Chồng ngày nào cũng mặc đồ cùng màu với vợ
Suốt hai năm nay, ngày nào bước ra khỏi nhà, cặp vợ chồng người Ấn Độ sống tại Mỹ cũng mặc đồ cùng tông.
23:25 13/05/2017
Mỗi ngày, cặp vợ chồng ở quận Queens (New York, Mỹ) là Chintamani và Deblina Halder, ở độ tuổi 30, đều mặc đồ đôi.
Chị Halder, kỹ sư công nghệ thông tin, lần đầu quen chồng năm 2009. Khi đó chị đang sống tại Karnataka (Ấn Độ) và làm về hỗ trợ kỹ thuật. Chintamani, người Ấn Độ, sống tại Houston (Mỹ) đang cần trợ giúp về công nghệ gấp.
Theo Nypost, Halder đã phải dành 4 tiếng trên điện thoại để giúp anh khắc phục sự cố. Chàng trai bị thu hút bởi giọng nói dịu dàng của cô gái nên đã tìm Facebook và làm quen.
Trước khi quen vợ, anh Chintamani luôn mặc quần áo màu nhạt. |
Tình yêu xa của họ ngày càng gắn bó, nhất là khi Halder kể về ước mơ thời nhỏ là sau này sẽ luôn mặc đồ cùng tông với chồng, xuất phát từ việc cô thích diện đồ cho búp bê nữ Barbie và búp bê nam Ken giống hệt nhau.
Năm 2010, anh Chintamani bay về Ấn Độ gặp người yêu lần đầu. Chị trưng ra 10 chiếc áo sơ mi, với đủ màu sắc rực rỡ cầu vồng đã mua cho anh. "Trước đó, tôi chỉ mặc những màu mờ nhạt", anh Chintamani nói. "Tất cả quần áo của anh ấy trước đây đều mang đi từ thiện hết rồi", vợ anh kể.
Năm 2013, chị Halder chuyển tới thành phố New York để ở gần người yêu hơn. Vào tối thứ 6 hẹn hò hằng tuần, chị sẽ nói cho anh biết mình định mặc màu gì để anh chọn đồ phù hợp.
Chị Halder đã từ bỏ những chiếc váy dài hay váy màu đỏ tươi vì không tìm được đồ nào cho chồng hợp với các trang phục đó của mình. |
Năm 2015, họ tổ chức đám cưới tại Ấn Độ, cả hai đều mặc đồ tông trắng - đỏ cầu kỳ. Ngay sau đó, họ chuyển tới một căn hộ tại Mỹ sống và từ đó luôn mặc đồ đôi.
"Chồng đã thực hiện giấc mơ của tôi. Hầu hết nam giới đều thấy việc mặc đồ đôi với vợ hết ngày này sang ngày khác như vậy là điên rồ - lãng phí thời gian và tiền bạc. Chồng tôi không như vậy. Anh ấy chẳng bao giờ đặt cái 'tôi' lên trên cái chung trong cuộc sống gia đình", chị Halder kể.
Đồ của hai người luôn cùng tông màu nhưng phải theo nguyên tắc cơ bản quan trọng là không được giống hệt nhau. Họ cùng chọn đồ vào mỗi sáng, dù cả hai làm việc ở cách xa nhau. "Chúng tôi không bao giờ ra khỏi nhà mà mặc đồ không ăn ý. Đến nỗi người gác cửa tòa nhà ngày nào cũng háo hức đợi xem chúng tôi mặc gì", chị Halder kể.
Anh Chintamani luôn tự hào khi vợ khoác tay ra ngoài cùng mình trong các trang phục đồng màu. |
Anh Chintamani không phiền lòng khi nuông chiều sở thích đặc biệt này của vợ.
"Tất cả quần áo của tôi là do vợ chọn. Cô ấy biết cái gì hợp với tôi và tôi vẫn cảm thấy mình rất nam tính khi mặc đồ hợp với vợ. Tôi muốn làm cô ấy hạnh phúc", anh bày tỏ.
Có người trêu "thế đồ lót của hai người cũng hợp màu nhau chứ" thì anh chỉ mỉm cười đáp lại. "Đúng rồi, cậu có muốn xem không".
Việc đóng đồ cho các kỳ nghỉ luôn là một thách thức với họ.
Cho kỳ nghỉ 11 ngày ở Florida cuối tháng này, cặp vợ chồng đã phải đi mua đồ dần từ hai tháng rưỡi trước. "11 ngày liên tục, 11 bộ đồ ăn ý, thật là khó sống với phong cách này", chị Halder thừa nhận.
Họ dự định sẽ có con vào vài năm tới và khi ấy cả gia đình sẽ mặc cùng tông, dù điều này không dễ. "Tôi cũng chưa biết làm thế nào để thực hiện việc ấy", chị Halder nói.
L.A dùng 355 triệu đô la như thế nào mỗi năm cho việc chống nạn vô gia cư?
Một kế hoạch chiến lược về việc chi tiêu 355 triệu đô la mỗi năm cho chiến dịch chống nạn vô gia cư của Quận Los Angeles đã được đưa ra vào thứ Tư vừa rồi.