Chủ tiệm nail thuê lao động chui đối mặt 10 năm tù và án phạt nửa triệu euro

Vào ngày 6/8/2024, các nhân viên hải quan của Cơ quan “Kiểm soát tài chính ” (FKS) Darmstadt Wiesbaden đã tiến hành kiểm tra một tiệm Nail người Việt nam làm chủ và đã phát hiện ra 5 nhân viên tiệm nail này làm việc bất hợp pháp.

13:20 04/09/2024

Trong số này, 3 người chỉ xuất trình ảnh hộ chiếu trên điện thoại di động, 2 người còn lại không có giấy tờ tùy thân nào cả. Theo hải quan, cả 5 người đều không có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động hợp lệ ở Đức.

chu tiem nail 10 nam

Tại thời điểm kiểm tra, khách hàng vẫn nườm nượp, tiệm Nail vẫn bận rộn làm móng tay và móng chân cho khách hàng, nhưng sau đó tiệm này phải đóng cửa vì hải quan không còn cho phép tiệm hoạt động tiếp. Cả 5 bị cáo người Việt đều bị tạm giữ.

Chủ tiệm nail người Việt sử dụng lao động bất hợp pháp hiện đang phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự vì hỗ trợ và tiếp tay cho việc người nước ngoài cư trú bất hợp pháp và tuyển dụng người nước ngoài không có giấy phép lao động ở Đức. Chủ tiệm nail người Việt này có thể phải đối mặt với mức án tù lên tới mười năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tài chính lên tới 1/2 triệu euro.

Bài liên quan: Đánh đổi quá nhiều để sang Đức bằng xe thùng, liệu có đáng?

Đến giờ, tôi vẫn lấy làm khó hiểu với những ai chấp nhận đánh đổi quá nhiều thứ để nhập cư bất hợp pháp vào Đức.

"Tôi đã từng tiếp xúc nhiều người ở Đức và biết về nhiều chi phí họ phải bỏ ra để đi theo con đường này. Nhưng thật sự đến giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi lựa chọn của họ.

Để đi sang Đức hợp pháp theo diện học nghề, chi phí khoảng 10.000 euro + tiếng Đức B1 + 3 năm học + làm việc ở Đức (lương khoảng 800 euro một tháng, có thể làm thêm).

Để đi 'bằng xe thùng', thường mất ít nhất 20.000 euro, sống chui lủi, có việc cũng lương thấp, nguy cơ bị quỵt tiền cao, lương (tính theo giá trị một giờ lao động) không bằng một nửa nếu họ có giấy tờ hợp pháp.

Nếu so sánh chi phí + nguy cơ rủi ro + thời gian, rõ ràng đi theo diện học nghề chi phí thấp hơn, an toàn hơn rất nhiều. Nhưng nhiều người (đặc biệt tại một số địa phương mà ai ở Đức cũng biết) cứ lôi kéo nhau sang theo con đường bất hợp pháp.

Trong đó có rất nhiều các bạn trẻ, những người có khả năng tiếp xúc với thông tin mà vẫn đi theo con đường mù mịt ấy. Họ đi chỉ vì: người thân, bạn bè, hàng xóm, cũng đi như vậy".

song chui lui o duc

Người nhập cư bất hợp pháp ở Đức sinh sống ra sao?

Những người bất hợp pháp như vậy dân sở tại ở đây gọi là những người "không quần áo". Họ sống chui lủi, luôn sợ bị bắt vì không có giấy tờ. Người làm chủ không ai dám thuê vì sợ bị phạt rất nặng, thậm chí bị truy tố.

Chứa chấp và sử dụng người bất hợp pháp ở Đức là trọng tội nên ai dám thuê cũng là người liều mạng và thường như vậy là họ sẽ ép giá lao động rẻ mạt nhất để giảm chi phí. Hoặc cho làm công việc nặng nhọc ở những nơi khuất tất, vắng bóng cảnh sát. Không giấy tờ, không biết tiếng nên người sống bất hợp pháp đành phải chấp nhận điều này.

Nước Đức vào mùa đông thường rất lạnh, 3-4 tháng không có ánh mặt trời nên rất dễ bệnh. Không có bảo hiểm nên khi bị bệnh họ cũng không có khả năng đi khám mà sẽ tìm đến các hiệu thuốc để mua thuốc bổ không cần kê đơn hoặc tìm đến các cơ sở điều trị từ thiện.

Vì cuộc sống bấp bênh như vậy nên những người lao động bất hợp pháp thường cố kiếm giấy tờ bằng con đường kết hôn giả. Họ thường làm những việc bất hợp pháp để kiếm thêm tiền cho việc kết hôn giả này hoặc để thuê luật sư.

Việc chuyển đổi hồ sơ có lưu vết bất hợp pháp sang hồ sơ tị nạn là một việc cực kỳ khó và đòi hỏi có luật sư hỗ trợ. May mắn hơn, một phần cực kỳ nhỏ được cho phép tị nạn, học tiếng, học nghề. Còn phần lớn thì cứ sống chui lủi như vậy đến hết đời hoặc chịu hết nổi, phải ra tự thú để được trục xuất về nước.

Đầu năm 2024, nước Đức vừa ban hành quy định nhập cư mới đã được quốc hội và tổng thống ký thông qua, có hiệu lực tháng 3 năm nay. Trong đó có hai điều cực kì đáng chú ý, một là giảm thời gian nhập tịch từ 8 năm xuống còn 5 năm, và hai là cho phép song tịch, người nhập tịch được phép giữ lại quốc tịch cũ của mình.

Điều đó có nghĩa là, bất cứ ai sinh sống hợp pháp trên nước Đức, bất kể du học nghề, du học sinh hay lao động chất lượng cao, nếu đóng đủ 60 tháng tiền thuế bất kể ít nhiều đều được xin nhập tịch.

Về xin thẻ cư trú vĩnh viễn (thẻ vĩnh trú), thời gian cần chỉ là 2 năm làm việc. Từng tìm hiểu quy định nhập cư của nhiều nước châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, tôi chưa thấy quốc gia nào (hoặc tôi chưa biết) mà sau hai năm bạn có thể có được thẻ vĩnh trú, có nghĩa là bạn có thể sinh sống ở quốc gia đó vĩnh viễn vô điều kiện. Và vì ở châu Âu, với thẻ này của Đức, bạn được di chuyển tự do trong khối EU.

Ngoài ra còn một số quy định như tăng thời gian làm thêm cho du học sinh, tăng thời gian cho phép ở lại tìm việc sau khi tốt nghiệp, cung cấp visa tìm việc (seeking job visa) lên đến một năm. Tất cả những điều này đều nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực bổ sung cho nước Đức, cả phổ thông lẫn chất lượng cao.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW), nước này đến năm 2030 sẽ thiếu hơn 5 triệu nhân lực, do tình trạng già hóa dân số cũng như nhu cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực kinh tế mới.

Điều bạn cần là tiếng Đức tốt và chăm chỉ. Dân Việt Nam nói riêng và dân Á Đông nói chung thường cần cù chăm chỉ. Bạn chỉ cần cố gắng học tiếng tốt nữa thôi.

Tương lai của các bạn, nhập tịch bằng cách chính thức hay "đi xe thùng" là do chính bạn chọn lựa.

Độc giả deutschlanddior đang sống và làm việc tại Đức, nói: "Vừa rồi tôi đã xin được vĩnh trú sau 27 tháng làm việc tại Đức bằng visa EU Blue Card. Hiện giờ chính sách nhập tịch của nước Đức dễ dàng hơn rất nhiều, các bạn có thể sang học nghề và được định cư. Điều này chưa từng có ở các nước phát triển G8.

Nếu như các nước khác như Anh, Mỹ, Úc... bạn phải có bằng cấp đại học, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn cao, xin được công việc văn phòng cao cấp mới xin được visa lao động và tiến tới định cư. Còn tại Đức hiện tại, các bạn có thể sang học nghề, vừa được học vừa có lương đủ nuôi sống bản thân.

Sau 3 năm ra trường đi làm toàn thời gian, lương cao hơn và sau đó được vào thường trú nhân. Cơ hội không chỉ còn dành cho những bạn rất xuất sắc, mà mở ra cho các bạn có quyết tâm, cố gắng nỗ lực".

Philip Nguyen / Theo Wiesbadener Kurier / Nhóm Người Tìm Việc Việc Tìm Người Tại Đức

Duy Nguyen / Theo VnExpress

Tags:
Khó khăn của cô dâu Việt sau ly hôn chồng Hàn Quốc

Khó khăn của cô dâu Việt sau ly hôn chồng Hàn Quốc

Kim Oanh vẫn nhớ một ngày mùa đông 7 năm trước, cô dắt hai con rời khỏi căn nhà ở tỉnh Gyeonggi, kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc, dù tương lai mờ mịt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất