Chàng trai Tiền Giang vòng quanh thế giới xin visa như thế nào?

Khoa không chuẩn bị tất cả visa khi còn ở Việt Nam mà phải xin cuốn chiếu, tức là đến quốc gia nào sẽ xin visa nước kế tiếp.

01:27 08/11/2017

Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai 31 tuổi vừa thực hiện thành công chặng phượt đầu tiên từ Sài Gòn đến Paris bằng xe máy qua 23 quốc gia trong 150 ngày khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Anh xuất phát hôm 1/6, đi qua Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Nepal - Ấn Độ - Pakistan - Iran - Azerbaijan - Georgia - Bulgaria - Hy Lạp - Albania - Montenegro - Bosnia & Herzegovina - Croatia - Italy - Thụy Sĩ - Lichtenstein - Áo - Đức - Luxembourg - Bỉ và đã đến Paris (Pháp) hôm 28/10. Bên cạnh việc phải rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị đủ kinh phí để đi thì quá trình xin thị thực qua hàng loạt nước châu Âu là điều mà nhiều người quan tâm.

chang-trai-tien-giang-vong-quanh-the-gioi-xin-visa-nhu-the-nao

Khoa được cảnh sát Iran hộ tống qua vùng nguy hiểm. Ảnh: Đăng Khoa.

Xin visa du lịch vốn đã không đơn giản, rất nhiều thủ tục rườm rà mà giấy thông hành xe máy quốc tế lại càng không dễ dàng. Mỗi nước một quy định khác nhau, tùy theo đó bạn phải chuẩn bị đủ giấy tờ yêu cầu.

Trước khi bắt đầu cuộc chạy đua hai tháng để hoàn tất giấy tờ, Khoa đã có hơn hai năm vừa tìm hiểu vừa tích lũy kinh nghiệm từ những chuyến phượt bằng xe máy xuyên biên giới ở Đông Nam Á của mình. Một "background" thật chuẩn là một trong những yếu tố khiến bộ hồ sơ của bạn mạnh hơn. Vì nhờ vào đó mà những lá thư xin giấy phép của Khoa có tính thuyết phục hơn.

Ngoài ra, thạo tiếng Anh cũng là một lợi thế, không chỉ trong giao tiếp thông thường mà còn khi viết email hoặc giao tiếp qua điện thoại, đọc hiểu, tra cứu tài liệu nước ngoài...

chang-trai-tien-giang-vong-quanh-the-gioi-xin-visa-nhu-the-nao-1

Giấy phép thông hành của Khoa. Ảnh: Đăng Khoa.

Từ trước tới nay, rất hiếm người đi vòng quanh thế giới như cách của Khoa, vì vậy ngay từ đầu anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải tự tìm hiểu thông tin về giấy tờ, giấy phép nhập cảnh... mà không học hỏi được kinh nghiệm của người đi trước. Muốn tra cứu thông tin thủ tục cần thiết khi làm giấy thông hành cho xe máy thì hầu hết phải tìm hiểu qua các trang blog của các phượt thủ nước ngoài. Cho nên chuẩn bị tiếng Anh đủ dùng là điều bắt buộc.Theo Khoa, muốn xin visa ở một nước ít phổ biến thì điều kiện cần là phải viết một cái mail bằng tiếng Anh đàng hoàng, chỉn chu, lịch sự, thể hiện rõ ràng mình muốn gì, gặp trở ngại gì thì mới thuyết phục được đại sứ quán, lãnh sự quán giúp đỡ. Email thể hiện được sự nhiệt tình, chân thành luôn được để ý và nhận được sự giúp đỡ tốt hơn.

Anh chàng có một lợi thế là từng làm việc cho công ty châu Âu, vì vậy việc nhập cảnh nhiều lần vào các quốc gia ở châu Âu được công ty cũ hỗ trợ thủ tục. Bên cạnh đó, bảo hiểm xe máy và bảo hiểm du lịch là thứ không thể thiếu khi xin visa, nhất là khi vào các nước châu Âu.

Mỗi visa đều có thời hạn sử dụng xác định, nên Khoa không thể chuẩn bị tất cả các loại visa khi còn ở Việt Nam mà phải xin cuốn chiếu, tức là đến quốc gia nào sẽ xin visa nước kế tiếp tại đại sứ quán. Vì vậy việc sao lưu giấy tờ cá nhân quan trọng là cần thiết. Có thể lưu online hoặc offline tùy ý. Tuy nhiên, kiểu xin visa này đôi khi cũng gặp những điều không đoán trước được khiến lịch trình bị thay đổi.

Đối với cụm ba nước ở vùng Nam Caucasus gồm Azerbaijan, Georgia và Armenia, thay vì đi thẳng từ Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ thì Khoa vòng lên Azerbaijan và Georgia tranh thủ ghé thăm hai đất nước nhỏ bé nhưng lại cực kỳ đẹp và nhiều màu sắc này. Chi phí đi lại ăn ở tại đây khá rẻ, hơn nữa lại nhiều di tích, thắng cảnh, từ rừng núi, biển, các công trình xưa cũ, di sản văn hóa thế giới...

chang-trai-tien-giang-vong-quanh-the-gioi-xin-visa-nhu-the-nao-2

Phượt xe máy một mình nên Khoa phải tự trang bị một vài kỹ năng cần thiết để xử lý những rủi ro. Ảnh: Đăng Khoa.

Một số nước chấp nhận e-visa (nộp đơn xin visa qua mạng) rồi đợi vài ngày là có. Như để vào Azerbaijan và Georgia, chỉ cần điền đơn e-visa, thêm 20 USD (khoảng 460.000 đồng) phí, hoặc nếu có visa Schengen còn hạn thì được miễn phí visa, rồi đợi 3 ngày là có. Vì thế không cần phải nộp sớm.

Vì bôn ba bằng xe máy, tùy vào vận tốc và nhiều yếu tố khách quan khác nên Khoa không đặt phòng khách sạn trước, dĩ nhiên vé máy bay cũng không có. Tuy thiếu hai thứ quan trọng trong bộ hồ sơ xin visa, nhưng bằng bảng kế hoạch chi tiết và thuyết phục, anh không mất quá nhiều thời gian để nhận được sự đồng ý từ các nhà chức trách.

Sự thật, so với phượt thủ phương Tây thì người Việt gặp nhiều trở ngại hơn nếu muốn đi du lịch nhiều nước, nhất là ngang qua những nước phát triển. Tuy nhiên từ thực tế bản thân, Khoa cho rằng chỉ cần nhiều nỗ lực, chuẩn bị kỹ càng, không bỏ cuộc thì không gì là không thể.

Sau chặng này, chàng trai đến từ Tiền Giang sẽ tiếp tục lái chiếc xe máy mang biển số 63 vi vu nửa còn lại của trái đất, qua các nước châu Mỹ rồi vòng về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài.

Tags:
Từ di dân trở thành phi công bay một mình vòng quanh thế giới

Từ di dân trở thành phi công bay một mình vòng quanh thế giới

Shaesta Waiz, 29 tuổi, di dân Afghanistan sống ở Florida, đang tiếp tục thực hiện dự án trở thành người phụ nữ ít tuổi nhất trong lịch sử lái máy bay một mình đi vòng quanh thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất