Cho con học đại học Mỹ: Oằn lưng gánh nợ
Học phí đã nằm ngoài tầm kiểm soát và nợ nần khi tốt nghiệp đại học đã trở thành đại họa cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
04:00 15/05/2018
Khi Hilary Clinton tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, ai cũng tin rằng bà sẽ trở thành ửng cử viên của Đảng Dân chủ mà không có một trở ngại nào. Thật bất ngờ bà đã gặp đối thủ ngoài dự tính Benie Sanders, một chính trị gia ngoài 70 tuổi vốn thuộc đảng trung lập, và chỉ chuyển sang Đảng Dân chủ khi có ý định tham gia tranh cử.
Sanders, dù ở tuổi 73, đã được giới trẻ ủng hộ nhiệt liệt bởi chính sách giáo dục “Miễn phí đại học công cho mọi sinh viên, kể cả đối tượng trong gia đình có thu nhập cao”.
Khi Hilary thắng Sender, bà đã mất đi phần lớn số phiếu quan trọng của lớp cử tri trẻ này…
Sinh viên trên giảng đường Georgia Tech |
Sự thật bàng hoàng
Ngày tôi mới đến Mỹ, vừa có thai cháu đầu tiên, cháu chưa chào đời thì đã liên tiếp nhận được thư mời đóng tiền vào quĩ “Đại học” cho con. Tôi, tất nhiên lúc đó chưa hề biết gì về nước Mỹ, đã cười ruổi, coi thường người Mỹ thiếu tự tin hoặc không đủ khả năng nuôi dạy để con họ sẽ được nhận học bổng khi vào đai học!!!
Ngay cả những năm gần đây, tôi vẫn nghĩ rằng nếu học giỏi thì học sinh Mỹ dù xuất thân ở bất cứ tầng lớp nào cũng sẽ được nhận học bổng của các trường đại học lựa chọn - vẫn có nhưng rất hiếm cho những học sinh ưu tú.
Vì vậy tôi thật sự bàng hoàng khi biết bạn của con trai học rất giỏi, điểm GPA còn cao hơn cả con trai nhưng không thể vào Đại học San Diego của Tiểu bang Cali – (University of California, hệ thống cao nhất), cũng không thể học ở Đại học San Diego – (California University, hệ thống thứ hai), mà phải bắt đầu từ trường Community College gần nhà (Hệ thống thứ ba, tương đương Trung Cấp) để được hưởng chế độ học phí ưu đãi cho sinh viên trong vùng.
Và gần đây, khi trò chuyện với cặp vợ chồng thương gia quen biết đã lâu có con cùng học với con gái, tôi được biết cô bé ấy – với GPA 4.5 mùa thu này sẽ vào học ở Skyline Community College cách nhà 15 phút xe trong hai năm đầu để không phải trả tiền ký túc xá và đóng tiền học phí cao rồi sau đó mới chuyển vào University of California Berkeley.
Họ mới vay mượn ngân hàng mở rộng business, không may làm ăn thua lỗ nên phải thế chấp nhà trả nợ, và không đủ tiêu chuẩn đứng tên vay tiền cho con đóng học phí đại học. Họ cũng không muốn con mình tự đứng tên vay mượn, vì lãi mẹ đẻ lãi con, sau bốn năm học cháu sẽ gánh một cục đá trên 200.000 USD, lấy gì đảm bảo sẽ kiếm được việc làm có thu nhập cao để mà trả nợ.
Những chàng trai, cô gái trẻ này sẽ phải vượt qua một chặng đường dài buồn tẻ, đầy lối rẽ cám dỗ ma quỉ mới tới được những cánh cửa đại học danh tiếng. Họ phải biết chọn những môn học nào được cấp chứng chỉ cho chương trình đại học đại cương ở University – thường là những môn khó nhất ở Community College, và phải đạt được kết quả cao trong các kỳ thi. Và tất nhiên, những môn học đó phải nằm trong ngành học mà họ muốn đăng ký ở University.
Nỗ lực ở Community College sẽ giúp cho họ rút ngắn thời gian học ở University, nhưng khi vào được hệ thống cao hơn này họ vẫn phải vay mượn để đóng học phí, tiền ăn ở với giá cao ngất ngưởng cho những năm kế tiếp.
Nợ nần sau tốt nghiệp đã thành... đại họa
Theo Michael Sainato trong bài viết “Bernie Sanders and the Crisis of Affordable College Education” (Tạm dịch: "Bernie Sanders và sự khủng hoảng của nền giáo dục đại học không đắt đỏ") đăng trên Observer, học phí đã nằm ngoài tầm kiểm soát và nợ nần khi tốt nghiệp đại học đã trở thành đại họa cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
ĐH Montana – hay còn được gọi là UM – là một đại học nghiên cứu công lập ở Missoula, tiểu bang Montana, Mỹ |
Benie Sander, mãi tới năm 2015, khi quyết định ra tranh cử mới chính thức gia nhập Đảng Dân chủ (để lấy phiếu của cử tri Dân chủ) và đưa ra dự án “Make College Tuition – Free” – Đại học miễn phí cho mọi đối tượng.
Ông chứng minh những thập niên gần đây tiền học phí tăng tới 50% đã khiến cho con em gia đình trung lưu không thể vào được đại học, và khiến cho nước Mỹ, từ đứng đầu thế giới đã tụt xuống vị trí thứ 12 về tỉ lệ giới trẻ có bằng cấp đại học.
Ông kêu gọi Quốc hội thông qua 70 tỉ mỗi năm đầu tư cho chương trình đại học công miễn phí và dự án của ông đã được giới trẻ, tầng lớp trung lưu (cả Dân chủ và Cộng hòa) nhiệt liệt ủng hộ.
Hilary, để lấy lòng cử tri của Sander trong những ngày cuối của chặng đua với Trump đã phải đồng ý đưa dự án này của Sander vào trương trình của mình.
Dự án ấy chưa thành hiện thực, và vẫn chỉ có những học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp (dưới 80.000 USD/ năm cho gia đình 4 người) mới được xét học bổng, trợ cấp không hoàn lại, được vay mượn không lãi suất khi vào các trường đại học công.
Học bổng căn cứ vào thành tích học tập, năng khiếu và các hoạt động ngoại khóa, trợ cấp dựa theo thu nhập tài chính của gia đình. Mức tiền này, ước tính có thể đủ trả từ 50% đến 100%, tùy theo kết quả học, thu nhập của bố mẹ và trường mà học sinh lựa chọn.
Ví dụ, nếu kết quả GPA trên 4.5, thu nhập gia đình chỉ ở mức 30 - 40.000 USD/ năm (và nhiều yếu tố khác) học sinh ấy có thể chọn Berkeley University mà không phải đóng góp gì, hoặc chỉ cần vay không lãi suất vài nghìn USD/ năm.
Nhưng nếu GPA dưới 4.0, thu nhập gia đình gần 80.000 USD/ năm, tiền học bổng và trợ cấp không hoàn lại sẽ giảm xuống. Sinh viên ấy nếu học Berkeley sẽ phải vay mượn nhiều hơn, có lãi suất và khi tốt nghiệp có thể vẫn nợ tới cỡ 100.000 USD.
Để tránh nợ, sinh viên này cần phải chọn trường đại học ở hệ thống thứ hai – California University, chi phí khoảng 25.000 USD/ năm. Tấm bằng này sẽ khó kiếm việc hơn, nhưng so với các bạn trong gia đình trung lưu, sinh viên ấy vẫn có quá nhiều thuận lợi.
Xem ra tấm bằng đại học không chỉ là mơ ước của học sinh và thử thách cho bậc cha mẹ ở Việt Nam bởi tại Mỹ nó là sự đầu tư lớn chỉ sau bất động sản.
Để trở thành chủ nhân của một căn nhà, người Mỹ thường mua trả góp trong thời gian 30 năm. Vâng, 30 năm, nếu như không có những rủi ro như ốm đau, mất việc làm khiến cho nhà băng thu hồi lại.
Sự đầu tư lớn thứ hai của người Mỹ chính là tấm bằng đại học. Đầu tư càng nhiều, độ may rủi càng cao. Nếu thực sự có tài và may mắn, một tương lai sán lạn đang chờ đón. Nhưng nếu cơ hội không đến, ra trường chỉ là một công chức bình thường bạn sẽ phải nai lưng trả tiền học phí, nai lưng trả tiền nhà rồi bất lực lo lắng cho tương lai của con cái.
Tôi đã thấy rất nhiều sinh viên sau 4 năm đại học ở hệ thống cao nhất University of California chỉ xin được việc làm 14 USD/ giờ, tương đương 30.000 USD/ năm. Nhiều người tốt nghiệp rất lâu vẫn chỉ có việc làm không quá 50.000 USD/ năm.
Với mức lạm phát, nhà cửa sinh hoạt như hiện nay, thu nhập ấy rất khó để trang trải chi phí hành ngày, nói gì đến thanh toán món nợ khổng lồ trĩu nặng trên vai, nói gì đến mua nhà và hưởng thụ.
Những cám dỗ bạn nên né xa khi đi du học
Chưa bao giờ các lời mời chào viết luận, làm bài tập hộ lại trắng trợn và tràn lan trên những diễn đàn, nhóm hội du học sinh trên Facebook như bây giờ.