Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại
Ngày 23-1 (giờ Hà Nội), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua...
01:59 24/01/2018
Với tỷ lệ 81 phiếu thuận và 18 phiếu chống, dự luật chi tiêu tạm thời giúp Chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 8-2 tới đã dễ dàng được các thượng nghị sĩ Mỹ thông qua, sau khi đảng Dân chủ nhận được sự bảo đảm từ phía đảng Cộng hòa về việc giải quyết số phận của hàng trăm nghìn người nhập cư trái phép là thanh thiếu niên liên quan đến chương trình DACA có nguy cơ bị trục xuất từ đầu tháng 3 tới.
Việc Thượng viện, Hạ viện Mỹ thông qua biện pháp ngắn hạn nhằm tài trợ cho hoạt động của chính phủ liên bang cho đến ngày 8-2 tới đã chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua.
Hạ viện Mỹ. Ảnh: bostonherald.com
Với 266 phiếu thuận và 150 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng chấp thuận dự luật chi tiêu tạm thời, trong đó cũng bao gồm việc gia hạn Chương trình bảo hiểm sức khỏe trẻ em thêm 6 năm (CHIP), nhưng không có sự bảo vệ mà phe Dân chủ tìm kiếm dành cho những người nhập cư bất hợp pháp tới Mỹ từ khi còn nhỏ. Biện pháp tài trợ trên sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump, người sẽ ký thành luật để chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa trong vài ngày qua.
Thị trường chứng khoán phố Wall tràn ngập sắc xanh với các chỉ số chủ chốt đồng loạt lập kỷ lục mới sau thông tin trên. Hầu hết các nhóm chỉ số chứng khoán lớn đều tăng điểm, trong đó, chỉ số Nasdaq đã tăng lên mức điểm cao nhất kể từ ngày 21-6 năm ngoái.
Tâm lý phấn chấn của các nhà đầu tư đã tăng lên với nhiều báo cáo doanh thu của các doanh nghiệp dự kiến sẽ được công bố. Chốt phiên giao dịch ngày 22-1 theo giờ Mỹ (ngày 23-1 theo giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, đóng cửa ở mức 26.214,6 điểm. Chỉ số S&P "nhảy vọt" 0,8% lên mức 2.832,97 điểm, trong khi chỉ số các tập đoàn công nghệ Nasdaq Composite Index tăng gần 1% và chốt phiên ở mức 7.408,03 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á cũng có những phản ứng tích cực sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chấm dứt việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua biện pháp ngắn hạn nhằm tài trợ cho hoạt động của chính phủ liên bang cho đến ngày 8-2 tới, chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua. Trước đó, ngân sách Liên bang Mỹ đã hết hiệu lực từ nửa đêm 19-1 giờ địa phương và đã không thể gia hạn do những bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ xung quanh vấn đề nhập cư.
Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử Mỹ từng ghi nhận chính phủ đã phải đóng cửa vài lần. Gần đây nhất, vào năm 2013, chính phủ nước này đã buộc phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Trước đó, trong hai năm 1995-1996, Chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày.
Chiến thuật đảng Cộng hòa khuất phục đối thủ để mở cửa chính phủ Mỹ
Lãnh đạo đảng Cộng hòa khoét sâu chia rẽ nội bộ của đảng Dân chủ để giành chiến thắng ở Thượng viện nhằm mở cửa chính phủ.