Châu Âu có thể trở tay không kịp trước sóng Covid-19 thứ hai

Mối lo ngại về sóng Covid-19 thứ hai ngày một lớn dần tại châu Âu, khi các ca nhiễm đang quay trở lại gần bằng mốc hồi tháng ba.

21:30 06/09/2020

Các nước trên khắp châu Âu đã nới lỏng phong tỏa, mở cửa lại nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và văn phòng trong một nỗ lực nhằm tái khởi động nền kinh tế. Nhưng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế lại khiến châu Âu phải chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại, đặt họ vào tình thế nguy hiểm.

"nCoV đã không ngủ trong suốt mùa hè, nó không nghỉ ngơi và đó là những gì chúng ta đang thấy", Andrea Ammon, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), ngày 2/9 nói trong một cuộc tranh luận do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức.

Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân trên cáng cứu thương tại một bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 14/8. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân trên cáng cứu thương tại một bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 14/8. Ảnh: Reuters.

Bà cho biết tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới được ghi nhận thời gian qua thấp hơn hồi tháng ba, khi các nước như Italy hay Tây Ban Nha bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi Covid-19, nhưng vài tuần gần đây, tốc độ lây lan đang tăng nhanh.

Tuy nhiên, số ca tử vong vì Covid-19 tại châu Âu đã giảm từ mức trung bình 4.000 người trong 7 ngày hồi đầu tháng 9 xuống còn khoảng 300 người, bắt đầu từ tháng 9, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.

"Chúng tôi đã thấy trong tuần này tỷ lệ thông báo nhiễm virus ở EU và các nước thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) là 46/100.000", Ammon cho hay. "Mọi người chắc còn nhớ có thời điểm chúng ta đã ở dưới ngưỡng 15. Vậy nên, mức hiện nay là một sự gia tăng và chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng như vậy hơn 5 tuần qua... Chúng ta gần như sắp quay trở lại những con số mà ta đã thấy hồi tháng ba".

Hồi giữa tháng 8, ECDC cho biết các ổ lây nhiễm mới dường như liên quan đến những người trẻ tuổi có xu hướng thường xuyên tìm đến những quán bar, nhà hàng hay các không gian công cộng khác.

Ammon ngày 2/9 nói rằng hiện tượng tăng trở lại số ca nhiễm nay còn diễn ra trong nhóm người lớn tuổi.

Theo giáo sư Mark Woolhouse, nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, biện pháp phong tỏa ban đầu đã giúp làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh và giảm số ca nhiễm, nhưng nó "chỉ đơn giản là kìm hãm vấn đề thêm vài tháng".

"Giờ đây, chúng ta đang đối mặt với vấn đề giống như hồi tháng ba, rằng virus vẫn ở ngoài kia, nó có nguy cơ tạo ra một đợt bùng dịch lớn như tháng ba. Về mặt đó, chúng ta không thực sự đi trước, chúng ta chỉ đơn giản là trì hoãn mọi thứ mà thôi", ông nói.

Woolhouse đánh giá điều quan trọng là phải thật thận trọng khi so sánh số ca nhiễm bởi hầu hết các nước hiện nay đều có năng lực xét nghiệm mạnh hơn nhiều so với hồi tháng ba, nhưng ông lưu ý rằng tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính với nCoV cũng đang bắt đầu tăng lên. "Trong tất cả các chỉ số, đấy là thứ đập vào mắt tôi đầu tiên", Woolhouse cho hay.

Ông cho rằng các nước hiện tại có khả năng giám sát tốt hơn và có thể áp dụng biện pháp phong tỏa hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, song giám sát kỹ lưỡng vẫn là yếu tố then chốt.

"Nếu muốn quay trở lại trạng thái bình thường, dù chỉ là một phần, chúng ta có rất ít lựa chọn ngoài việc phải bình tĩnh, cẩn trọng và xem điều gì sẽ xảy ra. Sẽ có độ trễ từ hai đến ba tuần trong hệ thống", Woolhouse nói.

Trường học gần đây đã mở cửa lại tại nhiều nước châu Âu, nhưng Ammon cho biết có rất ít trường hợp bùng phát dịch đáng chú ý được ghi nhận ở các trường học. Trên quan điểm về mức độ lây nhiễm, những bằng chứng hiện tại tương đối mâu thuẫn trước câu hỏi liệu đóng cửa trường học có thực sự hữu ích không.

Pháp, Đức, Italy đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng cao trong vài tháng gần đây. Tây Ban Nha tuần trước ghi nhận số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ cao kỷ lục kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay.

Các nước như Hy Lạp và Croatia, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi đợt sóng đầu tiên, chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong tháng 8 do khách du lịch đổ tới đây nghỉ hè sau khi biên giới nội bộ châu Âu được mở trở lại hồi tháng 6.

Chính phủ các nước hy vọng có thể tránh được đợt sóng lây nhiễm thứ hai bằng cách áp dụng các biện pháp mới như đóng cửa câu lạc bộ đêm, ban hành lệnh giới nghiêm hay bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tuy nhiên, những quy định này đang vấp phải sự phản đối ở nhiều quốc gia như Đức hay Anh.

"Châu Âu dường như đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến luôn thay đổi này", bình luận viên Emma Reynolds và Sharon Braithwaite từ CNN nhận định.

Link nguồn: https://vnexpress.net/chau-au-co-the-tro-tay-khong-kip-truoc-song-covid-19-thu-hai-4156627.html

Tags:
Hóa ra bí quyết sống thọ và trẻ lâu của người Nhật đến từ bữa cơm hàng ngày, đặc biệt là 7 quy tắc “vàng” không phải người dân quốc gia nào cũng làm được

Hóa ra bí quyết sống thọ và trẻ lâu của người Nhật đến từ bữa cơm hàng ngày, đặc biệt là 7 quy tắc “vàng” không phải người dân quốc gia nào cũng làm được

Cứ nhắc đến sống thọ thì ai cũng nghĩ ngay đến nước Nhật, nhưng đâu là bí quyết giúp họ sống lâu và trẻ đẹp như vậy?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất