Chữ hiếu cản trở con gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão

Với nhiều người Việt, dù không có điều kiện chăm sóc cha mẹ già yếu nhưng không thể gửi vào các viện dưỡng lão bởi định kiến "làm thế là bất hiếu".

14:00 24/03/2021

Hơn một năm nay, Phương Thu, 37 tuổi, ở Ba Đình chưa có ngày nào được yên lòng bởi không biết "tính thế nào cho ổn" việc chăm sóc mẹ - người phụ nữ là y sĩ nghỉ hưu, hơn 70 tuổi, có lịch sinh hoạt "chuẩn như một cái đồng hồ" và đặc biệt không thích trẻ con.

Kể từ ngày bố Thu đột ngột qua đời 15 năm trước, bà càng thêm trầm lặng. Ba người con gái năn nỉ mẹ về ở cùng nhưng bà nhất định không chịu với tuyên bố chắc như đinh đóng cột: "Dù có chết, cũng phải chết ngay tại nhà chứ không đi đâu".

Các con đành thuê osin, song với tính khí của bà, người đầu tiên chỉ ở được một tuần. Người thứ hai khóc suốt mười ngày đầu vì bị đuổi đi nhưng cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn, sống yên bình với mẹ cô, hàng ngày chỉ phải nấu ăn là chính, còn mẹ Thu tự chăm được cho bản thân. Trong tuần, chị em Thu đều tranh thủ ghé qua thăm bà, nhưng khi mẹ bị đột quỵ, ngã gãy tay gần hai năm trước, họ biết "giải pháp người giúp việc" đã hết tác dụng.

Bà đã sống trong viện dưỡng lão Thiên Đức (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) 6 năm. Bà lựa chọn sống trong này chứ không định cư nước ngoài cùng người con gái duy nhất. Ảnh: Phan Dương.
Bà Nguyễn Thị Liệu chọn sống trong viện dưỡng lão chứ không định cư nước ngoài cùng người con gái duy nhất. Bà đã sống trong viện dưỡng lão ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm 6 năm nay. Ảnh: Phan Dương.

Giữa năm ngoái, mẹ cô bị một vết thâm không rõ nguyên nhân ở cằm. Ngay trước Tết vừa qua, bà lại có một vết thâm dưới mắt phải. Rất lo, nhưng ba chị em Thu không thể cho osin nghỉ bởi không tìm được người thay thế phù hợp. Có lần, chị em Thu đã bàn đến việc gửi mẹ vào viện dưỡng lão. "Nhưng mẹ tôi nổi xung lên, không đi. Anh rể cả cũng quyết liệt phản đối vì cho rằng con cái đẩy cha mẹ vào đó là rũ bỏ trách nhiệm con cái, là bất hiếu", nữ nhân viên truyền thông chia sẻ.

"Chúng tôi lo nếu chẳng may đêm hôm bà xảy ra chuyện mà người giúp việc ngủ trên tầng hai không biết. Dạo này mẹ cũng đã có biểu hiện lẫn, có thể mẹ bị đối xử không tốt", Thu thở dài nói và cho biết, mấy ngày trước đã lắp ba camera trong nhà "để yên tâm hơn".

Mẹ Thu đang là một trong 11,4 triệu người cao tuổi ở . "Kết quả Tổng điều tra cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019", nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho biết.

Việc chăm sóc bố mẹ già yếu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do con cái đảm nhiệm hoặc thuê người giúp việc. Nhiều gia đình xem thuê người chăm sóc cha mẹ là giải pháp hợp lý nhất dù biết có nhiều hạn chế như: ít được đào tạo, không được kiểm tra hoặc quản lý bởi bất kỳ tổ chức chuyên nghiệp nào. Hơn nữa người chăm sóc đều có xu hướng tuổi cao, có bệnh trong người.

Phương Thu cho biết thêm, ngoài lo ngại định kiến "bất hiếu" khi gửi mẹ vào viện dưỡng lão, cô cũng lo lắng, không biết mẹ ở trong đó có được chăm sóc tốt không và các cơ sở này đều đặt ngoài trung tâm thành phố, gây khó khăn thăm nom.

Trong khi Phương Thu đang tiến thoái lưỡng nan, ông Nguyễn Ngọc Thanh, một sĩ quan nghỉ hưu ở quận Hoàn Kiếm đã gửi mẹ đi dưỡng lão vào năm 2013, bất chấp sự phản đối "làm thế là bất hiếu" của ba người em trai.

Cụ bà bị lẫn một thời gian dài mà con cháu không biết. Cụ ăn cơm rồi nói chưa ăn, cấu giấu vàng nhưng lại bảo có người lấy, nửa đêm cụ đập cửa uỳnh uỳnh không cho ai ngủ. "Mẹ rất quý con trai nhưng ghét con gái. Đỉnh điểm một lần tôi đang đi công tác phải bay về gấp, vì mẹ không chịu để con dâu đút cho ăn", ông Thanh kể.

Mẹ ông Thanh năm nay 91 tuổi, sống trong viện dưỡng lão 8 năm. Khoảng 3 năm nay cụ phải ăn xông. Ảnh: Phan Dương.
Mẹ ông Thanh năm nay 88 tuổi, sống trong viện dưỡng lão 8 năm. Khoảng 3 năm nay cụ phải ăn xông. Ảnh: Phan Dương.

Thời gian sau cụ bà bị đột quỵ, người đầy vết lở loét do nằm lâu mà con cái không có kinh nghiệm xử lý, nên ông Thanh đành tìm đến cơ sở có chuyên môn để mẹ được chăm sóc tốt hơn. Ông đã đi khảo sát ba viện dưỡng lão trước khi chọn một cơ sở ở huyện Thanh Trì. "Thời gian đầu tôi xuống vài lần, toàn bất ngờ không báo trước để xem các cụ có được chăm sóc tốt không", ông kể.

Sau hai tháng, người con nhận thấy tinh thần mẹ tốt hơn nhờ có nhiều bạn trò chuyện và được sinh hoạt cộng đồng, vật lý trị liệu. Cụ nhớ ra khá nhiều con cháu đã quên trước đó và còn khen chưa bao giờ được chăm sóc tốt như vậy. Mỗi dịp Tết hay giỗ ông đón về nhà, cụ lại đòi trở lại viện ngay, thậm chí có đồ gì ngon là mang về cho một cậu điều dưỡng mà cụ xem như đứa con trai thứ 5 của mình.

Sau hai năm cụ bà vào trung tâm, ba người em ông Thanh phải thừa nhận: "May mà ngày đó anh đưa mẹ vào đây chứ không mẹ mất lâu rồi".

có truyền thống con cháu chăm sóc bố mẹ. Trong xu hướng chuyển đổi từ gia đình "tam, tứ đại đồng đường" sang gia đình hạt nhân, con cái sống xa cách và bận rộn hơn. Việc ở chung cũng có những bất tiện. "Chữ hiếu" trong quan niệm xưa vô tình trở thành rào cản khiến con không dám gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão.

"Người già cần chăm sóc về y tế, tinh thần và thể chất. Nếu gia đình đảm bảo được cả ba yếu tố này là tuyệt vời nhất", ông Nguyễn Tuấn Ngọc, người đầu tiên mở viện dưỡng lão tư nhân ở Việt Nam chia sẻ.

Năm 2001, khi mở viện dưỡng lão, ông Ngọc từng bị xem là "khùng" bởi người ta nghĩ nơi đây như "nhà tù dành cho người già" và con cái cho cha mẹ vào là mang tội bất hiếu. Nhưng nhu cầu của xã hội cũng dần thay đổi, đến nay ông đã mở thêm được những chi nhánh ở Hà Nội, Vũng Tàu, Đồng Nai và đang chăm sóc cho gần 500 cụ.

"Thắng lợi lớn nhất của tôi trong 20 năm qua là xoá được một phần định kiến đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Giờ đây nhiều người hiểu đưa bố mẹ vào trung tâm là nâng cao chăm sóc và tuổi thọ cho bố mẹ mình", ông Ngọc nói.

Chị Hoàng Ngân, phó giám đốc một trung tâm dưỡng lão ở quận Hà Đông cũng bày tỏ, nếu cha mẹ muốn vào viện dưỡng lão mà con không cho, hay con muốn "tống đi cho rảnh", lúc đấy mới bàn đến "có hiếu" hay không.

Hiện tại một số các trung tâm dưỡng lão đều có các mô hình phù hợp với nhiều gia đình từ chăm sóc ban ngày, chăm sóc trong tuần, chăm sóc tại nhà và ở cố định. Tuy nhiên làm sao để xu thế mới không phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống vẫn đang là điều những người làm ngành này suy nghĩ.

"Tôi mong muốn mỗi một khu đô thị có quỹ đất, một không gian dành cho người già. Làm được như vậy vẫn đáp ứng được chăm sóc người cao tuổi mà không phá vỡ cấu trúc gia đình ", ông Tuấn Ngọc kiến nghị.

Từ cuối năm 2019 tới nay, sức khỏe mẹ ông Thanh yếu, phải ăn xông và không nhận ra con cháu nữa. Ông Thanh vẫn đến thăm mẹ đều đặn. Ngày Tết ông vào với mẹ ngày 30 và mùng 2, đồng thời sắp xếp cho các con cháu khác kín lịch còn lại để lúc nào mẹ cũng có người ở bên.

"Với tôi, mẹ được chăm sóc tốt những ngày cuối đời là trọn đạo làm con", người con 68 tuổi chia sẻ.

Tags:
8 lý do khiến Mỹ trở thành quốc gia tuyệt vời và đáng sống nhất trên thế giới

8 lý do khiến Mỹ trở thành quốc gia tuyệt vời và đáng sống nhất trên thế giới

Nước Mỹ từ xưa tới nay là giấc mơ của rất nhiều người trên thế giới. Ở Mỹ, chính phủ tôn trọng quyền tự do và bình đẳng của con người. Vì thế mà mọi người sống tại Mỹ luôn có nhiều cơ hội để phát triển và theo đuổi ước mơ, tham vọng của mình. Tuy nhiên chỉ vậy thôi thì chưa đủ, dưới đây là 8 lý do khiến Mỹ trở thành quốc gia tuyệt vời và đáng sống nhất trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất