Chỉ 20% học sinh trung học Mỹ học thêm ngoại ngữ
Với nhận định rằng việc không có khả năng giao dịch bằng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh là một mối đe dọa cho kinh tế và an ninh quốc gia, kết quả hai cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy một bức tranh không lấy gì sáng sủa về tình hình học ngoại ngữ trong các trường trung học ở Mỹ.
06:12 17/07/2017
Bản báo cáo của American Academy of Arts & Sciences và American Councils for International Education cho thấy các trường công lập cũng như Bộ Giáo Dục các tiểu bang đang gặp khó khăn để kiếm ra những giáo viên ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, và cũng không có một hệ thống hữu hiệu để theo dõi tình trạng học ngoại ngữ trên toàn quốc.
Cuộc nghiên cứu của cơ quan American Councils for International Education, vốn thu thập dữ kiện của từng tiểu bang về số học sinh theo học ngoại ngữ, ước lượng rằng hiện có khoảng 10.6 triệu học sinh trung học Mỹ đang học ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ ra dấu cho người khiếm thính.
Con số này có nghĩa là hiện chỉ có một trong năm học sinh trung học Mỹ học ngoại ngữ.
Cuộc nghiên cứu này cũng thấy rằng có sự thiếu hiểu biết về cách dạy và học ngoại ngữ.
Tại ít nhất hai tiểu bang, có chưa tới 10% học sinh đang học ngôn ngữ nào khác ngoài Anh Ngữ.
“Chúng ta nay không còn là quốc gia mà việc học thêm một ngôn ngữ nào khác khi lớn lên là điều bình thường,” theo lời Marty Abbott, giám đốc điều hành cơ quan dạy ngoại ngữ American Council on the Teaching of Foreign Languages.
“Tương lai của chúng ta tùy thuộc vào khả năng giao thiệp với các quốc gia khác trên thế giới, và ngay lúc này người Mỹ đang gặp nhiều khả năng làm điều này.”
Các nhà nghiên cứu nói rằng sự thiếu khả năng ngoại ngữ được thấy rõ nhất ở những ngôn ngữ hiện rất cần như tiếng Ả Rập, vốn được coi là quan trọng cho an ninh quốc gia, nhưng cũng được coi là có rất ít nơi dạy và khó học nhất.
Tuy có ít người dân Mỹ nói được tiếng Ả Rập hơn là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa, tiếng Pháp và tiếng Việt, các dữ kiện của cơ quan thống kê dân số cho hay đây là ngôn ngữ đang phát triển nhanh nhất.
Tiếng Ả Rập cũng là tiếng nói ở nhà nhiều thứ nhì trong số những học sinh đang phải học trong các trường học ở Mỹ, từ tiểu học lên trung học, chỉ sau có tiếng Tây Ban Nha, theo các dữ kiện có được trong thời gian 2013-2014 của chính phủ Mỹ. Con số này có nghĩa rằng chừng 110,000 học sinh trong các trường ở Mỹ cho biết nói tiếng Ả Rập ở nhà.
Tuy vậy, có gần gấp tám lần học sinh Mỹ theo học các lớp tiếng La Tinh, được coi là “ngôn ngữ chết”, so với tiếng Ả Rập, một loại sinh ngữ sử dụng hàng ngày ở nhiều nơi trên thế giới.
Kể từ khi thành phần khủng bố từ các quốc gia Ả Rập tấn công nước Mỹ ngày 11 Tháng Chín 2001, chính phủ Mỹ cố gắng tìm kiếm những người có khả năng thông thạo tiếng Ả Rập. Nhưng đến nay, hơn 15 năm sau, hiện vẫn chỉ có rất ít người để lựa chọn.
Các chuyên gia về giáo dục ngoại ngữ cho rằng phong trào học ngoại ngữ ở Mỹ dễ bùng phát nhưng cũng dễ tàn lụi.
Nhiều học sinh Mỹ đi học tiếng Nga vào thập niên 60, ở cao điểm của Chiến Tranh Lạnh và cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ với Nga.
Trong thập niên 80, các học sinh Mỹ được khuyến khích học tiếng Nhật vì lúc đó nhiều người coi Nhật sẽ là đối thủ kinh tế chính của Mỹ, cũng như lý do tạo ra phong trào học tiếng Hoa như hiện nay.
Vài thập niên sau đó, chỉ có chưa tới 1% các học sinh từ lớp 1 đến 12 ở Mỹ học các ngoại ngữ này.
Học sinh trung học Idaho được tự điều hành tiền chi trả học thêm
Cô Cassandra Madrigal là học sinh lớp 12, hạng giỏi, với điểm trung bình là 3.94, đang ghi danh học hai lớp AP (Advanced Placement) niên khóa này, và có tín chỉ của hai lớp khác hồi năm ngoái