịt hơi cay vào bé trai biểu tình gây phẫn nộ
Con trai 7 tuổi của Mando Avery đang tham gia biểu tình ôn hòa cùng bố ở trung tâm Seattle thì bị cảnh sát xịt hơi cay.
15:05 16/06/2020
Đứng giữa một nhóm người biểu tình tại trung tâm thành phố Seattle, bang Washington, chiều 30/5, Mando Avery cầm tay của con trai cùng các thành viên trong gia đình 3 thế hệ gốc Phi cầu nguyện. Họ đã lái xe gần một giờ từ thành phố Tacoma đến đây để tham gia chống phân biệt chủng tộc và kêu gọi cải cách cảnh sát.
Cách đó vài mét, Evan Hreha, 34 tuổi, một nhà tạo mẫu tóc, đến cuộc biểu tình một mình. 45 phút sau, Avery nhìn thấy một cảnh sát từ đâu bất ngờ xuất hiện và xịt hơi cay vào đám đông. Hơi cay trúng thẳng vào mặt con trai anh.
Khi cậu bé hoảng sợ, la hét, ôm lấy bố, Hreha đã quay lại khoảnh khắc này. Anh sau đó đối đầu với cảnh sát mà anh tin là đã xịt hơi cay vào cậu bé, tuyên bố sẽ đăng video lên mạng xã hội.
Video cho thấy người biểu tình phẫn nộ yêu cầu cảnh sát giải thích tại sao lại tấn công một đứa trẻ bằng chất kích thích hóa học và không giúp đỡ gì. Họ đã đổ sữa lên mặt cậu bé và đưa nước cho em. Họ động viên "sẽ ổn thôi", "hãy tránh ra cho cô bé một chút không gian", vì nhiều người lầm tưởng cậu bé là một bé gái.
Shenelle Williams, mẹ của bé trai, mô tả tiếng thét của con là "cảm giác đau xót nhất trong ruột gan".
"Tôi cảm thấy mình thất bại vì không bảo vệ được thằng bé, nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì vào thời điểm đó để ngăn chặn sự việc", cô nói.
Bé trai vẫn còn sợ hãi và đau đớn do vết bỏng trên má và hỏi bố mẹ mình đã làm gì mà bị như vậy.
"Tôi sẽ nói rằng các anh đang nhắm vào con trai của tôi", Avery đáp khi được hỏi sẽ nói gì với cảnh sát. "Tôi không biết có phải các anh đang cố gắng làm gương và gây sợ hãi cho thằng bé hay không. Các anh đã làm rất tốt".
Những gì khiến Avery đau đớn nhất đó là các sĩ quan và nhóm nhân viên y tế khẩn cấp đứng cách đó một tòa nhà không hề hỗ trợ họ.
"Không có cảnh sát nào, những người đã được trả lương để bảo vệ người dân, chọn đứng lên, phá vỡ rào cản và chạy lại giúp đứa trẻ này. Tôi không hiểu ai trong số họ có thể ngủ được".
Bạo lực của cảnh sát và những vụ bắt giữ người biểu tình hòa bình đã trở thành một trong những chủ đề của các cuộc biểu tình nổ ra sau cái chết của George Floyd hồi tháng 5. Người biểu tình bị xịt hơi cay, đánh đập, bắn đạn cao su. Hàng nghìn người cho hay họ bị thương, một số người bị nguy hiểm tính mạng, hàng nghìn người cũng bị bắt và nhiều người đối mặt với án tù.
Sau các cuộc biểu tình vào cuối tuần đầu tiên ở Seattle, văn phòng trách nhiệm cảnh sát thành phố (OPA) ghi nhận ít nhất 12.000 khiếu nại, phần lớn liên quan đến con trai của Avery. OPA cho biết đang điều tra sự việc. Tuần trước, giới chức Seattle đã tuyên bố sẽ cấm cảnh sát dùng hơi cay để đối phó với người biểu tình trong vòng 30 ngày.
Gia đình Avery cho hay họ cũng bị một số người dùng mạng chỉ trích vì đưa con nhỏ tới cuộc biểu tình. Tuy nhiên, khi đi vòng quanh các khu vực biểu tình để tìm chỗ đậu xe, họ phát hiện ra những gia đình khác cũng mang theo trẻ nhỏ và thú cưng. Điều đó khiến họ cảm thấy hoàn toàn an toàn.
Gia đình đang làm việc với một luật sư để làm rõ tình hình lúc đó và những gì cần phải thay đổi trước khi quyết định bước đi tiếp theo.
"Chúng tôi chỉ muốn đấu tranh cho lẽ phải. Cuối cùng thì các cậu bé cũng sẽ trở thành những người đàn ông và các cô bé sẽ trở thành những phụ nữ. Chúng cuối cùng sẽ phải đối mặt với những sự bất công về chủng tộc. Thế là đủ rồi. Mạng sống của người da màu cũng quan trọng", Avery nói.
Avery cho hay câu chuyện này của họ chỉ nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc biểu tình và cải cách cảnh sát. Con trai cũng đã nói với anh rằng "một ngày, chúng ta sẽ trở lại đó".
Trong khi video của Hreha thu hút hàng nghìn lượt xem, anh vẫn tiếp tục đi biểu tình. Tuy nhiên, một tuần sau đó, anh đang đi bộ về nhà sau khi dành cả buổi tối để giúp bạn phát xúc xích cho người biểu tình thì bị một nhóm cảnh sát vây quanh. Họ nói anh được xác định đã chiếu tia laser vào mắt của một sĩ quan. Họ còng tay và đưa anh đi.
Dù đã khẳng định không có laser và chỉ đi phát xúc xích, Hreha vẫn bị giam hai ngày và từ chối cho bảo lãnh. Luật sư Talitha Hazelton cho biết Hreha không đối mặt với cáo buộc nào và cũng không có tài liệu nào giải thích về vụ bắt giữ anh.
Hreha, một người da trắng, tin rằng đây là cách cảnh sát trả thù vì anh lan truyền video trên mạng. Anh bây giờ cảm thấy mình luôn bị nhắm mục tiêu và có thể hiểu được một phần nào cảm giác mà những người da màu đối diện hàng ngày.
"Sự việc đã phần nào thức tỉnh tôi, phá vỡ quan điểm sai lầm trong đầu tôi rằng cảnh sát luôn bảo vệ và phục vụ người dân", anh nói.
Link nguồn: https://vnexpress.net/canh-sat-xit-hoi-cay-vao-be-trai-bieu-tinh-gay-phan-no-4116226.html
Xuất hiện 4 dấu hiệu này ai cũng chủ quan nhưng cần thải độc gan sớm, đặc biệt trong ngày hè nắng nóng
Theo các chuyên gia, nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu sau đây rất có thể cảnh báo gan đang "bị bệnh", cần tham khảo để thải độc gan sớm.