Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nguy cơ vượt tầm kiểm soát
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn luôn nghiêm trọng, nhưng giờ đây, nó bắt đầu trở nên đáng sợ.
01:00 07/08/2019
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu ngày 5/8 là 6,9225 nhân dân tệ (CNY) đổi một USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay cũng thông báo ngừng mua nông sản Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đêm 5/8 khiến căng thẳng tiếp tục leo thang khi có bước đi lịch sử là liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump tuần trước tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định những diễn biến dồn dập vừa qua cho thấy mức độ nghiêm trọng của xung đột thương mại Mỹ - Trung đã tăng lên một cấp và sẽ rất khó để đảo ngược. Rủi ro đặt ra là cuộc chiến thương mại đang tiến đến gần ngưỡng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí suy thoái.
"Chúng ta có một cuộc xung đột thương mại đang đi trật đường ray", Peter Boockvar, chuyên gia đầu tư tại công ty tư vấn tài chính Bleakley Advisory Group, trụ sở ở New Jersey, Mỹ, hôm qua viết trong thông điệp cảnh báo gửi tới khách hàng. "Chính sách sử dụng thuế quan như một công cụ để đối phó với Trung Quốc đã thất bại thảm hại".
David Kotok, đồng sáng lập công ty quản lý đầu tư Cumberland Advisors, trụ sở ở Florida, Mỹ, cho rằng "cuộc chiến thuế quan ngu ngốc đang diễn ra" sẽ gia tăng nguy cơ suy thoái. "Căng thẳng vẫn leo thang và chắc chắn chưa dừng lại", ông nói.
Mối lo âu về viễn cảnh cuộc chiến thương mại đang bước vào một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn đã trở thành hiện thực. Hành động bất ngờ liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ của Bộ Thương Mại Mỹ làm dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện những bước đi mạnh mẽ hơn nữa nhằm phá giá đồng tiền của mình.
"Nó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn", Ian Winer, chuyên gia từ công ty đầu tư Drexel Hamilton, trụ sở ở New York, Mỹ, nhận định.
Các nhà đầu tư trên thế giới đang hoảng sợ. Chỉ số Dow ngày 5/8 đã giảm 767 điểm, tương đương 2,9%. Chỉ số Nasdaq giảm 3,5%, Chỉ số biến động VIX tăng 40%, mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua.
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang chắc chắn là điều tồi tệ với kinh tế Mỹ. Tồi tệ đến mức nào thì không thể tính toán được", Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại công ty đầu tư National Securities Corporation, bình luận.
Theo Hogan, chiến tranh thương mại càng tồi tệ, suy thoái càng đến nhanh với kinh tế Mỹ. "Trong lịch sử, suy thoái xảy ra do phản ứng với sai lầm trong chính sách tiền tệ. Đây là lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt với nguy cơ suy thoái bắt nguồn từ tính toán sai lầm trong chính sách thương mại", ông nói.
Rất nhiều nhà đầu tư và giám đốc doanh nghiệp đồng tình với chính quyền Trump khi yêu cầu Trung Quốc tham gia cuộc chơi công bằng về thương mại. Các rào cản thương mại phi thuế quan của Bắc Kinh, bao gồm chính sách yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc, lâu nay đã gây tổn hại nặng nề cho các doanh nghiệp Mỹ làm việc tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại trước việc Trump dùng đòn thuế như một cách để buộc Bắc Kinh nhượng bộ.
Trump tuần trước khiến Phố Wall chao đảo khi thông báo áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/9, sẽ nhắm tới tất cả các mặt hàng, từ may mặc, giày dép cho đến đồ điện tử như điện thoại thông minh, qua đó, hộ gia đình, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, sẽ chịu tổn thương không nhỏ.
"Kinh tế sẽ bị tác động mạnh nếu bạn gây bất ổn vào đúng mùa tựu trường hay kỳ lễ mua sắm", Hogan nhận xét.
Cổ phiếu ngành bán lẻ và công nghệ đã chịu những cú giáng đầu tiên. Riêng cổ phiếu công ty Best Buy (BBY) đã giảm gần 15% kể từ phiên đóng cửa thị trường hôm 31/7.
Phòng Thương mại Mỹ tuần trước cảnh báo các vòng áp thuế mới "sẽ chỉ gây tổn thương lớn hơn cho doanh nghiệp, nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế Mỹ".
Nông dân Mỹ chắc chắn sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn khi Bộ Thương mại Trung Quốc vừa thông báo ngừng mua nông sản Mỹ. Cuộc chiến thương mại đã buộc Washington phải chi hàng tỷ USD để hỗ trợ nông dân. Các khoản nợ nông nghiệp không trả đúng hạn đã tăng gấp ba lần kể từ giữa năm 2015, lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) Jelena McWilliams tuần trước cho biết đơn vị của bà đang "theo dõi sát sao" cách các ngân hàng ở những bang nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.
Lý giải về động thái làm yếu đồng nội tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đổ lỗi cho "chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các hàng rào thuế quan mới áp đặt lên Trung Quốc".
Không lâu sau đó, trên mạng xã hội Twitter, gọi hành động của Bắc Kinh là "thao túng tiền tệ" và "vi phạm lớn sẽ làm suy yếu Trung Quốc theo thời gian".
Việc các quan chức Trung Quốc không còn né tránh cáo buộc thao túng tiền tệ từ cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại dài hơi với Washington. "Trung Quốc đang có cái nhìn đen tối và ngày càng tiêu cực về các mục tiêu của Trump đối với họ", Michael Hirson, lãnh đạo ban nghiên cứu Trung Quốc và Đông Bắc Á thuộc công ty tư vấn Eurasia Group, nhận xét. "Họ đang ngày càng bi quan trước khả năng giữ Trump tránh xa những hành động khiến xung đột leo thang".
Giới phân tích đánh giá động thái của Trung Quốc đang làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình. "Rủi ro tiền tệ là rủi ro dễ biến động nhất, khó nhìn thấy nhất và phản ứng nhanh nhất", Kotok nói. "Nó là cú móc trái đủ sức hạ gục một võ sĩ quyền anh".
Tuy nhiên, theo Hirson, Trung Quốc "sẽ không vũ khí hóa đồng nội tệ". Thay vào đó, ông cho rằng các quan chức ở Bắc Kinh chỉ đang cố gắng để giành lại thế chủ động đưa ra quyết định trước Mỹ. Việc hạ giá mạnh đồng tiền sẽ gây hoảng loạn cho nhà đầu tư, gây bất ổn thị trường tài chính và ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc.
Nhà kinh tế Chetan Ahya từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự đoán nếu Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết khúc mắc và vẫn tiếp tục "ăn miếng trả miếng" như bây giờ, một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra chỉ trong vòng 9 tháng nữa.
"Chúng tôi nhận thấy nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang là rất lớn và triển vọng kinh tế toàn cầu đang nghiêng về hướng suy giảm", Ahya nói.
"Khoảng 2/3 hàng hóa bị đánh thuế trong lần áp thuế mới này là hàng tiêu dùng. Nó sẽ tạo ra tác động rõ rệt hơn với Mỹ so với những lần áp thuế trước đây", ông lưu ý. "Căng thẳng đã đẩy niềm tin của các tập đoàn và tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm liền".
Theo Michelle Fleury, phóng viên kinh doanh tại New York, việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ không tạo ra nhiều thay đổi trên phương diện pháp lý nhưng đây vẫn được coi là một sự kiện lớn, cho thấy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phát triển rất nhanh theo hướng xấu, sẽ gây ra hậu quả lớn về chính trị.
Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, với việc "dán nhãn" quốc gia thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, Washington có thể áp đặt những hàng rào thuế quan nặng nề hơn trước nhiều lần lên Bắc Kinh. Song song với đó, hành động này cũng sẽ kích động Trung Quốc đáp trả mạnh tay hơn.
"Mỹ có thể áp đặt thuế như một biện pháp trừng phạt đơn phương", Prasad nhận xét và thêm rằng việc liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ chắc chắn sẽ tạo ra cái cớ hợp lý cũng như động cơ chính trị phù hợp để Mỹ tạo ra thêm hàng rào thuế quan.
Mỹ cũng có thể kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới trừng phạt Trung Quốc hoặc thuyết phục các đồng minh quốc tế hạn chế trao đổi thương mại với Bắc Kinh.
"Rủi ro đặt ra hiện nay là Mỹ sẽ coi việc phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc là hành vi gây hấn kinh tế và quyết định gia tăng hơn nữa sự thù địch nhằm vào Trung Quốc", Prasad nhấn mạnh.
Nguồn: VnExpress.net
Con số này cho thấy bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn thành công
Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng nhẹ từ 52,5 điểm của tháng 6 lên 52,6 điểm trong tháng 7. Các điều kiện kinh doanh cải thiện liên tục trong 44 tháng qua.