Chính phủ Mỹ khó quay lưng với tỷ phú Elon Musk

Khi Elon Musk ủng hộ quan điểm bài Do Thái, chính phủ Mỹ đã chỉ trích song không thể quay lưng với ông vì họ đang sử dụng nhiều sản phẩm của tỷ phú này.

07:40 25/11/2023

ngày 17/11 tham gia vào làn sóng chỉ trích bài đăng ủng hộ thuyết âm mưu bài Do Thái của tỷ phú Elon Musk trên mạng xã hội X. "Chúng tôi lên án việc thúc đẩy tình trạng bài Do Thái và phân biệt chủng tộc, đi ngược lại giá trị cốt lõi của người Mỹ", người phát ngôn Andrew Bates đăng trên mạng X.

Tranh cãi nổi lên khi Elon Musk bày tỏ ủng hộ một thuyết âm mưu rằng người Do Thái đang khơi đậy lòng căm thù với người da trắng. Musk cho rằng tác giả bài đăng, người đề cập thuyết âm mưu "Đại Thay thế", đang "nói lên sự thật". Tỷ phú sau đó đã xóa bài đăng này.

Thuyết âm mưu "Đại Thay thế" cho rằng các nhóm thiểu số, trong đó có người Do Thái và phe cánh tả, đang dần thay thế cộng đồng người da trắng ở Mỹ và châu Âu, dẫn đến một "cuộc diệt chủng của người da trắng".

Media Matters, tổ chức phi chính phủ cánh tả chuyên nghiên cứu và giám sát truyền thông tại Mỹ, tuần trước đăng thông tin rằng quảng cáo của nhiều công ty lớn tại Mỹ được đặt cùng với những bài đăng có nội dung bài Do Thái, ủng hộ chủ nghĩa phát xít hay trùm phát xít Adolf Hitler, trên X.

Nhiều công ty như Apple, IBM, Disney, Paramount, NBCUniversal, Comcast, Lionsgate, Warner Bros. Discovery đã ngừng quảng cáo trên mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk để phản đối. Nhiều người kêu gọi đình chỉ vai trò của ông Musk trong công ty quản lý mạng X mà ông đã mua với giá 44 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, X đã khởi kiện Media Matters, cho rằng họ đăng tải thông tin sai lệch về trải nghiệm của người dùng trên X, âm mưu "làm suy yếu tự do ngôn luận và đánh lừa khách quảng cáo".

Ngày 20/11, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tham gia Threads, nền tảng thuộc sở hữu của công ty Meta và là đối thủ cạnh tranh của X, khi làn sóng lên án tỷ phú Musk tăng nhiệt.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chính phủ Mỹ sẽ khó có thể hoàn toàn quay lưng với tỷ phú Elon Musk.

"NASA cần tên lửa của ông. Lầu Năm Góc cần các vệ tinh của ông. Chính phủ cần mạng lưới trạm sạc của ông để thúc đẩy sử dụng xe điện. Quan chức cần mạng xã hội X để giao tiếp với mọi người", Zachary B. Wolf, nhà phân tích của CNN, cho hay.

Tỷ phú Elon Musk tham dự diễn đàn về trí tuệ nhân tạo tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 13/9. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Elon Musk tham dự diễn đàn về trí tuệ nhân tạo tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 13/9. Ảnh: Reuters

Dù chỉ trích những quan điểm mà Musk chia sẻ, bộ máy an ninh quốc gia và chương trình không gian của chính phủ về cơ bản "nghiện" SpaceX của tỷ phú Mỹ, theo giới quan sát. Quan chức Mỹ cho biết họ hiện có rất ít lựa chọn thay thế khả thi.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby thừa nhận tầm quan trọng của những mặt hàng mà SpaceX cung cấp.

"Lĩnh vực tư nhân có những sáng tạo mà chúng tôi sẽ thật ngốc nếu từ bỏ", ông Kirby nói. "Song điều đó không có nghĩa chúng tôi chấp nhận hoặc dung túng quan điểm bài Do Thái mà ông ấy ủng hộ".

Lầu Năm Góc gần đây đồng ý thỏa thuận trị giá 70 triệu USD với SpaceX để có được Starshield, hệ thống liên lạc dựa trên hàng nghìn vệ tinh Starlink.

Quân đội Ukraine đã hoàn toàn phụ thuộc vào Starlink để duy trì liên lạc trên chiến trường. Một năm trước, Musk từng vấp chỉ trích khi phàn nàn về chi phí dịch vụ. Hồi tháng 6, Lầu Năm Góc thông báo sẽ trả chi phí dịch vụ Starlink cho Ukraine.

Chính phủ Mỹ đã trả cho công ty SpaceX của Elon Musk nhiều tỷ USD trong những năm qua, nhưng hiện chưa rõ họ trả bao nhiêu cho dịch vụ Starlink ở Ukraine.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder hồi tháng 9 nói rằng quân đội Mỹ đã minh bạch khi thừa nhận trả tiền cho Starlink ở Ukraine, nhưng "vì lý do an ninh để đảm bảo hoạt động của hệ thống quan trọng này, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin liên quan đến khả năng hoặc chi tiết hoạt động của chúng".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tới Ukraine để thảo luận với quan chức nước này về hỗ trợ của Washington. Ông đã đăng những bức ảnh và tuyên bố trong chuyến đi trên mạng xã hội X ngày 21/11.

Elon Musk đã được hưởng lợi từ việc bắt tay với chính phủ, chủ yếu qua SpaceX, công ty từng được "cứu" nhờ khoản vay từ NASA năm 2008, khi cả SpaceX và Musk đều gần như cạn tiền.

SpaceX đã ký hợp đồng thực hiện 12 sứ mệnh tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trị giá 1,6 tỷ USD. Casey Dreier, cố vấn chính sách vũ trụ cấp cao của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Planetary Society, cho biết thỏa thuận này rất quan trọng vì giúp công ty hoàn thành tên lửa Falcon 9, tàu vũ trụ Dragon chở hàng hóa và phi hành đoàn.

SpaceX kể từ đó nhận được nhiều hợp đồng từ NASA, quân đội và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ. Công ty đã giành được hợp đồng 3 tỷ USD để phát triển phương tiện mới đưa phi hành gia lên Mặt Trăng.

Hệ thống trạm sạc điện trên toàn quốc của Tesla là một phần quan trọng trong hạ tầng phục vụ xe điện của Mỹ. Nhà Trắng hồi đầu năm cho biết sau nhiều tháng đàm phán, Tesla đã đồng ý mở một phần hệ thống sạc cho những chiếc xe điện không do công ty này sản xuất.

"Điều đó có nghĩa dù những bình luận của Musk bị lên án và nhiều công ty đang thể hiện lập trường thông qua cách ngừng quảng cáo trên X, tỷ phú Mỹ vẫn là một phần không thể tách rời của đất nước", B. Wolf nhấn mạnh.

Tags:

[

[

[

[

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất