Chàng du học sinh tài năng với tấm lòng vàng trên đất Mỹ
“Triết lý của gia đình chúng tôi là chúng tôi chia sẻ những gì chúng tôi có. Nếu chúng tôi kiếm được $10, chúng tôi chia sẻ $5, sử dụng $3 cho đầu tư và cuối cùng giữ $2 để tiết kiệm.” – Phạm Nguyễn Đăng Trình
08:59 08/04/2017
Phạm Nguyễn Đăng Trình (Sky Pham) đang là du học sinh ngành Kinh Tế và Tài Chính tại trường đại học State University, Fullerton, bang Califorina, Mỹ. Ở tuổi 23, Trình đã tốt nghiệp Học Viện Lãnh Đạo Tòa Thượng Thẩm, bang Califorina năm 2015. Đăng Trình được biết đến trên nhiều phương tiện truyền thông như VTV4 (chương trình Ngày Trở Về) qua cuộc vận động cùng với phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Mỹ vào năm 2014. Trình đã kiên quyết đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại hội nghị. Hơn nữa, hành trình và niềm đam mê của Đăng Trình đã được chia sẻ trên những bài báo của tạp chí Daily Titan và Orange County Register, cũng như diễn đàn sinh viên của Đại học Cal State Fullerton. Ngoài ra, Trình còn được biết tới như một người Việt trẻ tuổi không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn là linh hồn của nhiều tổ chức, phong trào thiện nguyện góp phần phát triển cộng đồng xã hội ở nhiều quốc gia. Trình cũng có đóng góp trực tiếp và lớn lao trong các cương vị điều hành như: Chủ tịch quỹ Phi Beta Delta (Honor Society for International Scholars) cho các học giả quốc tế; Chủ tịch nhóm sinh viên CSUF Students Recycle; Chủ tịch quỹ Tài chính của tổ chức Liên Hợp Quốc tại Quận Cam (United Nations Association-USA Orange County); là thành viên trong Hội đồng quản trị Trung tâm Lãnh Đạo CSUF (Leadership Center); Thành viên của Hiệp hội quốc gia của Collegiate Scholars (NSCS); Thành viên Phòng Thương mại Việt-Mỹ từ năm 2014 đến thời điểm hiện tại; thành viên nhóm dự án do công ty Boeing tổ chức tại CSUF.
Đăng Trình tại lễ tốt nghiệp Học Viện Lãnh Đạo Tòa Thượng Thẩm, bang Califorina năm 2015
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở TP. Hồ Chí Minh, mẹ của Đăng Trình từng là một nông dân bán rau muống, và cha Trình bấy giờ là một người lao động phổ thông đạp xe ba gác. Gia đình đã bắt đầu sự nghiệp với đôi bàn tay trắng. Với cuộc sống vất vả mưu sinh của cha mẹ, cũng như việc tận mắt chứng kiến những cuộc sống cơ cực, vất vả xung quanh, cùng với tấm lòng vị tha và rộng lượng của cha mẹ đã sớm dạy Trình những bài học về đức tính chia sẻ và bao dung cho đến ngày nay.
Gặp Đăng Trình vào một ngày nắng ở California, là nơi Trình đang học tập và phát huy mạnh những công tác thiện nguyện để phát triển cộng đồng của mình, chúng ta cùng nghe một vài chia sẻ của người Việt trẻ thú vị này:
Cùng bạn gái Gia Bảo – trợ thủ đắc lực của Đăng Trình trong các hoạt động thiện nguyện tại Nam Cali
– Chào Trình, là gương mặt rất quen thuộc trên nhiều diễn đàn tình nguyện hiến máu nhân đạo cho cộng đồng trên nhiều quốc gia. Trình có thể cho biết đến thời điểm hiện nay, bạn đã hiến máu cho cộng đồng được bao nhiêu lần rồi?
– (Bối rối). Mình cũng không nhớ được chính xác lắm vì cũng hiến máu và huyết cầu (Platelet) khá nhiều lần rồi. Hằng năm về thăm gia đình ở Việt Nam, mình luôn dành thời gian để đi hiến máu, có thể khoảng 3-4 lần. Khi đi du học, mình đi hiến máu thường xuyên hơn và theo thống kê của Hội Chữ Thập Đỏ tại Hoa Kỳ (American Red Cross) tính đến lần gần đây nhất là 29 lần rồi và thêm 15 lần tại Trung tâm Hiến Máu Nhân Đạo tại thành phố Wellington, New Zealand (nơi Trình đã học phổ thông trung học 3 năm tại Wellington College).
– Quả là một con số thống kê ấn tượng, Trình có thể chia sẻ thêm: Để có thể tham gia những hoạt động thiện nguyện để phát triển cộng đồng khắp nơi như vậy, Trình có nguồn động lực nào để hối thúc mình hoạt động tích cực như vậy không?
– Động lực lớn nhất với Trình để hoàn thành được tất cả công việc đó là nhờ quan niệm được sống bằng niềm đam mê và tri ân (tri ân đất nước, cha mẹ và những người đã giúp mình). Mỗi người đều có động lực riêng, với mình công tác xã hội và thiện nguyện là điều mình luôn thôi thúc và để sống tốt hơn.
– Hiện còn đi học và kiêm nhiệm nhiều công tác xã hội như vậy, Trình có thể chia sẻ bí quyết để sắp xếp việc học tập, thiện nguyện xã hội và giải trí thế nào?
– Bài học lớn nhất mình học được trong quá trình làm việc tại Mỹ là phương pháp cân bằng thời gian trong cuộc sống và sống với niềm đam mê chia sẻ và làm từ thiện. Mỗi ngày mọi người đều có 24h, và mình quản lý quỹ thời gian của mình bằng việc: Luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể cho bản thân, lên danh sách cụ thể những việc mình cần làm trong ngày, lập thời gian biểu cụ thể và ưu tiên những công việc cần thiết trước.
– Cũng nằm trong nhóm những người Việt trẻ của thế hệ lưu học sinh 9x Việt, với nhiều công tác kiêm nhiệm như vậy, Trình có thời gian rảnh nào cho những hoạt động hoạt động giải trí cuối tuần không?
– Đối với mình, thiện nguyện vừa là công việc nhưng cũng là niềm vui khi được cho đi, được cống hiến cho những cuộc đời khó khăn và bất hạnh ở ngoài xã hội. Do vậy, vào những ngày cuối tuần mình vẫn tham gia vào các hoạt động thiện nguyện như: Nấu ăn tại nhà bếp tình thương (Someone Cares Soup Kitchen) cho người vô gia cư tại Quận Cam như những công việc mang lại cho mình niềm vui và sự thư giãn sau những giờ lên lớp. Mình luôn tin rằng nếu có thể đem niềm vui đến cho người khác, họ vui một, còn mình hạnh phúc đến mười lần.
Đăng Trình và các bạn trong ban điều hành hoạt động thiện nguyện do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại California tổ chức tại Orange County, California đầu năm 2015
“Tôi đã hứa với bản thân mình ở khắp mọi nơi tôi đi, tôi sẽ mãi luôn đóng góp cho đất nước”– Đăng Trình nói!
Bên cạnh công việc học tập và phát triển chuyên môn, trong vị trí và vai trò của mình, ở tuổi 23, tại Hoa Kỳ, Đăng Trình đã tổ chức được nhiều công việc thiện nguyện cộng đồng như: Hỗ trợ cho những gia đình có thu nhập thấp khai thuế hằng năm tại Quận Cam, California (Volunteer Income Tax Assistance); Cùng với tổ chức phi lợi nhuận Stop Hunger Now để tổ chức khuyên góp và đóng gói 10.000 phần ăn dinh dưỡng cho những trẻ em nghèo mồ côi tại Việt Nam; Tình nguyện tham gia công tác bảo tồn công viên cây xanh tại OC Parks, Tustin; trực tiếp điều hành Hội từ thiện “Bàn Tay Nhân Ái“ nhằm hỗ trợ cho những số phận không may mắn, cần sự chia sẻ ở Việt Nam.
3 Cách Để Du Học Sinh Tìm Một Mentor (Cố Vấn) Ở Đại Học
Những sự truyền đạt kinh nghiệm từ các anh chị đi trước là một cách thức tuyệt vời để sinh viên quốc tế xoa dịu những bỡ ngỡ khi vừa đặt chân đến Mỹ.