Chiêu trò đằng sau hạt giống bí ẩn gieo rắc hoang mang ở Mỹ

Ông Chris Pawelski, một nông dân tại làng Warwick, bang New York - Mỹ không khỏi tò mò khi nhận một bưu phẩm hồi tháng 7 với thông tin trên đó cho biết nó được gửi từ TP Thâm Quyến - Trung Quốc, bên trong chứa hạt giống lạ.

00:30 18/10/2020

Sau khi nhìn thấy một túi hạt giống lạ bên trong, người đàn ông 53 tuổi này lập tức gọi điện cho Cục kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) rồi gửi nó đến cơ quan này.

Ông Pawelski không phải là người duy nhất nhận được những bưu phẩm như thế. Khắp thế giới, khoảng 1.000 người đã nhận được gói hạt giống lạ trong những tháng gần đây.

Tại Mỹ, sự xuất hiện của các túi hạt giống bí ẩn dẫn đến cảnh báo từ nhà chức trách giữa lúc có phỏng đoán chúng có thể là vũ khí sinh học hoặc trò chơi khăm. Đã có một số thuyết âm mưu được nói đến về vụ việc. Thậm chí, có người còn đùa rằng người nhận có thể bị nhiễm Covid-19 từ chúng.

Tập đoàn thương mại điện tử Amazon vào tháng 9 đã cấm bán hạt giống nước ngoài vào Mỹ. Riêng ông Pawelski cho biết vụ việc khiến ông nhớ đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều nông dân thiệt hại.

Dù vậy, một số nhà phân tích về thương mại điện tử cho rằng các gói hạt giống trên có lẽ chỉ là ví dụ của chiêu trò lừa đảo gọi là "brushing scam", tức người bán hàng trực tuyến tạo ra các đơn hàng giả để tăng xếp hạng sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử.

Theo tìm hiểu của báo South China Morning Post, nhiều bưu phẩm chứa gói hạt giống bí ẩn được gửi đi từ Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay. Một số bưu phẩm trong số này mất nửa năm mới đến được Mỹ.

Trả lời qua điện thoại, một người đàn ông họ Xu cho biết ông là nhân viên bưu điện xử lý bưu phẩm chuyển đi nước ngoài tại TP Thượng Hải. Ông cho biết không biết gì về các gói hạt giống bí ẩn và nhân viên bưu điện thỉnh thoảng ghi thông tin liên lạc của mình lên bưu phẩm như là địa chỉ gửi trả.

Chiêu trò đằng sau hạt giống bí ẩn gieo rắc hoang mang ở Mỹ - Ảnh 2.

Một gói hạt giống bí ẩn gửi đến bang Virginia - Mỹ. Ảnh: Sở Nông nghiệp bang Virginia

Trong cuộc điện đàm khác, một người đàn ông ở thành phố Thâm Quyến từ chối cho biết danh tính. Ông cho biết mình là chủ một công ty lưu kho trong lĩnh vực thương mại điện tử nhưng không rõ lý do số điện thoại của mình có trên gói hạt giống.

Một người đàn ông thứ 3 sống tại TP Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Ông này cũng không chịu tiết lộ tên tuổi hay nói về các gói hạt giống.

Trong khi đó, cả Mỹ và Trung Quốc cho biết đang điều tra vụ việc. USDA cho biết đã xác định được một số công ty gửi hạt giống và cho biết cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh để điều tra họ.

Đối với người bán hàng Trung Quốc, chiêu "brushing scam" giúp tăng mức độ hiện diện trên trang thương mại điện tử bằng cách lừa thuật toán của nó, vốn ưu ái doanh số cao và những đánh giá tích cực từ người mua.

Chiêu trò đằng sau hạt giống bí ẩn gieo rắc hoang mang ở Mỹ - Ảnh 3.

Một người dân tại bang Utah nhận được gói hạt giống bí ẩn. Ảnh: Fox13

Chẳng hạn, người đứng sau chiêu "brushing scam" sẽ đặt mua hàng với tài khoản mua sắm giả của chính họ rồi gửi các bưu kiện ra nước ngoài. Những bưu kiện này có thể chứa hàng hóa rẻ tiền hoặc thậm chí là không có gì bên trong. Sau khi bưu kiện được gửi đi, các trang thương mại điện tử sẽ công nhận đơn hàng và để người mua giả nói trên đăng tải đánh giá tích cực.

Người lướt web không ít lần chia sẻ hình ảnh những món hàng trong bưu phẩm lạ, từ đồ chơi, kính mát cho đến khẩu trang. Hiện chưa rõ những kẻ đứng sau các gói hạt giống bí ẩn làm sao có được thông tin cá nhân và địa chỉ của người nhận.

Riêng ông Pawelski cho biết thông tin này có thể bị rò rỉ khi ông đặt mua hàng từ người bán Trung Quốc trên trang eBay.

Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chieu-tro-dang-sau-hat-giong-bi-an-gieo-rac-hoang-mang-o-my-20201012102558645.htm

Tags:
Báo Mỹ: Việt Nam là “phép màu châu Á” mới sau Nhật Bản, Hàn Quốc

Báo Mỹ: Việt Nam là “phép màu châu Á” mới sau Nhật Bản, Hàn Quốc

Việt Nam đang trở thành một hiện tượng gọi là “phép màu châu Á”, đang đi theo con đường của các quốc gia tạo nên phép màu trong quá khứ, nhưng ở thời đại hoàn toàn mới, theo New York Times.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất