Cha mẹ Việt ngộ nhận về chuyện cho con đi du học: Nước ngoài phải hơn “nước trong”, đảm bảo tương lai sau này chắc chắn thành công, lương cao
Du học không chỉ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ mà còn là của nhiều bậc phụ huynh. Thế nhưng liệu các bậc phụ huynh đã có được tư duy đúng đắn trong quá trình chuẩn bị cho con mình xuất ngoại?
22:30 15/08/2019
“Chuẩn bị về tiền là quan trọng nhất”
Thông thường, điều các bậc phụ huynh quan tâm nhất khi nghĩ đến việc cho các con đi du học là vấn đề tài chính.
Những câu hỏi thường được đặt ra là: Có đủ tiền đóng học phí và tiền ăn ở cho con không? Chứng minh tài chính như thế nào để được cấp visa du học? Trong thời gian đi học có được làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt không và làm sao để có việc làm thêm? Ở nước đó học phí và sinh hoạt phí cao hay thấp so với nước khác?
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của tài chính trong câu chuyện du học, song đây không phải là câu hỏi đầu tiên cần đặt ra.
Trong bài viết “Gửi các bố mẹ: Không có nước mắm, con vẫn đi du học được!”từ cuốn sách “Du học ký: Vạn dặm có chi?”, tác giả Hiền Nguyễn cho rằng điều phụ huynh cần quan tâm trước tiên là những thông tin về đất nước, tỉnh/bang/thành phố, về ngôi trường mà con mình đăng ký theo học.
Ở vùng đất đó môi trường học tập đối với sinh viên quốc tế như thế nào, họ dùng ngôn ngữ gì? Ngành học đó có phải là ngành tốt ở ngôi trường này không? Khi gặp khó khăn trong việc hoà nhập, con mình có thể nhận được hỗ trợ từ cộng đồng sinh viên người Việt tại đó như thế nào, và quan trọng nhất là liệu con mình có phù hợp với một môi trường như vậy hay không?
Tác giả Hiền Nguyễn chia sẻ chị từng nhìn thấy một câu hỏi từ một người mẹ trên một diễn đàn Du học Canada: “Các anh chị ơi, con em sắp đi du học ở Ottawa – Canada mà bây giờ em không biết ở đấy người ta nói tiếng gì, liệu con em có theo học được không?”.
Người mẹ đó quả thật vừa tội nghiệp đến đáng thương, vừa ngơ ngác đến buồn cười. Trong câu hỏi, người mẹ ấy nói rằng “con tôi sắp đi học” có nghĩa là giấy tờ đã xong? Tại sao chọn một nơi (hay nghe ai nói rồi gật đầu đại?) để nộp hồ sơ cho con đi du học, đến ngày sắp đi rồi còn không biết chỗ đó là chỗ nào? Người ta nói tiếng gì, một điều cơ bản như vậy mà không nắm rõ, và không biết làm sao để tự tìm được những thông tin ấy thì hẳn người mẹ này sẽ khó đưa ra lời khuyên cho con mình trong các vấn đề khác lớn hơn.
Có lẽ điều duy nhất người mẹ ấy có thể quan tâm là lo đủ tiền cho con đóng học phí và trang trải được sinh hoạt, ăn ở. Như thế thì chưa thể đủ.
“Con người ta đi được thì con mình cũng đi được”
Đây là một quan điểm sai lầm phổ biến khác của các ông bố bà mẹ có điều kiện, mong muốn đưa con ra nước ngoài sớm. Xu hướng cho con đi du học từ khi đang học cấp 3 hoặc sớm hơn ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng môi trường “Tây” rất thân thiện, an toàn, con lại sinh sống và học tập trong ký túc xá, nên sẽ chẳng thể nào gặp vấn đề gì trở ngại.
Thế nhưng các bố mẹ này quên mất rằng: Con mình khác với con người ta. Con người ta hoà nhập được không có nghĩa là con mình cũng hoà nhập được.
Điều tốt hơn hết phụ huynh nên làm đó là: Đừng bằng được cho con đi du học khi con chưa thật sự sẵn sàng. Đừng mắng mỏ con rằng con quá yếu đuối, con người ta đi hết có sao đâu? Hãy động viên con, cho con thêm động lực, và khuyến khích con cố gắng bởi sống xa nhà một mình không thể tránh khỏi những phút giây buồn bã, đơn độc.
Cha mẹ cũng cần đo lường được độ sẵn sàng của con mình để đưa ra quyết định chính xác. Liệu cha mẹ có biết rõ con là người thế nào – mạnh mẽ hay yếu đuối? Hay con mạnh mẽ bên ngoài nhưng thật sự lại mong manh? Ở lớp con có nhiều bạn không? Con có phải người độc lập không hay tất cả mọi thứ là mẹ, là bố?
Nếu không trả lời được những câu hỏi này, và chưa hiểu con mình đủ sâu thì tốt hơn hết là cha mẹ đừng bắt ép con mình đi theo lựa chọn của “con người ta”.
“Nước ngoài phải hơn “nước trong”. Du học thì tương lai sau này chắc chắn thành công, lương cao”
Thực tế đã cho thấy có không ít du học sinh trở về nước với tâm trạng khủng hoảng vì áp lực đó từ chính các bậc phụ huynh. Gần đây cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều một trường hợp của anh chàng tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh về, biết 2 ngoại ngữ nhưng mãi vẫn chưa có việc làm, stress đến mức trầm cảm.
Thực tế trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, khoảng cách về kiến thức hay kỹ năng giữa các du học sinh với các bạn học trong nước đã không còn quá khác biệt như trước đây. Ngược lại, du học sinh khi về nước hiện nay thậm chí còn phải trải qua quá trình “tái hoà nhập” với môi trường và phong cách làm việc tại Việt Nam. Tấm bằng nước ngoài trong nhiều trường hợp chỉ giúp cho các em nổi bật hơn trong vòng CV khi đi xin việc, chưa chắc đã giúp các em có được nhiều lợi thế hơn các bạn học trong nước.
Cha mẹ nên hiểu rằng du học ngày càng trở nên bão hoà, đồng nghĩa với những cơ hội việc làm hấp dẫn, lương cao… không còn là đặc quyền của du học sinh nữa. Điều mà cha mẹ nên định hướng cho con cái mình thu nạp ở nước ngoài không thuần tuý là kiến thức học thuật, mà còn là kỹ năng giải quyết vấn đề, thái độ chuyên nghiệp, cầu thị… – những điều mà các quốc gia phát triển đã có nhiều kinh nghiệm hơn.
Đi du học được đã không dễ dàng, du học để thật sự có một nền tảng vững về mọi mặt lại càng không dễ. Quá trình này cần rất nhiều nỗ lực, không chỉ của các bạn trẻ mà còn của cả các bậc cha mẹ.
Tuyên bố hoãn áp thuế, Trump có thể lộ thế yếu trước Trung Quốc
Việc thông báo hoãn áp thuế với một số mặt hàng Trung Quốc dường như là dấu hiệu cho thấy Trump bắt đầu “thấm” những thương tổn từ đòn thương mại.