Chàng kỹ sư Canada ăn rừng, ở rẫy chinh phục cô gái Việt nghèo
Trúng sét ái tình với cô gái bán đồ lưu niệm bên đường Sài Gòn, chàng kỹ sư Canada không quản về ngôi làng hẻo lánh nơi rừng rú để chinh phục cô.
21:16 06/05/2017
Anh, một chàng kỹ sư mỏ Canada gốc Việt, một năm làm việc 160 ngày, lương cao, cuộc sống đủ đầy, ở đất nước được coi là thiên đường đáng sống.
Cô, nhan sắc kém, đông anh em, nhà ở trong rừng rú, làm việc từ sáng sớm đến tối muộn vẫn cứ phải lo miếng ăn.
Cô bé Lọ Lem ở Đăk Lăk chẳng dám hi vọng nên duyên với chàng hoàng tử cách nửa vòng trái đất. Nhưng tình cảm chân thành của anh đã thay đổi trái tim, cũng như cuộc sống của cô. Chuyện tình của chàng trai Guy Phạm (30 tuổi) và Kim Hường (24 tuổi) còn có hậu hơn cả truyện cổ tích.
Trước đây Hường thường tự ti về ngoại hình khi đi cạnh bạn trai. |
Tuổi thơ của Hường vô cùng cơ cực, khi bố ra đi sớm, để lại gánh nặng 7 đứa con cho mẹ. Đàn con nheo nhóc trông vào những vụ điều, những gánh ve chai của mẹ. Dù thiếu miếng ăn nhưng cuộc sống của chị em Hường vẫn ngập tiếng cười. Chị lớn bảo ban em nhỏ phấn đấu học hành để thoát khỏi kiếp làm nương rẫy.
Học hết lớp 12, Hường cũng cố vào một trường cao đẳng nghề ở Sài Gòn. Nói là đi học, nhưng Hường đi làm là chính. Năm đầu cô đi bán sách rong đến khuya mới về. Sau này vì đẩy xe sách ngược chiều và quá mệt nên Hường dẹp tiệm và xin được bán đồ lưu niệm ở bến tàu cánh ngầm quận 1.
"Hồi ấy tôi ghen tỵ với mấy cô bạn cùng phòng lắm. Trong khi các bạn vẫn ngủ thì tôi phải dậy từ 4h sáng đi bán hàng đến chiều mới về. Buổi tối lên lớp quá mệt tôi lại lăn ra ngủ", Hường nhớ lại.
Một ngày cuối tháng 9/2013, Hường gặp Guy Phạm, chàng Việt kiều 26 tuổi. Như mọi ngày, Hường đang bán hàng ở bến tàu cánh ngầm thì Guy đi qua. Thấy cô gái trẻ bán những đồ lưu niệm xinh xinh, anh dừng lại, mua về làm quà. Tò mò nhiều thứ, anh hỏi chuyện và được cô nhiệt tình giải thích.
"Lần đầu mình thấy anh ấy ngố lắm, cái gì cũng không biết, phải giải thích đủ kiểu, rất mệt. Nhưng sau này mình mới biết bởi vì anh ấy kém tiếng Việt mới thắc mắc nhiều vậy. Lạ là anh ấy cứ bám lấy mình suốt buổi sáng, đến chiều thì rủ mình đi uống cà phê", Hường kể.
Thời đó Hường đen, gò má cao, hô răng khiến cô thiếu tự tin. Thế mà sau bữa hẹn đầu, Guy tiếp tục mời Hường đi chơi bữa thứ hai. "Anh ấy nhìn thấy mình thì nói 'Em có bỏ phân (đánh phấn) và mặc môi (tô son) không mà nhìn em hôm nay tim anh nó chạy (tim đập nhanh)'". Người ta nói thật lòng mà sao em thấy thô, chẳng cảm xúc gì", Hường kể. Ngày hôm sau Guy về nước, cô cũng không tiễn.
Với Guy, sau lần gặp đầu anh đã có tình cảm với Hường, còn cô gái Đăk Lăk chỉ thực sự dám yêu khi Guy về Việt Nam lần 2, cách lần đầu hơn một năm. |
Với Guy Phạm, đây là lần đầu anh đặt chân đến , cũng là lần đầu tiên trái tim anh biết yêu. Hình ảnh cô gái nghèo với giỏ đồ lưu niệm cứ quẩn quanh trong đầu anh suốt chuyến bay 18 tiếng về Canada. "Cô ấy nói chuyện có duyên lắm và rất biết suy nghĩ cho tương lai. Gái Tây chẳng thấy ai nói chuyện có duyên như cô ấy cả", anh Guy chia sẻ ấn tượng ban đầu về Hường.
Ngay khi về nước, Guy đã gọi điện cho Hường nói chuyện vài giờ, đến mức bố mẹ anh gõ cửa bao lần vẫn không thấy con ra. Từ đó, ngày nào chàng kỹ sư mỏ cũng gọi điện cho Hường, quan tâm từ chuyện ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày và hỏi han rất nhiều về gia đình cô.
Về phía Hường, cô vẫn chưa có niềm tin vào mối quan hệ này. Ngày ngày, cô vẫn đi bán đồ lưu niệm, đêm xuống thì lên lớp học. Cô cố gắng làm những công việc chính đáng để có tiền học, không cần xin mẹ hay các chị.
Cuối năm 2014, Guy về nước thăm Hường và ngỏ ý muốn được đến thăm nhà bạn gái. Hường kể chuyện này với mẹ thì bị gàn bởi bà nghĩ "nhà mình nghèo, mà hai đứa đang tìm hiểu nhau, sẽ khiến cậu ấy chạy mất dép". Nhưng Hường nghĩ khác: "Nếu anh ấy về thăm nhà mà vượt qua được chứng tỏ anh ấy yêu tôi thật lòng. Nếu không, tôi sẽ coi như một kỷ niệm rồi quay về với cuộc sống cũ".
Ngày đầu về huyện Cư Kuin - quê Hường - Guy cảm thấy anh như lạc về "thời nguyên thủy". Nhà Hường xiêu vẹo, tối ngủ bọ đậu bu kín màn. Nhìn thấy hàng xóm nhà cô bắt chấy cho mấy em bé, anh muốn nôn mấy lần.
Guy chia sẻ, sau một đêm bị tra tấn bởi mùi hôi và tiếng bim bíp không ngừng nghỉ của bọ đậu, anh vẫn cố giữ thói quen dậy sớm chạy thể dục, nhưng chẳng ngờ anh bị lạc. "Ban đầu tôi nghĩ chắc trên đời này chỉ có mình nhà bạn gái tôi giặt quần áo bằng tay và phơi hàng rào. Ai ngờ lúc chạy bộ quay về nhà nào cũng phơi đồ trên hàng rào. Tôi không thể tìm được đâu là nhà cô ấy".
Dù vậy, Guy rất thích cuộc sống ở đây. Hàng ngày anh được ngồi xe máy, leo đồi hái điều, được nấu cơm củi và ăn những bữa cơm vui vẻ bên mẹ và các chị em của Hường. Một tháng ở đây, làn da của chàng trai xứ lạnh nhuộm thành màu bánh mật nhưng rắn rỏi lên trông thấy. Trước khi về nước, Guy nói với mẹ Hường: "Bác ở nhà trồng nhiều gà chạy bộ. Mai mốt con về ăn nha bác". Ai cũng cười nhưng đều quý sự chân thành của chàng Việt kiều.
Càng quen biết, Guy càng thấy thương Hường và khâm phục cô hơn. Anh quyết tâm lấy cô bằng được. |
Chuyện tình của hai người vấp phải sự phản đối từ phía gia đình Guy. Chẳng ai hiểu nổi một người sinh ra tại Canada, nói tiếng Việt không sõi mà đòi lấy vợ Việt, lại còn chui vào đồi núi và yêu một cô gái không có nhan sắc. Dù mỗi ngày phải nghe những lời ấy, nhưng chẳng có gì ngăn cản được tình yêu Guy dành cho Hường. Cứ vừa đặt chân về nước sau một tháng bên nhau, anh lại đặt vé cho 3 tháng sau quay lại. Trong năm 2015, anh đã sang thăm cô tới 4 lần.
Sự kiên trì của con trai cũng dần khiến bố mẹ Guy mủi lòng. Họ bắt đầu trò chuyện với Hường mỗi khi Guy gọi. Trong năm 2015, họ cũng về nước một lần gặp Hường, dù thấy cô không có vẻ ngoài nổi bật nhưng họ quý tính tình thật thà và nỗ lực vươn lên của cô.
Thấu hiểu mặc cảm về ngoại hình của bạn gái, trong lần về thăm thứ 5, Guy đã cho Hường tiền đi chỉnh lại răng và hàm. Đến tháng 4/2016, đôi uyên ương tổ chức đám cưới với sự tham gia đầy đủ của bạn bè, người thân. Cô đã sang Canada đoàn tụ với chồng được 4 tháng. Hiện tại Hường đi học ngoại ngữ để sau đó có thể kiếm một nghề tại đây.
Bố mẹ chồng giờ đây cũng rất yêu thương Hường. Để con dâu đỡ nhớ nhà, hàng tuần họ đều mua đồ ăn ở chợ Việt rồi gửi 1.200 km đến cho cô. "Có lần mình lạnh chân quá, mẹ liền đi xách nước cho mình ngâm chân. Lúc đó nước mắt mình kìm lại chẳng được. Được làm vợ của anh và làm con dâu của bố mẹ là may mắn của mình", Hường xúc động nói.
Cuộc sống gia đình Hường tại quê nhà cũng đã khá hơn. Các chị của cô có người mở xưởng sản xuất hạt điều, người mở trường dạy trẻ tự kỷ, người làm giảng viên. Ngôi nhà xiêu vẹo trên đồi 3 năm trước thay bằng ngôi nhà khang trang ở gần thị trấn.
Không chỉ đẹp lên về ngoại hình, hiện tại Hường cũng thấy mình tự do hơn trong tâm hồn. Nếu như trước đây cô luôn phải gồng mình, mạnh mẽ để che giấu bất hạnh cuộc đời thì tình yêu của Guy đã khiến cô trở thành một người phụ nữ biết làm nũng, biết giận hờn, dám đón nhận và cho đi tình yêu.
"Anh ấy tuy nói tiếng Việt không giỏi nhưng rất quan tâm gia đình vợ, giản dị như , nhưng lại hết mực cưng chiều người phụ nữ của mình như đàn ông Tây. Mình yêu anh ấy bằng cả trái tim", Hường bộc bạch.
Vợ Việt trên đất khách - Kỳ 3: 'Bà mối' yahoo messenger đến nghĩa vụ làm vợ
Cuộc sống và thời gian ở Ấn Độ đã dạy cho mình biết rằng, không phải cứ lấy chồng nước ngoài là sướng, ở nước ngoài là thiên đường.