Cậu bé 11 tuổi là CEO công ty tái chế rác thải lớn tại Mỹ
Ở độ tuổi 11, Ryan Hickman - cậu bé đến từ bang California (Mỹ) đã có đam mê lớn với việc tái chế rác thải, hy vọng cứu lấy môi trường và động vật hoang dã.
07:00 29/08/2021
Câu chuyện của Ryan bắt đầu một cách rất tình cờ. Năm 3 tuổi, Ryan theo cha đến trung tâm tái chế của thành phố để bỏ đi một số món đồ gia dụng cũ. Hai cha con sau đó đã được trả số tiền là 5 USD. Con số này tuy không lớn nhưng đã khiến Ryan vô cùng thích thú. Cậu đã nảy ra ý tưởng thu gom thêm nhiều phế liệu và rác thải để đổi lấy tiền mặt.
“Lúc đó, cháu chỉ nghĩ việc tích góp từng chút tiền nhỏ như vậy là rất vui. Dần dần, nhờ sự ủng hộ của mọi người xung quanh, quy mô của công việc này được mở rộng không ngừng”, Ryan vui vẻ chia sẻ.
Ryan nảy ra ý tưởng thu gom thêm nhiều phế liệu và rác thải từ năm 3 tuổi.
Ryan đã phân phát bao đựng cho các gia đình lân cận để họ có thể đựng chai lọ bỏ đi. Hàng tuần, cậu sẽ chất đầy lên chiếc xe của mình những túi đồ tái chế từ các khu phố, trường học, nhà bạn bè hay thậm chí là một vài cơ sở kinh doanh,…
Sau đó, Ryan sẽ phân loại chai nhựa, vỏ lon, đồ thủy tinh vào từng bao khác nhau. Tất cả sẽ được chở đến nhà máy tái chế rác thải địa phương vào cuối tuần.
“Ryan bắt đầu mọi thứ với mục đích rất đơn giản là kiếm thêm thu nhập. Nhưng khi lớn lên, Ryan hiểu ra ý nghĩa của công việc này. Con muốn việc làm của mình có thể góp phần cứu lấy môi trường tự nhiên”, cha của Ryan nói.
Theo công bố trên website chính thức Ryan's Recycling, tính đến nay, Ryan đã thu gom được gần 1,4 triệu lon, chai tái chế và tích lũy được hơn 200.000 USD.
“Doanh nhân nhí” sau đó còn mở một trang web bán áo phông và mũ in logo công ty mình là “Ryan’s Recycling”. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán áo được quyên góp cho quỹ Bảo vệ động vật biển Thái Bình Dương.
“Những khách hàng đầu tiên của cháu đến từ Ấn Độ và Nam Phi, sau đó có nhiều vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi chiếc áo được bán ra đồng nghĩa với việc có thêm 13,3 USD đóng góp vào quỹ cứu hộ và phục hồi động vật biển. Cháu thực sự thấy hạnh phúc với những gì mình đang làm”, Ryan chia sẻ.
Biết về câu chuyện của cậu bé, một số tổ chức đã liên hệ với Ryan, trong đó có Recycle Across America – một tổ chức kêu gọi việc tiêu chuẩn hóa tái chế rác thải trên toàn quốc. Mới đây, Ryan cũng đã trở thành người phát ngôn tình nguyện của tổ chức này.
“Khi mọi người thấy điều tốt đẹp mà một cậu bé nhỏ tuổi có thể làm được, họ cũng sẽ làm theo. Suy nghĩ đơn giản và sự tử tế của Ryan đã giúp cậu bé đi được trên con đường này. Chúng tôi tin, việc làm của Ryan có thể khiến mọi người thay đổi suy nghĩ và có hành động tích cực hơn để bảo vệ môi trường tự nhiên”, Andyrea Ruiz-Hays, Giám đốc của Recycle Across America nói.
Những nỗ lực của Ryan đã được ghi nhận bởi chính quyền và thị trưởng thành phố San Juan Capistrano. Câu chuyện của Ryan còn xuất hiện trên nhiều tờ báo và những chương trình talkshow nổi tiếng.
Năm 2017, cậu được mệnh danh là Kỳ quan trẻ của CNN, nhận giải “Công dân của năm” vào năm 2017.
Sau đó, Ryan tiếp tục lọt vào danh sách “15 đứa trẻ hàng đầu thay đổi thế giới” của MSN năm 2018, danh sách “40 đứa trẻ đã thay đổi thế giới” của Good Housekeeping năm 2019 và 2020, danh sách “những đứa trẻ của thập kỷ thay đổi thế giới” của Reader's Digest năm 2020. Cậu cũng từng được được giới thiệu trên tạp chí TIME dành cho trẻ em.
Thời Vũ (Theo Ryan's Recycling, NBC Los Angeles)
Phát biểu cuối của Phó Tổng thống Kamala Harris: Việt Nam có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ quay trở lại trong tương lai!
Khi nói về "chương tiếp theo" trong mối quan hệ Việt - Mỹ, bà Kamala Harris bày tỏ niềm tự hào khi Mỹ đã ký thoả thuận thuê đất xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trong 99 năm. "Hợp đồng thuê 99 năm này chính là bằng chứng cho cam kết lâu dài của Mỹ đối với mối quan hệ hợp tác với Việt Nam", Phó Tổng thống Mỹ nói.