Chính quyền Mỹ thời ông Trump đã thỏa thuận những gì với Taliban?

Với việc để lộ mong muốn rút quân, Washington đã mất đi tất cả công cụ mặc cả với Taliban, dẫn tới sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chính quyền Afghanistan.

11:00 17/08/2021

Một năm rưỡi sau ngày đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, ông Zalmay Khalizad, đạt được "thỏa thuận hòa bình" giữa Mỹ và Taliban, diễn biến thực địa đã không có bất cứ hòa bình nào cho Afghanistan.

Thay vì đàm phán phương án chia sẻ quyền lực với chính phủ Afghanistan, Taliban mở hàng loạt chiến dịch quân sự giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước ngay khi quân đội Mỹ rời đi.

Dù đại diện Mỹ cứ lặp đi lặp lại rằng bạo lực không phải là giải pháp cho cuộc nội chiến ở Afghanistan, Taliban lại nghĩ và hành động theo cách khác.

Mỹ còn gì để thương lượng với Taliban?

"Với các chỉ huy Taliban trên chiến trường, họ đã đánh hơi được chiến thắng và quyết đánh đến cùng", Andrew Wilder, phó chủ tịch chương trình nghiên cứu châu Á thuộc tổ chức tư vấn chính sách US Institue for Peace, nói.

Các chuyên gia từ lâu nhận định Taliban không hề hứng thú với đàm phán hay nhượng bộ cho tới khi nhóm này "giành được chiến thắng quyết định trên chiến trường, hoặc xác định họ đã tiến xa nhất có thể".

Trong khi đó, đặc phái viên Khalilzad vẫn đinh ninh Mỹ vẫn có công cụ gây sức ép với Taliban bởi nhóm này muốn có được sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Washington và các nước lớn khẳng định bất cứ chính phủ tương lai nào cũng phải tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và thực thi quyền cơ bản cho người dân Afghanistan.

taliban chiem afghanistan anh 2

Các tay súng Taliban có mặt ở Kabul. Ảnh: Reuters.

"Taliban muốn được công nhận. Họ nói không muốn biến Afghanistan thành đất nước bị xa lánh. Taliban có lý do để tìm kiếm quan hệ bình thường với phần còn lại của thế giới. Nếu họ thực sự muốn vậy, đó là công cụ đàm phán của chúng ta", ông Khalilzad nói.

Tại Doha, giới chức các nước tuyên bố họ sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào ở Afghanistan được lập nên bởi vũ lực.

Nhưng lúc này khi Kabul sụp đổ, Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, chính quyền Afghanistan đã tan vỡ. Một số chính phủ nước ngoài có lẽ sẽ lựa chọn chấp nhận thực tế mới ở Afghanistan và thỏa thuận riêng với Taliban.

Mới đây, phái đoàn Taliban đã đến thăm Nga, Trung Quốc và Iran. Tại cả ba nước này, đại diện Taliban đều được quan chức cấp cao nước chủ nhà tiếp đón trọng thị.

Không lâu sau khi Taliban tiến vào Kabul, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh "sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị" với tổ chức này.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, khi các nghị sĩ bày tỏ quan ngại về bước tiến của Taliban, ông Khalilzad tuyên bố mọi dự đoán rằng quân nổi dậy có thể nhanh chóng đánh bại lực lượng chính phủ và chiếm lấy Kabul là "quá bi quan".

"Cá nhân tôi tin mọi phát biểu rằng lực lượng chính phủ sẽ tan rã, Taliban sẽ sớm nắm quyền kiểm soát là sai lầm", ông Khalilzad nói trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

Sau vòng thảo luận với đại diện Taliban và chính phủ Afghanistan ở Doha đầu tháng 8, ông Khalilzad viết trên Twitter rằng "có nhiều điểm đoàn kết các bên hơn là chia rẽ".

Nhưng đến tối 15/8, mọi phát ngôn của ông Khalilzad đã bị chứng minh là hoàn toàn sai lầm.

Lỗi của ai?

Không quan chức Mỹ nào dành nhiều thời gian mặt đối mặt với Taliban hơn đặc phái viên Khalilzad. Xuất thân là người gốc Afghanistan, ông Khalilzad đã có 2 năm đảm nhiệm vai trò đại sứ Mỹ tại Kabul sau sự kiện 11/9/2001.

Trong hơn một năm đàm phán, Khalilzad tìm cách thuyết phục đại diện Taliban đối thoại với chính phủ Afghanistan. Taliban chỉ đồng ý sau khi Washington cam kết rút quân khỏi Afghanistan.

Tháng 2/2020, ông Khalilzad tươi cười bắt tay với đại diện Taliban trong lễ ký kết thỏa thuận hòa bình ở Doha. "Hôm nay là ngày của hy vọng", đặc phái viên của Mỹ nói tại lễ ký kết.

Theo thỏa thuận này, Mỹ cam kết rút tất cả lực lượng khỏi Afghanistan. Đổi lại, Taliban hứa bắt đầu đàm phán hòa bình với chính quyền Kabul, đồng thời bảo đảm sẽ không để Afghanistan trở thành nơi chứa chấp khủng bố.

Dù đàm phán giữa các phe phái ở Afghanistan không đạt được kết quả, cựu Tổng thống Trump vẫn rút quân như kế hoạch ban đầu.

taliban chiem afghanistan anh 3

Đặc phái viên Zalmay Khalilzad sau lễ ký thỏa thuận hòa bình với đại diện Taliban. Ảnh: AFP.

Sau đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo Taliban tiếp tục duy trì quan hệ khăng khít với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Nhưng bất chấp thông tin này, chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết thực hiện thỏa thuận hòa bình, với tuyên bố rút toàn bộ quân trước ngày 11/9.

Các chính phủ Mỹ trước đây đã nhiều lần thất bại khi muốn khởi động đàm phán hòa bình với Taliban, bởi lực lượng này không chấp nhận để chính quyền Kabul ngồi chung bàn thương lượng.

Nhưng dưới thời cựu Tổng thống Trump, Nhà Trắng đã bỏ qua đồng minh Kabul, cho phép đặc phái viên Khalilzad toàn quyền đối thoại với Taliban mà không cần đại diện chính phủ Afghanistan cùng tham dự.

Taliban muốn một thời gian biểu rõ ràng cho kế hoạch rút quân Mỹ. Washington lại muốn đạt được ngừng bắn và khởi động tiến trình hòa bình. Trong bối cảnh ông Trump công khai mong muốn đơn phương rút quân dù có đạt được thỏa thuận hòa bình hay không, đặc phái viên Khalilzad đứng trước sức ép phải hành động mau lẹ.

Các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Ghani năm 2019 cáo buộc ông Khalilzad đã bán đứng Kabul, đồng thời cảnh báo không thể tin lời hứa của Taliban.

Tuy nhiên, các cựu quan chức phương Tây cho rằng ông Khalilzad đã bị giao một nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Cựu Tổng thống Trump đã làm suy yếu vị thế đàm phán của Washington khi liên tục giảm hiện diện quân đội Mỹ mà không đạt được nhượng bộ nào từ Taliban. Điều này chẳng khác gì tín hiệu gửi tới Taliban để lực lượng này lấn tới trên bàn đàm phán.

"Tôi nghĩ đặc phái viên Khalilzad đã phải đàm phán ở thế cửa dưới. Cá nhân tôi không đổ lỗi cho ông ấy", chuyên gia Andrew Wilder của U.S. Institute for Peace nói.

Kết cục không bất ngờ

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết thỏa thuận hòa bình tháng 2/2020 chính là vấn đề, văn kiện này đã khiến chính quyền Biden hiện nay không có nhiều lựa chọn.

Taliban cam kết không tấn công quân đội Mỹ với điều kiện Washington giữ lời hứa rút quân. Nếu chính quyền ông Biden quyết định ở lại, "binh sĩ Mỹ sẽ trở thành mục tiêu" của Taliban, quan chức này nói.

Giới chức Mỹ cho rằng một lượng nhỏ binh sĩ có mặt trên chiến trường sẽ không thể thay đổi chiều hướng cuộc chiến, chứ đừng nói giành lại phần thắng cho chính phủ Afghanistan.

Theo lời đặc phái viên Khalilzad, thỏa thuận của Mỹ và Taliban hướng đến triển khai song song việc rút quân Mỹ và đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Ông Khalilzad nhiều lần khẳng định đây là chiến lược rút quân "có điều kiện".

taliban chiem afghanistan anh 4

Người dân Afghanistan đổ tới sân bay Hamid Karzai sau khi Taliban tràn vào Kabul. Ảnh: Reuters.

Một số chuyên gia cho rằng thời gian thích hợp để đàm phán hòa bình, khi Washington có lợi thế đàm phán tối đa, là ngay thời điểm Mỹ lật đổ Taliban năm 2001, hoặc khi Mỹ duy trì 100.000 quân trên chiến trường dưới thời Obama.

Nhưng một khi Mỹ hứa với Taliban sẽ rút quân theo một thời gian biểu cố định mà chẳng có bất cứ cam kết ràng buộc nào từ phía Taliban về việc đạt được thỏa thuận hòa bình với chính phủ Afghanistan, thì cơ hội đàm phán chấm dứt chiến tranh đã không còn.

"Ngay khi Mỹ chấp nhận nhượng bộ Taliban theo cách như vậy, cơ hội để bắt đầu tiến trình hòa bình thực sự đã trở nên rất mong manh. Cơ hội này đã khép lại khi ông Biden tiếp quản chính quyền và quyết định sớm rút quân", Laurel Miller, cựu quan chức ngoại giao trong chính quyền Obama nói.

Taliban đạt được thỏa thuận với Mỹ đúng như những gì tổ chức này muốn, và "chẳng có gì bất ngờ" về kết cục của cuộc chiến Afghanistan.

Tags:
Lý do Biden quay lưng với Afghanistan

Lý do Biden quay lưng với Afghanistan

Cuối tuần trước, Biden bày tỏ lòng trắc ẩn với người dân Afghanistan giữa lúc Taliban chuẩn bị tiến vào Kabul, nhưng vẫn kiên quyết với kế hoạch rút quân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất